Việt Nam nâng tầm đối tác, khai mở lĩnh vực 'nóng' với nền kinh tế 2.000 tỷ USD

Mặc dù đã đạt được những bước tiến nhất định khi UAE trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông nhưng mối quan hệ song phương Việt Nam - UAE vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Với hàng loạt thỏa thuận hợp tác mới được ký kết và việc sớm ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện, quan hệ kinh tế Việt Nam - UAE sẽ sớm có những đột phá mới.

Trong thời gian qua, mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và UAE đã có những bước tiến đáng kinh ngạc. UAE hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á.

Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE chỉ đạt 140 triệu USD, đến năm 2022 đã đạt 3,85 tỷ USD, trong đó Việt Nam đã đạt mức thặng dư thương mại 3,27 tỷ USD. Trong giai đoạn 2018 – 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – UAE luôn duy trì ổn định ở mức 5 tỷ USD/năm, tương đương 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Đông.

10 tháng năm 2023, thương mại song phương Việt Nam – UAE đã đạt được hơn 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,3 tỷ USD và nhập khẩu đạt 615 triệu USD.

UAE hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Tây Á.

UAE hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Tây Á.

Không chỉ đóng vai trò là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, UAE còn là trạm trung chuyển hàng hóa, giúp các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận các thị trường khác trong khu vực Trung Đông và châu Phi.

Ở chiều ngược lại, UAE cũng đang quan tâm đầu tư vào nhiều lĩnh vực tiềm năng tại thị trường Việt, đặc biệt nhất là các lĩnh vực năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng, logistics, cảng biển,…

Trong cuộc gặp vừa qua với Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều tập đoàn lớn của UAE đã bày tỏ mong muốn hợp tác, đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng, cảng biển, chuyển đổi số và điện gió ngoài khơi.

Một trong số đó là Abu Dhabi Ports Group và Sirius International Holding, những công ty con của Tập đoàn International Holdings Company (IHC), muốn tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực cảng biển, logistics, chuyển đổi số, đô thị thông minh, khu phi thuế quan….

Ngoài ra, Sirius International Holding và các doanh nghiệp trong mạng lưới của IHC sẽ tham gia hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) nói riêng và mở rộng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số trong thời gian tới.

IHC là công ty đại chúng có trụ sở chính tại Abu Dhabi với giá trị vốn hóa niêm yết hơn 250 tỷ USD. Tập đoàn này có hơn 480 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp, công nghệ, năng lượng, công nghiệp, bán lẻ… Trước đó, IHC đã đầu tư tại Việt Nam thông qua TTEK Company, công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp công nghệ cho ngành hải quan và các giải pháp thanh toán số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề huy động nguồn lực cho chuyển đổi xanh ngày 2/12, nhiều thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và UAE được ký kết, hứa hẹn giúp dòng vốn FDI của UAE vào Việt Nam bùng nổ trong thời gian tới, bao gồm thỏa thuận thành lập liên doanh tài chính hàng không và tài trợ tài chính cho 15 máy bay mới giữa Hãng hàng không Vietjet và Công ty quản lý vốn Novus Aviation Capital của UAE; ký kết cung cấp nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) giữa Vietjet và công ty SAF One của UAE; thỏa thuận thiết lập và tăng giao dịch tín chỉ carbon, giảm thải carbon giữa Tập đoàn CT với Tập đoàn Fraimont và giữa Tập đoàn CT với Tập đoàn ACX; thỏa thuận hợp tác thương mại giữa Công ty Vinfast và Tập đoàn Thương mại UAE.

Với những kết quả đã đạt được, cả Việt Nam và UAE đều nhất trí một số biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hợp tác, trong đó phải kể đến việc đẩy nhanh đàm phán và sớm ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (CEPA), sớm nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD trong những năm tới.

Đồng thời, mối quan hệ ngày càng sâu sắc hơn giữa Việt Nam và khu vực có quy mô kinh tế hơn 2.000 tỷ USD này hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam phát triển ngành Halal, thúc đẩy hợp tác về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, xây dựng trung tâm tài chính, logistics,…

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/viet-nam-nang-tam-doi-tac-khai-mo-linh-vuc-nong-voi-nen-kinh-te-2000-ty-usd-20180504224292435.htm