Việt Nam nêu 5 định hướng hợp tác thúc đẩy đầu tư giữa ASEAN và OECD

Trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) 2022-2025 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy gắn kết hơn nữa hợp tác đầu tư giữa hai khu vực.

Thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và bao trùm

Sáng 26-10, tại Hà Nội, Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tổ chức hoạt động tọa đàm và đối thoại của Mạng lưới doanh nghiệp OECD - Đông Nam Á, mở đầu cho chuỗi các sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn Bộ trưởng OECD - Đông Nam Á năm 2023.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu tham dự Diễn đàn bộ trưởng OECD - Đông Nam Á 2023

Khai mạc cuộc họp, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh, thu hút đầu tư bền vững là một mục tiêu quan trọng, có ảnh hưởng lớn quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có các nước Đông Nam Á. Sự kiện là dịp quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các doanh nghiệp OECD và Đông Nam Á cùng trao đổi, nhận diện và định hình những xu hướng, cơ hội hợp tác đầu tư bền vững, cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng, lợi nhuận với mục tiêu giảm thiểu tác động khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Với chủ đề thúc đẩy đầu tư bền vững, các đại biểu đã tập trung đánh giá các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực này, những cơ hội và thách thức đặt ra đối với Đông Nam Á, từ đó đưa ra các đề xuất chính sách và biện pháp thúc đẩy hợp tác đầu tư bền vững giữa các nước thuộc OECD và các nước Đông Nam Á. Qua hai phiên tọa đàm và đối thoại, các diễn giả, đại diện chính phủ, doanh nghiệp OECD và Đông Nam Á nhất trí khuyến nghị các biện pháp nhằm biến tiềm năng thành cơ hội, thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai bên như: nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tập trung đầu tư vào nghiên cứu và phát triển xanh, đào tạo kỹ năng và tạo cơ hội việc làm trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường; xây dựng chính sách ưu đãi cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...; tập trung phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất để thu hút các nguồn lực cho phát triển bền vững.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng kinh tế thế giới đang chứng kiến những chuyển đổi và biến động mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến hợp tác đầu tư giữa các quốc gia. Khu vực Đông Nam Á, dù sở hữu những thuận lợi nổi trội trong thu hút nguồn vốn FDI và tiếp tục là điểm sáng trên bản đồ FDI toàn cầu, vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, nhất là thu hút đầu tư chất lượng và bền vững. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bối cảnh đầu tư biến động hiện nay càng cho thấy yêu cầu về nâng cao mối liên kết, quan hệ đối tác hiệu quả, thực chất giữa khu vực với khu vực, giữa quốc gia với quốc gia, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam cam kết sát cánh, đồng hành cùng các nhà đầu tư nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, tạo dựng môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đưa ra 5 định hướng hợp tác trọng tâm để thúc đẩy gắn kết hơn nữa hợp tác đầu tư giữa hai khu vực. Một là, tiếp tục tăng cường tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm với các nước Đông Nam Á trong xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản trị quốc gia về đầu tư bền vững. Hai là, tạo động lực cho hợp tác đầu tư về phát triển bền vững trong các lĩnh vực mới nổi và trọng điểm như chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái. Ba là, hỗ trợ thiết lập các nền tảng cho đầu tư bền vững tại khu vực. Bốn là, tạo lập các hình mẫu trong hợp tác đầu tư bền vững và chất lượng. Năm là, không ngừng củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác và phát triển là điều kiện tiên quyết.

Ngay tại cuộc tọa đàm và đối thoại, Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp ASEAN (ASEAN BAC) và Hiệp hội Doanh nghiệp OECD (BIAC) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác, tạo khuôn khổ cho tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mạng lưới doanh nghiệp OECD - Đông Nam Á, hướng tới mục tiêu chung thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và bao trùm.

Việt Nam và OECD tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) được thành lập vào năm 1961, có trụ sở chính tại Paris, Pháp, hiện có 38 thành viên. Mục tiêu ban đầu của OECD là xây dựng các nền kinh tế mạnh ở các nước thành viên, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả kinh tế thị trường, mở rộng thương mại tự do và góp phần phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp. Những năm gần đây, OECD đã mở rộng phạm vi hoạt động, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển cho các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Trọng tâm chính của OECD là giúp các chính phủ trên thế giới đạt được những mục tiêu sau: Nâng cao niềm tin vào thị trường và các thể chế giúp chúng hoạt động; có được nguồn tài chính công lành mạnh để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai; đạt được tăng trưởng thông qua đổi mới, chiến lược thân thiện với môi trường và tính bền vững của các nền kinh tế đang phát triển; cung cấp các nguồn lực để mọi người phát triển các kỹ năng cần thiết để làm việc hiệu quả.

Từ năm 2007, OECD thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với khu vực Đông Nam Á thông qua nghị quyết đẩy mạnh quan hệ với khu vực Đông Nam Á, coi khu vực này là ưu tiên chiến lược. Tháng 5-2014, theo sáng kiến của Nhật Bản, OECD chính thức công bố Chương trình khu vực Đông Nam Á (SEARP). Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ tiến trình cải cách kinh tế của các nước khu vực Đông Nam Á thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế khu vực, đặc biệt là trong các khuôn khổ ASEAN, APEC…

Chương trình hiện có 11 lĩnh vực trao đổi gồm thuế, đầu tư, giáo dục và đào tạo kỹ năng, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), kinh nghiệm điều hành chính sách, cơ sở hạ tầng bền vững, tăng cường năng lực cạnh tranh, thương mại, vấn đề về giới và báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ. Một thành viên OECD và một nước không phải thành viên của tổ chức này sẽ giữ vai trò đồng Chủ tịch. Từ khi thành lập, Chương trình đã trải qua hai nhiệm kỳ Đồng Chủ tịch (Nhật Bản và Indonesia cho nhiệm kỳ 2014-2018, Hàn Quốc và Thái Lan cho nhiệm kỳ 2018-2022). Việt Nam và Australia đảm nhiệm cương vị Đồng Chủ tịch nhiệm kỳ 2022-2025.

Ngoài hợp tác thông qua ASEAN, Việt Nam và OECD còn hợp tác trực tiếp trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) trong giai đoạn 2022-2026, tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực, nhất là chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Hiện OECD đang hỗ trợ tư vấn chính sách giúp Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kinh tế số; phối hợp, hỗ trợ tư vấn cho Việt Nam về các vấn đề mới như thuế tối thiểu toàn cầu, giảm phát thải carbon, bảo vệ môi trường…; hỗ trợ tìm kiếm nguồn lực để triển khai các dự án hợp tác giữa hai bên; hỗ trợ Việt Nam đảm nhiệm tốt vai trò Đồng Chủ tịch SEARP 2022-2025.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-neu-5-dinh-huong-hop-tac-thuc-day-dau-tu-giua-asean-va-oecd-post556136.antd