Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ tất cả các yêu sách ở Biển Đông trái luật pháp quốc tế

Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ tất cả các yêu sách ở Biển Đông trái luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam...

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng

Lập trường của Việt Nam là luôn rõ ràng, nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Ngày 23/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam đối với phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 14/3/2024 và Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines ngày 17/3/2024 về vấn đề Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế, cũng như có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phản đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Liên quan đến các yêu sách ở Biển Đông trái luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, lập trường của Việt Nam là luôn rõ ràng, nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần, theo đó Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ tất cả các yêu sách này.

Việt Nam mong muốn các quốc gia liên quan thực sự tôn trọng và tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tìm kiếm các giải pháp cơ bản, lâu dài ở Biển Đông.

Trước đó, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, chiều 14/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc mới đây công bố xác định đường cơ sở trong vịnh Bắc Bộ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia tiếp giáp vịnh Bắc Bộ. Ngày 25/12/2000, hai nước đã ký Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ và có hiệu lực từ ngày 30/6/2004 để xác định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước trong vịnh Bắc Bộ.

Việt Nam cho rằng, các quốc gia ven biển cần tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 khi xác định đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, đảm bảo không ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác, bao gồm quyền tự do hàng hải, quá cảnh qua các eo biển sử dụng cho hàng hải quốc tế phù hợp với UNCLOS.

Việt Nam đã và sẽ tiếp tục trao đổi với Trung Quốc về vấn đề này trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ các hiệp định về phân định lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của hai nước trong vịnh Bắc Bộ theo hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000 và UNCLOS 1982.

Việt Nam bảo lưu quyền và lợi ích pháp lý của mình theo luật pháp quốc tế, cũng như quan điểm đã nêu tại tuyên bố ngày 6/6/1996 của Chính phủ Việt Nam liên quan đến tuyên bố ngày 15/5/1996 của Trung Quốc công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc.

Minh Châu

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/viet-nam-kien-quyet-phan-doi-va-bac-bo-tat-ca-cac-yeu-sach-o-bien-dong-trai-luat-phap-quoc-te-179240323102733993.htm