Việt Nam một trong những quốc gia quan trọng trong bản đồ lương thực - thực phẩm toàn cầu

Quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sẽ có tác động như thế nào đối với ngành trồng trọt của Việt Nam để bảo vệ sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã cuộc trò chuyện với bà Delisa Jiang, Giám đốc Chương trình quản lý thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) bền vững, CropLife Quốc tế xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa bà! Xin bà cho biết vì sao CropLife lại xây dựng Chương trình Khung Quản lý thuốc BVTV bền vững?

Bà Delisa Jiang: Với dân số toàn cầu dự kiến là 9 tỷ người vào năm 2050, tương lai của nhân loại sẽ phụ thuộc vào khả năng giải quyết nhu cầu cơ bản nhất của chúng ta, đó là thực phẩm. Thách thức đặt ra là phải tìm ra cách vừa có thể nuôi sống dân số ngày càng tăng của chúng ta đồng thời vẫn bảo vệ hành tinh để đảm bảo một tương lai bền vững cho tất cả mọi người. Ba thách thức toàn cầu hiện nay để bảo đảm hệ thống lương thực bền vững, đó là biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và an ninh lương thực.

Để quản lý sự cân bằng này, Chương trình Khung quản lý thuốc BVTV bền vững (gọi tắt chương trình SPMF), được xây dựng với mục tiêu nâng cao năng lực của từng quốc gia nhằm thiết lập khung sử dụng và quản lý thuốc BVTV bền vững, trong đó tập trung giải quyết ba thách thức đó là biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và an ninh lương thực.

 Bà Delisa Jiang.

Bà Delisa Jiang.

Chương trình SPMF lấy nền tảng là các nguyên tắc đã được công nhận chung trong Bộ Quy tắc Ứng xử Quốc tế của FAO/WHO về quản lý thuốc BVTV. Nhận thấy phạm vi rộng lớn và nhu cầu sử dụng nhiều nguồn lực để thực hiện Bộ Quy tắc này, SPMF hỗ trợ năng lực tài chính và kỹ thuật cần thiết cho các quốc gia để thiết lập một khuôn khổ tổng hợp đáp ứng phạm vi của Bộ Quy tắc.

Là hiệp hội đại diện cho tiếng nói của ngành khoa học thực vật với thành viên là các công ty hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển thuốc BVTV, hạt giống và cây trồng công nghệ sinh học (CNSH), CropLife và các công ty thành viên luôn nỗ lực tìm kiếm và ủng hộ các công nghệ cải tiến nhằm giúp nông dân gia tăng năng suất một cách bền vững đồng thời giải quyết những thách thức quan trọng mà nền nông nghiệp của chúng ta đang phải đối mặt. SPMF là một chương trình tổng thể kéo dài 5 năm và là chương trình hoạt động trọng điểm của CropLife trên toàn cầu. Với tầm nhìn tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các công nghệ BVTV tốt nhất, các phương thức canh tác hiệu quả và bền vững nhất cũng như đẩy mạnh hợp tác, đối tác với các bên liên quan trong chuỗi giá trị, chương trình đồng thời cũng khẳng định cam kết nền tảng của CropLife và các công ty thành viên trong việc xây dựng nền nông nghiệp bền vững tại các quốc gia.

PV: Những lợi ích gì cho nông dân, ngành nông nghiệp Việt Nam khi triển khai thực hiện Khung Quản lý thuốc BVTV bền vững?

Bà Delisa Jiang: Nông dân trên toàn thế giới và ở tại Việt Nam đang ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn để sản xuất đủ lương thực cho dân số ngày càng tăng. Bên cạnh đó, họ còn phải đối mặt với sự biến động thất thường của thời tiết và sự suy thoái ngày càng nghiêm trọng của đất trồng. Cách duy nhất để giải quyết những thách thức này đó là chuyển đổi sang các phương thức canh tác bền vững hơn để vừa giúp nông dân cải thiện năng suất cây trồng; đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực từ sản xuất nông nghiệp lên môi trường.

Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia quan trọng trong bản đồ lương thực - thực phẩm trên toàn cầu. Chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây đã có nhiều chủ trương và chiến lược quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững hơn, trong đó xác định vai trò quan trọng của đổi mới trong nông nghiệp, sự cần thiết phải chuyển đổi nền nông nghiệp từ chỉ tập trung vào năng suất đơn thuần sang ưu tiên chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là những động lực và nền tảng có tính dẫn đường để những đối tác trong chuỗi giá trị, trong đó có CropLife có thể tham gia và đề xuất những sáng kiến và giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ cho chiến lược đó. Chương trình SPMF của CropLife là một sáng kiến như vậy - chúng tôi cũng rất vui mừng khi Việt Nam là một trong ba quốc gia tại khu vực châu Á được triển khai chương trình này.

SPMF, chúng tôi hướng tới cải thiện cách tiếp cận về quản lý thuốc BVTV theo hướng toàn diện hơn nhằm tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống với những chính sách khuyến khích đổi khoa học công nghệ, kiện toàn quy trình đánh giá và giảm thiểu rủi ro đối với thuốc BVTV, ứng dụng số hóa trong công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV…

Lễ ký biên bản giữa Cục BVTV và Hiệp hội CropLife Châu Á về "Khung quản lý thuốc BVTV bền vững".

Lễ ký biên bản giữa Cục BVTV và Hiệp hội CropLife Châu Á về "Khung quản lý thuốc BVTV bền vững".

PV: Thưa bà, trong quá trình thực hiện Chương trình này, cụ thể CropLife sẽ hỗ trợ như thế vào đối với ngành nông nghiệp và nông dân Việt Nam?

Bà Delisa Jiang: Theo Bản Ghi nhớ đã ký kết giữa Cục BVTV và Hiệp hội CropLife châu Á ngày 11-7-2023, CropLife sẽ tăng cường hợp tác với nhiều đối tác tại Việt Nam nhằm thúc đẩy triển khai khung sử dụng và quản lý các giải pháp BTTV bền vững song song với việc đẩy nhanh tiến trình ứng dụng đổi mới khoa học trong nông nghiệp. Chương trình này sẽ tiếp tục thể hiện cam kết của CropLife trong việc hỗ trợ Chính phủ và Bộ NN&PTNT Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang các hệ thống lương thực và môi trường bền vững hơn để bảo vệ sức khỏe con người, môi trường và nâng cao chất lượng nông sản.

Cùng với những hoạt động đang triển khai tại Việt Nam của CropLife, SPMF vẫn tập trung vào 3 trụ cột quan trọng: Triển khai khung quản lý thuốc BVTV một cách khoa học, tiên tiến, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời củng cố chính sách và biện pháp giảm thiểu rủi ro phù hợp. Thúc đẩy ứng dụng các giải pháp đổi mới trong lĩnh vực BVTV. Khuyến khích và tăng cường sử dụng thuốc BVTV một cách an toàn hiệu quả.

Tuy nhiên, điểm nổi bật của các hoạt động trong khuôn khổ chương trình SPMF là chúng tôi hướng tới những thay đổi về mặt hệ thống hơn là tập trung vào các mô hình cụ thể, đơn lẻ. Đây cũng là lý do tại sao chúng tôi triển khai và cam kết nguồn lực trong vòng 5 năm.

Về mặt chính sách, mục tiêu của các hoạt động SPMF là sẽ củng cố và xây dựng được khung đánh giá và quản lý thuốc dựa trên nền tảng đánh giá rủi ro cũng như phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Điểm quan trọng ở đây đó là cần hoàn thiện và triển khai các biện pháp quản lý rủi ro phù hợp đối với những loại thuốc có nguy cơ cao khi chưa có những giải pháp thay thế hiệu quả. Bên cạnh đó, SPMF đặc biệt thúc đẩy việc đăng ký và ứng dụng các giải pháp BVTV thế hệ mới trong đó có các thuốc BVTV sinh học hay những công cụ phun mới như drone.

Chúng tôi hy vọng có thể thiết lập được nền tảng đào tạo trực tuyến về sử dụng thuốc. Nông dân qua đó có thể truy cập, lựa chọn tham gia nội dung tập huấn phù hợp, tương tác trực tiếp và nhận chứng chỉ và cập nhật kiến thức thường xuyên trên các nền tảng này thay vì phải đợi các lớp đào tạo truyền thống trực tiếp. Một khía cạnh mới khác của chương trình SPMF đó là các hoạt động về Quản lý Mức Dư lượng Tối đa (MRL) - đây là hoạt động mà chúng tôi hy vọng có sự tham gia của nhiều đối tác trong chuỗi nhằm kiện toàn lại nền tảng dữ liệu quản lý về MRL cũng như thiết lập cơ sở tra cứu trực tuyến về MRL trên một số cây trồng quan trọng, phục vụ mục tiêu xuất khẩu.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

PV: Thực hiện Chương trình Khung Quản lý thuốc BVTV bền vững này liệu có làm phát sinh chi phí sản xuất nông sản của nông dân?

Bà Delisa Jiang: Ngược lại hoàn toàn, một trong những mục tiêu quan trọng của việc thực hiện Chương trình SPMF là nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người nông dân, điều này có nghĩa là giảm chi phí sản xuất, gia tăng năng suất và thu nhập cho nông dân một cách bền vững. Tôi có thể dẫn chứng như sau:

Với việc triển khai chính sách quản lý và sử dụng thuốc BVTV một cách khoa học, tiên tiến cùng hệ thống để quản lý rủi ro toàn diện sẽ giúp đảm bảo khả năng tiếp cận của nông dân tới những sản phẩm thuốc BVTV đủ tiêu chuẩn.

Đối với những hoạt động về sử dụng có trách nhiệm, thì trung tâm ở đây là nông dân. Như tôi đã chia sẻ trên đây, nông dân chỉ thực sự tối ưu hóa lợi ích của các giải pháp và công cụ BVTV tiên tiến khi họ có kiến thức và kỹ năng sử dụng đầy đủ. Bằng cách mở rộng nền tảng tập huấn cho nông dân về các nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV; phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) được FAO khuyến nghị, SPMF sẽ giúp nông dân chọn đúng giải pháp BVTV phù hợp, tiết kiệm lượng thuốc BVTV sử dụng, giảm mức độ phơi nhiễm đồng thời tăng hiệu quả bảo vệ cây trồng, từ đó giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông sản của nông dân.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/viet-nam-mot-trong-nhung-quoc-gia-quan-trong-trong-ban-do-luong-thuc-thuc-pham-toan-cau-755168