Việt Nam-Bangladesh phấn đấu đưa kim ngạch thương mại lên khoảng 2 tỷ USD

Chiều 22-9, tại thủ đô Dhaka, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn Chính sách, Pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Bangladesh.

Diễn đàn do Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh phối hợp với Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh (FBCCI), Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Bangladesh tổ chức.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Việt Nam luôn xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) là một bộ phận cấu thành hữu cơ quan trọng của nền kinh tế và có môi trường đầu tư, ưu đãi đầu tư rất hấp dẫn. Cho đến nay, Việt Nam đã thu hút 37.000 dự án FDI từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư gần 450 tỷ USD, trở thành một trong 20 nước thu hút FDI thành công nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, nợ công của Việt Nam thấp, với mức tương đương 40% GDP.

Ngoài lực lượng lao động đông đảo, có trình độ học vấn và chi phí sản xuất cạnh tranh, cho đến nay Việt Nam đang tham gia 16 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với hơn 60 nước và vùng lãnh thổ. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Quốc hội, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế, hệ thống pháp luật có tính khả thi và đồng hành cùng doanh nghiệp, coi sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp là thành công của chính mình… Đó là thông điệp nhất quán mà chúng tôi gửi đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh.

Trong lĩnh vực kinh tế thương mại, Việt Nam xác định Bangladesh là một đối tác quan trọng và hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Nam Á, là điểm đến đầu tư nhiều tiềm năng cho các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong tương lai. Với vị trí địa lý thuận lợi, Bangladesh được coi là cửa ngõ để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập, tiếp cận và tiếp tục vươn rộng ra các thị trường Nam Á và Trung Đông khác. Ngược lại, các doanh nghiệp Bangladesh có thể thấy tầm quan trọng của Việt Nam để mở rộng thâm nhập vào các thị trường thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - một thị trường có quy mô lớn thứ 5 trên thế giới với khoảng 650 triệu dân - và mở rộng sang các nước đối tác mà Việt Nam có FTA”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế toàn cầu, với hơn 270 triệu dân, Việt Nam và Bangladesh cần tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi thương mại cho nhau, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp hai nước để duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, cùng thu hút vốn, công nghệ cho phát triển các chuỗi cung ứng mới có tính công nghiệp, có giá trị gia tăng cao, tăng cường hợp tác nông thủy sản (đặc biệt là gạo và lương thực), dệt may, vật liệu xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, phát triển công nghiệp Halal và du lịch… Chủ tịch Quốc hội cho rằng trên cơ sở đó, hai nước sớm phấn đấu đạt kim ngạch thương mại khoảng 2 tỷ USD.

Đánh giá cao Bangladesh đã xanh hóa ngành dệt may và vẫn giữ được đơn hàng trong bối cảnh các nước đang bị giảm sút, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn hai nước phối hợp để phát triển chuỗi giá trị của dệt may trên cơ sở cùng hợp tác, không cạnh tranh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị doanh nghiệp hai bên tích cực trao đổi, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi trồng và chế biến ngọc trai.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các doanh nghiệp và các Liên đoàn các Phòng Thương mại Công nghiệp thúc đẩy hai nước sớm ký mới bản ghi nhớ trong lĩnh vực hợp tác nông nghiệp, gia hạn bản ghi nhớ về hợp tác thủy sản và chăn nuôi.

Tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến lễ ký kết các Bản ghi nhớ (MoU) giữa doanh nghiệp hai nước.

* Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Bangladesh - Việt Nam Shamsher M. Chowdhury, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Bangladesh - Việt Nam Shamsher M. Chowdhury.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Bangladesh - Việt Nam Shamsher M. Chowdhury.

Nhấn mạnh trong 50 năm qua, tài sản lớn nhất và quý giá nhất là tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn chương mới trong quan hệ hai nước 50 năm tới sẽ được viết tiếp với tầm mức cao hơn, hiệu quả hơn và người dân đóng vai trò quyết định.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau chuyến thăm ông sẽ chỉ đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Hội Hữu nghị Bangladesh - Việt Nam trong các hoạt động hợp tác; đồng thời xem xét việc thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Bangladesh.

Về phần mình, Chủ tịch Shamsher M. Chowdhury cho rằng quan hệ hai nước không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn có lịch sử lâu đời, có nhiều điểm tương đồng trong đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ông Chowdhury nhấn mạnh cùng với việc góp phần tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế…, chuyến thăm chính thức Bangladesh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là cơ hội để tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác, giao lưu nhân dân hai nước, để người dân Bangladesh cùng chia sẻ những giá trị tốt đẹp với người dân Việt Nam.

Chủ tịch Shamsher M. Chowdhury cho biết sắp tới Hội Hữu nghị Bangladesh - Việt Nam sẽ đề xuất Chính phủ Bangladesh về việc đặt tên đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Dhaka.

Đánh giá cao sáng kiến của hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nghị hội góp phần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư với việc giới thiệu, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh tìm hiểu thị trường, kết nối, từ đó góp phần tăng cường giao lưu nhân dân; hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Bangladesh ngày càng hòa nhập và có những đóng góp cho xã hội sở tại.

Tin, ảnh: TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/viet-nam-bangladesh-phan-dau-dua-kim-ngach-thuong-mai-len-khoang-2-ty-usd-743892