Việt Nam cần nắm cơ hội đi đầu về sản xuất dụng cụ bảo hộ

Việt Nam có tiềm năng về sản xuất dụng cụ bảo hộ cá nhân, như khẩu trang, găng tay và các kiểu dụng cụ bảo hộ y tế khác và cần nắm cơ hội trở thành nước đi đầu về sản xuất dụng cụ y tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Cho rằng Việt Nam là nước rất có tiềm năng về sản xuất các đồ bảo hộ cá nhân, học giả Canada, giáo sư (GS) Eric Mottet thuộc chuyên ngành địa chính trị đến từ Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Québec ở Montreál (UQAM), Canada cho rằng Việt Nam có thể biến ngành sản xuất này thành một trong các trụ cột của nền kinh tế.

Theo GS. Eric Mottet, Việt Nam đã không lầm về cơ hội đến từ dịch bệnh Covid-19 khi Chính phủ mới đây thông báo kế hoạch phát triển ngành công nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe tầm nhìn đến năm 2030. Dĩ nhiên mục đích là tăng xuất khẩu, nhưng cũng nhằm cải thiện nhu cầu ở trong nước.

Việt Nam có một mục tiêu rất rõ, được hình thành từ khi xảy ra dịch Covid-19, đó là biến sản xuất dụng cụ y tế thành một trong ba trụ cột của nền kinh tế Việt Nam; hai lĩnh vực khác là ô tô và điện tử với hàng loạt tập đoàn lớn như Samsung, LG… sản xuất tại Việt Nam. Và Việt Nam có tham vọng trở thành một nhà sản xuất lớn, một giải pháp thay thế cho tất cả những gì liên quan đến dụng cụ y tế.

Doanh nghiệp nhiều nước đã và đang có kế hoạch chuyển cơ xưởng sản xuất sang Việt Nam

Doanh nghiệp nhiều nước đã và đang có kế hoạch chuyển cơ xưởng sản xuất sang Việt Nam

GS. Eric Mottet cho rằng, vẫn có một số điểm mà Việt Nam còn phải hoàn thiện. Cần nhắc lại là có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất dụng cụ y tế ở Việt Nam nhưng đó là những doanh nghiệp nhỏ, bị phân tán và điều này đặt ra vấn đề về khâu kiểm soát chất lượng vì dụng cụ y tế phải chịu rất nhiều quy định nghiêm ngặt, rất khó được cấp giấy chứng nhận, đặc biệt là nếu muốn xuất khẩu sang EU hoặc Hoa Kỳ. Đây là điểm đầu tiên cần phải lưu ý. “Có nghĩa là phải có dây chuyền sản xuất đạt chất lượng cao hoặc phải cải thiện chất lượng để có thể xuất khẩu được loại mặt hàng đặc biệt này”- ông Eric Mottet nhìn nhận.

Tiếp theo, một số vấn đề vẫn tồn tại ở Việt Nam, đó là thiếu hạ tầng giao thông, thiếu công trình cảng biển để chuyên chở hàng ra khắp thế giới. Ví dụ, hiện tại giá vận chuyển một container từ Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh sang một nước nào đó trên thế giới cao gấp 2 đến 3 lần so với giá xuất một container tương tự từ Trung Quốc.

Ngoài ra còn phải nhắc đến vấn đề về năng lượng. Nếu Việt Nam muốn xây dựng các nhà máy sản xuất dụng cụ y tế quy mô lớn thì phải giải quyết được vấn đề thiếu năng lượng và phải có được một chính sách năng lượng thực sự.

Nói về trào lưu nhiều nhà máy châu Á, kể cả Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, theo học giả Eric Mottet, đây không phải là hiện tượng mới. Ngay đầu những năm 2010, nhiều nhà máy của Hàn Quốc và Đài Loan và một số nhà máy của Trung Quốc đã chuyển cơ sở đến Việt Nam. Nhưng hiện tượng này tăng tốc từ năm 2018 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu và ngày càng gia tăng từ năm 2020 trong đợt dịch Covid-19. Cùng với đó là các chuỗi sản xuất đang được tổ chức lại tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hiện tại, sau Singapore, Việt Nam là nước thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhiều nhất ở Đông Nam Á, cao hơn Malaysia, Indonesia hoặc Thái Lan. Vốn đầu tư vào Việt Nam chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và giờ đến lượt các công ty Mỹ vì các doanh nghiệp này bắt đầu rời Trung Quốc và chuyển đến Việt Nam.

Vậy Việt Nam có những lợi thế và tiềm năng gì để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào? Chúng ta đều biết những yếu tố thuận lợi đầu tiên như lực lượng lao động trẻ và đông đảo, giá nhân công trung bình thấp hơn 2 đến 3 lần so với Trung Quốc. Việt Nam cũng là nước có thị trường nội địa với tiềm năng lớn. Chính vì thế, tất cả các doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam đều hy vọng chinh phục được thị trường có 100 triệu dân, hiện vẫn chưa phát triển nhiều.

GS. Eric Mottet cũng cho rằng, một yếu tố khác rất quan trọng, đó là Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định thương mại, xóa bỏ thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại với nhiều nước, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký năm 2018, Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8/2020.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-can-nam-co-hoi-di-dau-ve-san-xuat-dung-cu-bao-ho-142798.html