Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam đã cùng một số nước đề xuất các sáng kiến, giải pháp trên nhiều vấn đề lớn của LHQ như đề cao luật pháp quốc tế, đại dương và luật biển, an ninh nguồn nước...

Rạng sáng 6/9 (theo giờ Việt Nam), Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức khai mạc Khóa họp lần thứ 78 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York để thảo luận về hàng loạt vấn đề quan trọng mà thế giới đang phải đối mặt.

Khóa họp thứ 78 diễn ra từ ngày 5/9 cho tới tháng 12, trong đó trọng tâm là Tuần lễ Cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc từ ngày 19-26/9 với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ 193 nước thành viên Liên hợp quốc.

Quang cảnh một phiên họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN phát)

Với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin, khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn cầu: Đẩy nhanh hành động Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người," các đại biểu tham dự Khóa họp thứ 78 Đại Hội đồng Liên hợp quốc sẽ tập trung thảo luận về những vấn đề thời sự nhất, như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, ngăn ngừa đại dịch, giải giáp vũ khí hạt nhân, hội nghị thượng đỉnh tương lai...

Theo giới chức Liên hợp quốc, Khóa họp lần thứ 78 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc sẽ là bước ngoặt trên con đường hướng tới việc hoàn thành Chương trình Nghị sự 2030 và nhu cầu cấp cấp thiết đưa 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trở lại đúng quỹ đạo.

Về Hội nghị Thượng đỉnh SDG, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ sẽ nhóm họp trong hai ngày 18-19/9 để đánh giá việc thực thi Chương trình Nghị sự 2030 và 17 Mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời đưa ra những chỉ đạo chính trị cấp cao liên quan tới các hành động chuyển đổi và tăng tốc hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu này vào năm 2030.

Về Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu (CAS), Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres sẽ triệu tập sự kiện này, với lời kêu gọi tất cả lãnh đạo các chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, khu vực và thể chế tài chính đẩy nhanh hành động.

Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các đại biểu trình bày những giải pháp và hành động đáng tin cậy, hiệu quả để ứng phó với tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

Liên quan tới Hội nghị cấp cao về ngăn ngừa đại dịch, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ triệu tập hội nghị để thông qua một tuyên bố chính trị nhằm huy động ý chí chính trị ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế để phòng, chống và ứng phó với đại dịch.

Trước đó, ngày 5/9, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã tiến hành các Phiên bế mạc Khóa họp lần thứ 77 và khai mạc Khóa họp lần thứ 78.

Chủ tịch Đại Hội đồng khóa 77 Csaba Kőrösi, Chủ tịch Đại Hội đồng khóa 78 Dennis Francis và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed đã phát biểu tại sự kiện, cùng với sự tham dự đông đủ của tất cả các thành viên Liên hợp quốc.

Với việc kết thúc khóa 77 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc (9/2022-9/2023).

Ngày 24/4/2023, tại New York, Hoa Kỳ, trong vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc tham gia chủ trì Phiên họp kỷ niệm Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất. (Ảnh: TTXVN phát)

Trên cương vị Phó Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò này, thể hiện qua việc tham gia sâu rộng vào quá trình thảo luận thúc đẩy Đại Hội đồng thông qua một chương trình nghị sự bao trùm mọi khía cạnh của đời sống quốc tế, tham gia đầy đủ vào quá trình đề xuất, hoạch định những quyết định quan trọng của thế giới.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam đã cùng một số nước đề xuất các sáng kiến, giải pháp trên nhiều vấn đề lớn của Liên hợp quốc như đề cao luật pháp quốc tế, đại dương và luật biển, an ninh nguồn nước, trách nhiệm bảo vệ và phòng ngừa tội ác chống lại nhân loại, tiếp cận công lý bình đẳng, chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao về Phòng chống dịch bệnh, Bảo hiểm y tế toàn cầu, Bệnh lao, Cải tổ hoạt động của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về hoạt động của tổ chức, báo cáo của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), báo cáo của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC)…

Nổi bật là Việt Nam đã chủ trì Đại Hội đồng Liên hợp quốc thảo luận và thông qua Nghị quyết yêu cầu ICJ đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu, các nghị quyết về việc tổ chức Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh, bao phủ bảo hiểm y tế toàn cầu, bệnh lao, thúc đẩy các nội dung thảo luận tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Nước…

Các đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 để thảo luận về hoạt động của Tòa án Công lý Quốc tế. (Ảnh: TTXVN phát)

Sự tham gia chủ động và tích cực của Việt Nam đều nhằm đóng góp một cách cụ thể, thực chất vào công việc chung và các ưu tiên lớn của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế; đóng góp vào thúc đẩy hợp tác, đoàn kết quốc tế và tăng cường chủ nghĩa đa phương để ứng phó hiệu quả trước các thành thức toàn cầu nổi lên ngày càng gay gắt.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hỗ trợ Chủ tịch Đại Hội đồng điều hành suôn sẻ và hiệu quả các công việc chung của Liên hợp quốc, trong đó có các sự kiện lớn cấp cao và các phiên họp quan trọng của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, cũng như trong điều phối và dẫn dắt quá trình thảo luận, thương lượng xây dựng các văn kiện, tiến trình mang tính định hướng chiến lược lâu dài của Liên hợp quốc cho các năm tiếp theo.

Việt Nam là nước được Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 tín nhiệm, giao chủ trì điều hành nhiều cuộc họp của Đại Hội đồng.

TTXVN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/viet-nam-hoan-thanh-xuat-sac-nhiem-ky-pho-chu-tich-dai-hoi-dong-lhq_152192.html