Việt Nam dành nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ

Ngày 23/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã đồng chủ trì công bố nghiên cứu đầu tiên về các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại Việt Nam, 98% tổng số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, trong đó 20% các doanh nghiệp là do phụ nữ làm chủ. Lực lượng này có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực giảm đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: MPI)

Ở góc độ phát triển xã hội, các doanh nghiệp này góp phần tăng vị thế của phụ nữ, tăng đầu tư cho y tế, giáo dục của trẻ em nhất là các trẻ em gái, làm tăng lợi ích xã hội, hướng tới các mục tiêu phát riển bền vững.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp, trong giai đoạn 2012-2022, số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ liên tục tăng với tốc độ ít nhất 2%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trung bình của khu vực doanh nghiêp.

“Hiện nay, Việt Nam là một trong các thị trường doanh nhân nữ phát triển thuận lợi, mạng lưới doanh nghiệp nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN”, ông Trần Duy Đông nói.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, các doanh nhân nữ là những người linh hoạt, mềm dẻo nhưng cũng rất kiên cường và bền bỉ. Họ cũng là những người tiên phong hướng tới tạo dựng một nền sản xuất sạch, vì sức khỏe của cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

“Đã có nhiều điển hình doanh nhân nữ thành công trên thương trường và đưa được các thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam ra thị trường quốc tế như Vinamilk, TH True milk, Vietjet”, ông Đông nhấn mạnh.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: MPI)

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp do nữ làm chủ đa số có quy mô siêu nhỏ và nhỏ; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Bên cạnh đó, doanh nhân nữ vẫn phải đối diện với các thách thức, rào cản xuất phát từ một số định kiến xã hội và hủ tục truyền thống.

Thời gian tới, trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn, trong đó có những yếu tố phức tạp mới, tác động khá toàn diện tới nền kinh tế Việt Nam cùng với những khó khăn kéo dài từ dịch bệnh Covid-19 đến nay, sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung và doanh nhân nữ nói riêng.

Tại Việt Nam, đây là một định hướng chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Vừa qua, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra giải pháp có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 cũng đề ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đã bổ sung chi tiết một số chính sách ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ với các định mức hỗ trợ cao hơn doanh nghiệp nói chung.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, tổng hợp và nghiên cứu đề xuất trình Chính phủ kịp thời ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-danh-nhieu-chinh-sach-uu-tien-ho-tro-phat-trien-doanh-nhan-nu-post282078.html