Việt Nam cần 1 trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu thời trang

Việc thành lập trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam sẽ thúc đẩy nội lực, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp

Ngày 25-4, tại Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc với Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), thăm khu ICD (dự kiến xây trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu) và có những chỉ đạo nhằm giúp ngành giúp ngành da giày ngày càng phát triển.

Nguyên phụ liệu sản xuất ngành da giày đều nhập khẩu

Bà Phan Thị Thanh Xuân-Phó Chủ tịch Lefaso cho biết quý I xuất khẩu toàn ngành đạt 5,6 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ngành da giày đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu.

Đáng chú ý, hiện nay những quốc gia nhập khẩu giày dép chủ lực của Việt Nam đưa ra hàng loạt yêu cầu mới về sản phẩm có trách nhiệm xã hội và môi trường ngày càng cao.

Chẳng hạn, từ tháng 3 thị trường EU đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế bền vững, truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất.

Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện, minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm, hướng đến kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Lefaso, một trong những khó khăn lớn của ngành da giày là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển.

Hiện nay, phần lớn nguyên liệu sản xuất xuất khẩu nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước Asean. Vì vậy, để đáp ứng tỉ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA là một trở ngại lớn.

Quyết định 879 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định dệt may da giày là hai trong số bảy ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam.

Tuy nhiên, để ngành phát triển trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, nâng cấp chuỗi giá trị.

“Để làm được điều này, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Theo đó, chúng tôi kiến nghị xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương ”- ông Thuấn nói.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên (thứ hai từ phải qua) có buổi làm việc cùng Lefaso. Ảnh: THÙY DƯƠNG

Ngành da giầy FDI ngày càng mở rộng quy mô

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết cục đánh giá cao đề xuất của hiệp hội.

Nghị quyết 115/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ đã có kế hoạch xây dựng năm trung tâm, trong đó có hai trung tâm của ngành dệt may, da giày.

Về trung tâm dệt may da giày đã có điều kiện cần và đủ để xây dựng, Cục Công nghiệp hoàn toàn ủng hộ.

Ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia đánh giá thời gian qua ngành da giày có nhiều hoạt động mở rộng quy mô phát triển nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp (DN) FDI. Nếu không có những biện pháp hỗ trợ, DN Việt Nam có thể thua trên sân nhà.

Do đó, việc thành lập trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam là phù hợp với thực tiễn và luật cạnh tranh, thúc đẩy nội lực, tăng khả năng cạnh tranh cho DN.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhất trí với kiến nghị của hiệp hội. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng có liên quan phối hợp với hiệp hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng đề án thành lập khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam.

“Bộ Công thương đồng hành cùng hiệp hội, các DN chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Đồng thời, tham mưu với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy ngành da giày túi xách nói riêng, các ngành công nghiệp nói chung phát triển”- ông Diên nhấn mạnh.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-can-1-trung-tam-giao-dich-nguyen-phu-lieu-thoi-trang-post787539.html