Việt Nam đặt mục tiêu đáp ứng 30% nguyên liệu sản xuất thuốc và chế phẩm y tế vào năm 2045

Dự thảo Chương trình Phát triển CN hóa dược đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt mục tiêu, năm 2045 đáp ứng 30% nguyên liệu sản xuất thuốc và các chế phẩm y tế.

Việt Nam mới đáp ứng được 10% nguyên liệu sản xuất thuốc và chế phẩm y tế

Sáng 2/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược.

Cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược sáng ngày 2/4

Tại cuộc họp, thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập đều đánh giá sự cần thiết của việc xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược.

Cụ thể, theo Cục Hóa chất, Chương trình xây dựng phát triển công nghiệp hóa dược nhằm triển khai các Nghị quyết của Đảng và quy định của pháp luật; Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 23-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 139/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Luật Dược số 105/2016/QH13.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phùng Mạnh Ngọc – Cục trưởng Cục Hóa chất cho rằng: Hiện tại, nguyên liệu sản xuất thuốc và các chế phẩm y tế của Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 10%; người dân tiêu thụ thuốc thấp, chỉ 8 USD/người/năm.

Đặc biệt theo Cục Hóa chất, phân loại của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), công nghiệp dược của Việt Nam được xếp loại ở mức 3/5, nghĩa là “công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”. Trong khi đó, theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), công nghiệp dược Việt Nam mới ở gần cấp độ 3 (bao gồm 4 mức).

Để phát triển ngành công nghiệp dược, tại Quyết định số 376/QĐ-TTg năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đưa ra mục tiêu chung: Xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO, có giá trị thị trường trong Top 3 ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý. Tại Quyết định số 376/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược.

Tại Quyết định số 726/QĐ-TTg năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành hóa chất Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045, trong đó tập trung vào chiến lược phát triển một số phân ngành trọng điểm như hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su, kỹ thuật, hóa dược và phân bón.

Gần đây nhất, Quyết định số 1165/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045”. Tại Quyết định, Thủ tướng đã phê duyệt “danh mục các chương trình, dự án ưu tiên thực hiện”, bao gồm 1 dự án và 2 chương trình, trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Chương trình “Phát triển công nghiệp hóa dược” trình Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2024.

Ông Phùng Mạnh Ngọc – Cục trưởng Cục Hóa chất phát biểu tại cuộc họp

Mục tiêu đạt 30% vào năm 2045

Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đang được Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) xây dựng đặt mục tiêu, đến năm 2030, sản xuất trong nước bảo đảm đáp ứng 15%, năm 2045 đáp ứng 30% nhu cầu nguyên liệu tính theo giá trị phục vụ cho công nghiệp bào chế thuốc, chế phẩm, vật tư ngành y tế phù hợp với mục tiêu của “Chương trình Phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định 376/QĐ-TTg và Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng ban hành tại Quyết định số 1165/QĐ-TTg.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược theo chiều sâu, chủ động nguồn nguyên liệu thuốc, phát triển công nghiệp hóa dược có cơ cấu, sản phẩm tương đối hoàn chỉnh, bao gồm các sản phẩm hóa dược chủ yếu, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu.

Đưa ra cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa dược, từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Xúc tiến thương mại, phát triển thương mại trong nước, thương mại điện tử để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Để đạt được mục tiêu trên, theo bà Đỗ Thanh Hà – Phó trưởng phòng Phát triển Công nghiệp hóa chất (Cục Hóa chất), Chương trình xây dựng phát triển công nghiệp hóa dược đề xuất 7 giải pháp, bao gồm: Hoàn thiện thể chế chính sách; giải pháp về quy hoạch; giải pháp về tài chính và hỗ trợ đầu tư; giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp hợp tá quốc tế; giải pháp về đào tạo nhân lực và giải pháp về xúc tiến thương mại.

Trong đó, về giải pháp hoàn thiện thể chế chính sách, bà Đỗ Thanh Hà cho rằng: Cần hoàn thiện việc xây dựng và ban hành hệ thống cơ chế, chính sách văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp hóa dược.

Cùng với đó, đẩy mạnh quá trình xây dựng ngành công nghiệp hóa dược trên cơ sở hình thành và phát triển bền vững các doanh nghiệp hóa dược thuộc mọi thành phần kinh tế; có cơ chế, chính sách cụ thể ưu đãi đặc biệt cho đầu tư sản xuấ hóa dược, nhất là dược chất để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành công nghiệp hóa dược; đẩy nhanh thủ tục chuyển giao và đổi mới công nghệ, dây chuyền máy móc thiết bị; ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất các sản phẩm hóa dược có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và tạo lập thị trường thuận lợi cho các sản phẩm hóa dược.

Ban hành các chính sách hợp lý, thiết thực để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nguyên liệu hóa dược, góp phần phát triển ngành công nghiệp hóa dược; xây dựng tiềm lực cho khoa học, công nghệ trong lĩnh vực hóa dược.

Xây dựng chính sách cụ thể ưu đãi đặc biệt đối với các đơn vị đầu tư nghiên cứu, chuyển giao sản xuất, xuất khẩu nguyên liệu thuốc có áp dụng công nghệ cao, thuốc sinh học, dược liệu. Bên cạnh đó, cần bổ sung các nhóm sản phẩm hóa dược từ nguồn sinh học và dược liệu vào danh mục các sản phẩm công nghệ cao khuyến khích phát triển.

Liên quan đến các giải pháp về chính sách, Cục Hóa chất cũng đề xuất đưa các sản phẩm sử dụng nguyên liệu thuốc sản xuất trong nước và danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Ưu tiên đấu thầu thuốc vào bệnh viện đối với thuốc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Đồng thời, tạo điều liện thuận lợi về trình tự, thủ tục đăng ký lưu hành thuốc đối với thuốc sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước. Kết hợp đầu tư ngân sách nhà nước với hy động các nguồn lực khác cho phát triển công nghiệp hóa dược. Đặc biệt, cần có “hàng rào” chính sách nhập khẩu hợp lý, không trái với các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu hóa dược mà doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất bằng các rào cản kỹ thuật.

Nguyễn Hòa - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-dat-muc-tieu-dap-ung-30-nguyen-lieu-san-xuat-thuoc-va-che-pham-y-te-vao-nam-2045-312287.html