Việt Nam khẳng định cam kết phát huy sáng tạo và phát triển nguồn lực văn hóa

Đà Lạt và Hội An vừa được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân cho rằng đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với nỗ lực và cam kết của Việt Nam trong phát huy sáng tạo văn hóa và phát triển nguồn lực văn hóa, tạo động lực cho quá trình phát triển bền vững của cộng đồng, địa phương và đất nước.

Trong hai ngày 29 và 30/8, Ủy ban nhân dân thành phố Hội An phối hợp Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức chương trình nghệ thuật “Những ngày văn hóa Hội An tại Paris" nhằm quảng bá nghệ thuật dân gian và các làng nghề truyền thống. (Ảnh: Minh Duy)

Trong dịp kỷ niệm Ngày Các thành phố Thế giới (31/10/2023), Tổng Giám đốc UNESCO đã ký Quyết định công nhận Đà Lạt và Hội An cùng 53 thành phố khác trên toàn thế giới chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN).

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vừa có cùng một lúc hai thành phố được UNESCO ghi danh. Trong danh sách do UNESCO công bố, Đà Lạt là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc, còn Hội An là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Như vậy, đến nay Việt Nam có ba thành phố tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO gồm Hà Nội, Đà Lạt và Hội An. Trước đó vào ngày 30/10/2019, Hà Nội được công nhận là thành viên của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh: Đây không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng, người dân Đà Lạt, Hội An, mà còn là niềm vui chung của cả đất nước, vì tên Việt Nam được xướng lên trong mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu sau 4 năm.

UNESCO và các nước đánh giá cao chính sách của Việt Nam coi văn hóa, sáng tạo là động lực cho sự phát triển bền vững, hoan nghênh sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong xây dựng và triển khai Đề án phát triển Mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam. UNESCO và các nước cũng ghi nhận sự nghiêm túc và nỗ lực của các thành phố và các cơ quan liên quan của Việt Nam để bảo đảm hồ sơ có chất lượng, đáp ứng các tiêu chí Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn và Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân tham dự các hoạt động quảng bá những giá trị đặc sắc của địa phương từ nghệ thuật dân gian cho tới các làng nghề truyền thống. (Ảnh: Minh Duy)

Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, đó cũng là một đóng góp nữa của nước ta cho hợp tác UNESCO trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang là Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005).

Với việc ghi danh Đà Lạt và Hội An đợt này, cùng với Hà Nội là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế năm 2019, đến nay, nước ta đã cơ bản hình thành mạng lưới Thành phố sáng tạo của Việt Nam trong Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách, biện pháp phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, để công nghiệp văn hóa phát triển xứng tầm với những lợi thế, tiềm năng vốn có, thực sự là hướng đi mới, đột phá trong phát triển kinh tế sáng tạo, định vị thương hiệu quốc gia, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Với sự ghi nhận này của UNESCO, các địa phương của Việt Nam sẽ có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào các chiến lược và kế hoạch hành động phát triển đô thị, đem lại sinh kế bền vững cho người dân.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân

Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá đất nước, con người, văn hóa ra thế giới. Đó là một Việt Nam phát triển năng động, hội nhập sâu rộng, đổi mới sáng tạo, song cũng đậm đà bản sắc.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cho rằng, niềm vinh dự và tự hào cũng đi kèm với trách nhiệm, đòi hỏi các địa phương, các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức, triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo thành nguồn lực phát triển và thực hiện các cam kết với UNESCO.

Theo thông báo ngày 31/10/2023 của UNESCO, các thành phố mới được ghi danh sẽ hợp tác với các thành viên Mạng lưới để tăng cường khả năng phục hồi trước các mối đe dọa đang gia tăng như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng cũng như đô thị hóa nhanh chóng, với 68% dân số thế giới được dự báo sẽ sống ở khu vực thành thị vào năm 2050.

Thông báo của UNESCO cũng dẫn ý kiến của bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, cho rằng các thành phố trong Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO đang dẫn đầu trong việc tăng cường khả năng tiếp cận văn hóa và khơi dậy sức mạnh của sự sáng tạo để phục hồi và phát triển đô thị.

Một buổi biểu diễn âm nhạc ngoài trời ở Đà Lạt. (Ảnh: MÂY LANG THANG)

Các thành viên mới sẽ được mời tham dự Hội nghị thường niên của UCCN, dự kiến diễn ra từ ngày 1 đến 5/7/2024 tại thành phố Braga ở Bồ Đào Nha, với chủ đề “Đưa tuổi trẻ vào cuộc trong thập kỷ tới”.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được khởi xướng năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững và công nghiệp văn hóa là trọng tâm của các kế hoạch phát triển đô thị.

Đến nay, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có 350 thành phố thành viên từ hơn 100 quốc gia, có sự phát triển dựa trên sự sáng tạo ở 7 lĩnh vực gồm: thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông và âm nhạc

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/viet-nam-khang-dinh-cam-ket-phat-huy-sang-tao-va-phat-trien-nguon-luc-van-hoa-post780436.html