Viếng mộ Thâm Tâm

'Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!', chỉ một câu thơ đã đủ vẽ nên chân dung của nhà thơ-nhà báo Thâm Tâm. Nhẹ như tơ mà đằm tựa núi…

Sau ngày ông mất nhiều chục năm, tôi mới ra đời. Nhưng dường như, người cách nhau vài thế hệ, vẫn có thể gặp được nhau bởi cái nhân duyên.

Cái nhân duyên ban đầu biết ông đến từ thời tôi học phổ thông. Ấy là “Tống biệt hành”. Thú thực, ban đầu, khi mới đọc tên, tôi từng tưởng đó là một bài Đường thi. Đọc hai khổ đầu, với lối thơ 7 chữ, vẫn hơi hướm Đường thi. Phải từ khổ thứ 3 trở đi, cảm xúc thuần Việt mới dần đậm nét. Để rồi, khổ cuối hoàn toàn là hình ảnh của con người Việt, cảm xúc Việt, khiến mắt cay cay…

Ấn tượng với “Tống biệt hành” khiến tôi biết nhiều về Thâm Tâm hơn!

Cái nhân duyên riêng của tôi và ông lại thật nhiều sâu đậm. Ngày 18-8 (dương lịch)-ngày mất của nhà thơ-nhà báo Thâm Tâm-cũng là ngày hy sinh của ông nội tôi (một liệt sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước).

Năm nay, đúng dịp ngày giỗ của ông nội, tôi nhận được nhiệm vụ cùng đoàn công tác tham dự chương trình trao "Học bổng Thâm Tâm" tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Học bổng do gia đình nhà thơ-nhà báo Thâm Tâm tổ chức. Đây cũng là dịp gia đình Thâm Tâm lên thăm ông.

Lại là một nhân duyên!

Con đường dẫn vào ngôi mộ nhà thơ Thâm Tâm tại xã Phi Hải, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Từ Hà Nội lên thành phố Cao Bằng có hai cung đường. Cung “chính thống” là qua Thái Nguyên, Bắc Kạn rồi tới Cao Bằng. Đoàn chúng tôi chọn cung đường đi TP Lạng Sơn - Đồng Đăng - Thất Khê, qua Đường số 4, đèo Mã Phục, nơi Thâm Tâm ngã bệnh mà mất.

7 giờ đồng hồ quăng quật trên ô tô, xây xẩm mặt mày, rồi cũng đến bản Pò Noa, xã Phi Hải, huyện Quảng Hòa (trước đây là huyện Quảng Uyên), tỉnh Cao Bằng, nơi nhà thơ-nhà báo Thâm Tâm đang nằm lại cùng đồng đội. Trên suốt hành trình, con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm-ông Nguyễn Tuấn Khoa, dù đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, vẫn hào hứng kể lại những kỷ niệm về người cha, về những duyên nợ với mảnh đất Cao Bằng.

Khi về công tác tại Báo Quân đội nhân dân, tôi có dịp tìm hiểu nhiều hơn về Thâm Tâm. Bởi, ông là một nhà báo chiến sĩ, phóng viên mặt trận của Báo Vệ Quốc quân (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân), một người thư ký tòa soạn mẫu mực. Tuy nhiên, phải đến khi cùng ông Nguyễn Tuấn Khoa trò chuyện, tôi mới vỡ lẽ nhiều điều về Thâm Tâm.

Thâm Tâm trong hồi ức của những người ở lại có dáng người gầy gò, nhỏ nhắn, đặc biệt ít nói. Sinh ra trong một gia đình nhà giáo tại thị xã Hải Dương, theo thời cuộc, ông cùng gia đình chuyển lên Hà Nội sinh sống. Cách mạng Tháng Tám, Thâm Tâm cùng bè bạn được lôi cuốn vào các hoạt động mít tinh, tuần hành cùng đồng bào cả nước. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Thâm Tâm làm một cuộc ra đi. Để gia đình tản cư về quê, ông lên Việt Bắc.

Bài viết trong cuốn sách “Chân dung các nhà báo liệt sĩ” đã miêu tả sắc nét về nhà thơ Thâm Tâm: “Chưa đầy ba mươi tuổi, anh đã là người già dặn, chín chắn, chững chạc trong đời sống, trong công việc. Là thư ký tòa soạn Báo Vệ Quốc quân thực tế anh phải làm rất nhiều việc, kể cả trình bày, minh họa, vẽ tranh châm biếm, tranh đả kích, viết tin, trông coi, in ấn… Chính cương vị công tác này đã giữ chân anh trong khi mọi người có thể đi thoải mái để viết... Anh là người cần cù, chịu khó, suốt ngày làm việc, không thích tham gia bàn những chuyện phiếm lông bông vốn là mốt một thời của người nghệ sĩ”.

Nhà thơ Thâm Tâm. Ảnh tư liệu.

Một kỷ niệm về người cha đã khuất được đồng đội kể lại, mà theo ông Nguyễn Tuấn Khoa là kỷ niệm khiến ông thực sự khâm phục tinh thần làm việc hết mình của cha mình, chính là lần Thâm Tâm một mình băng rừng, vượt suối giữa đêm chỉ để sửa một lỗi sai trên bản thảo, cùng câu nói: “Suối lũ đáng sợ, hổ đói cũng sợ. Nhưng báo nói sai sự thật còn đáng sợ hơn cậu ạ!”.

Lời nói của Thâm Tâm cách đây cả mấy thập kỷ đến nay vẫn còn nguyên giá trị với những người làm báo, nhất là lớp phóng viên trẻ chúng tôi.

Không chỉ khiến đồng đội, đồng nghiệp khâm phục về trách nhiệm với công việc, Thâm Tâm còn được nhắc nhớ là người rất nghiêm túc trong lời nói cũng như trong việc làm. Ông đặc biệt tôn trọng kỷ luật lao động, là một cán bộ cần cù, chăm chỉ, mẫu mực trong hành động cũng như trong lối sống. Trong bài viết của nhà báo Trúc Kỳ nhắc đến Thâm Tâm, có đoạn viết về việc nhà văn Nguyễn Công Hoan ví von Thâm Tâm như một chiếc “đồng hồ sống”, cứ nhìn giờ giấc sinh hoạt của Thâm Tâm là có thể đoán được giờ giấc. “Nếu thấy Thâm Tâm đứng ngoài sân giơ tay giơ chân tập thể dục thì lúc đó là năm giờ rưỡi. Nếu thấy cậu ấy ra suối đánh răng rửa mặt thì lúc đó là sáu giờ sáng. Bẩy giờ rưỡi cậu ấy đã ngồi ở bàn làm việc. Lúc nửa buổi thấy cậu ấy ra uống nước nghỉ giải lao thì là chín giờ...”.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai nhà thơ Thâm Tâm viếng mộ cha.

Đông đảo độc giả Việt thường chỉ biết đến Thâm Tâm qua “Tống biệt hành”. Ngay trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” (xuất bản năm 1942), Hoài Thanh cũng chỉ chọn đúng một bài của Thâm Tâm, ấy là bài “Tống biệt hành”. Nhưng thực tế, Thâm Tâm không chỉ có “Tống biệt hành”. Theo như Hoài Thanh viết trong “Thi nhân Việt Nam”, trước năm 1941, Nguyễn Tuấn Trình (tên thật của Thâm Tâm) đã có tập “Thơ Thâm Tâm”. Trên nhiều tờ báo giai đoạn 1930-1945 như: Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền bá, Tiểu thuyết thứ năm... đã có nhiều thơ, truyện ngắn, truyện vừa và cả kịch của Thâm Tâm (ký tên Tuấn Trình). Không chỉ thế, Thâm Tâm còn “dính” với nhiều “nghi án” văn chương như bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn”, “Màu máu ti gôn” và tác giả T.T.Kh, bài thơ liên ngâm có tên “Ngô sơn vọng nguyệt” giữa Thâm Tâm và 3 thi sĩ tài danh Nguyễn Bính, Trúc Khê, Trần Huyền Trân… Sau này, khi lên Việt Bắc, dù chưa kịp làm nhiều thơ về bộ đội, về cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc, nhưng Thâm Tâm đã kịp để lại dấu ấn với “Chiều mưa Đường số 5”-bài thơ ông viết 2 năm trước khi mất.

Có tài, lại là người hết mình vì công việc, vậy mà Thâm Tâm hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, mới bước qua ngưỡng 30 được 3 năm. Và câu chuyện về những giây phút cuối đời của ông khiến chúng tôi-những người xa lạ, không họ hàng, máu mủ cùng ngồi trên chuyến xe hôm đó-đỏ hoe mắt!

Những ngày cuối đời, theo miêu tả của đồng đội, vì lâm trọng bệnh, Thâm Tâm chỉ còn da bọc xương, đôi mắt vàng vọt, trũng sâu. Thâm Tâm mất khi đang trên đường được hai dân quân cáng di chuyển từ bản Piềng về lại tòa soạn tiền phương của Báo Vệ quốc quân. Địa điểm ông trút hơi thở cuối cùng là một bản nhỏ của đồng bào Nùng, dưới chân đèo Mã Phục, gần thị trấn An Lại, cách thị xã Cao Bằng gần 20km.

Câu chuyện sau khi nhà thơ Thâm Tâm mất cũng thật thấm đẫm tình người.

Theo lời kể của đồng đội, nhờ sự vận động của người Bí thư chi bộ mà thi thể của Thâm Tâm được đưa vào một nhà dân. Đặc biệt hơn, chính người chủ ngôi nhà này đã tình nguyện tháo dỡ những tấm ván cửa để đóng quan tài an táng cho ông. Tục lệ của đồng bào nơi đây rất kiêng để người chết trong nhà, vì thế, việc có một gia đình sẵn sàng đưa thi thể của Thâm Tâm vào nhà, lại tận tình hỗ trợ chôn cất, an táng cho ông là cái tình mà cho đến bây giờ, gia đình nhà văn-nhà thơ Thâm Tâm vẫn luôn khắc cốt ghi tâm.

Dù thông tin về nơi mất của Thâm Tâm đã có, nhưng hành trình tìm lại hài cốt của ông lại vô cùng gian nan. Đã có những lúc, gia đình nhà thơ đi vào ngõ cụt.

Qua lời kể của nhà thơ Vũ Cao, mặc dù biết cha mất ở một nhà sàn gần biên giới, trước Chiến dịch Biên Giới, nhưng theo ông Nguyễn Tuấn Khoa, qua bao nhiêu chuyến đi vất vả suốt dọc các bản làng heo hút hai bên đèo Mã Phục, thông tin về phần mộ của Thâm Tâm vẫn gần như vô vọng!

Hằng năm, gia đình nhà thơ Thâm Tâm đều trở lại Cao Bằng để viếng mộ cũng như tri ân nơi mảnh đất nhà thơ Thâm Tâm đã nằm lại.

Thế rồi, cuộc đời luôn có những bất ngờ diệu kỳ!

Khi mà gia đình nhà thơ Thâm Tâm gần như không còn chút hy vọng nào việc tìm lại phần mộ cha ông mình thì bài báo “Nhà thơ ơi, giờ này ông ở đâu” của nhà thơ Hoàng Quảng Uyên (một người cũng đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để tìm mộ Thâm Tâm) đăng trên một tờ báo vô tình được một người lính, quê xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên (nay là huyện Quảng Hòa), đóng quân ở Phú Thọ, đọc được.

Từ những thông tin đề cập trong bài báo, cũng như hình ảnh được chụp lại, qua kết nối giữa những gia đình thân nhân của các nhân chứng trước đây chính là người đã chôn cất, mai táng thi hài của Thâm Tâm, phần mộ của nhà thơ được xác định ở bản Pò Noa, xã Phi Hải. Nhưng trớ trêu thay, sau nhiều lần quy tập, hài cốt của nhà thơ Thâm Tâm đã được chuyển về nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Do những biến thiên của lịch sử, hồ sơ về mộ liệt sĩ đều bị thất lạc nên hiện nay, Thâm Tâm nằm đó, giữa hơn 100 ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên.

Dáng đứng thấp nhỏ như lọt thỏm giữa khuôn viên rộng lớn của Nghĩa trang liệt sĩ huyện Quảng Hòa, ông Nguyễn Tuấn Khoa đi đến từng ngôi mộ liệt sĩ thắp nén nhang thành kính. Cả gia đình ông Nguyễn Tuấn Khoa đều muốn để Thâm Tâm ở cùng đồng đội nơi đây, nơi đã bao bọc, giúp đỡ nhà thơ từ những ngày còn xuyên rừng làm báo cho đến những ngày cuối đời.

Gia đình nhà thơ Thâm Tâm gặp lại thân nhân của những người đã từng trực tiếp hỗ trợ chôn cất nhà thơ Thâm Tâm.

Về thăm lại phần mộ của nhà thơ Thâm Tâm, giờ chỉ còn là ngôi mộ gió, từ đường chính, chúng tôi phải vượt qua quãng đường rừng cheo leo, mấp mô sỏi đá, có những đoạn vẫn còn sình lầy do cơn mưa cuối hạ trút xuống mấy hôm trước. Con đường gập ghềnh chỉ sẩy chân là trượt ngã khiến những người trẻ chúng tôi không tưởng tượng nổi, dân bản đã làm cách nào để khiêng chiếc quan tài được đóng bởi những tấm ván tháo dỡ từ cửa nhà ra sườn núi rìa bản mai táng cho nhà thơ. Ngôi mộ mà Thâm Tâm nằm đó suốt mấy chục năm được bao quanh bởi màu xanh mướt mát của rặng tre, tựa lưng vào núi. Một nơi rất thơ! Đẹp như trong những bức tranh về làng quê Việt Nam.

Gặp lại cháu của đồng chí Bí thư chi bộ, người từng vận động để thi thể Thâm Tâm được đưa vào nhà, giờ đã là một người đàn ông ngoài tứ tuần, ông Hoàng Văn Mạnh (đang giữ chức Bí thư chi bộ thôn Thạch Bình, xã Phi Hải, huyện Quảng Hòa) cho biết: “Từ khi gia đình nhà thơ Thâm Tâm tìm lại được phần mộ của nhà thơ, cũng như biết ông cụ thân sinh tôi là người có góp chút công giúp đỡ việc chôn cất, mai táng, hầu như năm nào, gia đình nhà thơ Thâm Tâm cũng lên thăm lại bà con dân bản, thăm gia đình tôi. Con gái của tôi cũng nhờ được gia đình nhà thơ giúp đỡ hỗ trợ mà cháu được ăn học đàng hoàng, giờ đang công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền của tỉnh Cao Bằng. Đối với chúng tôi, gia đình nhà thơ Thâm Tâm như người nhà vậy!”.

Vâng, “như người nhà” cũng lời mà ông Triệu Văn Hữu, cháu của người từng tự tay tháo ván cửa làm quan tài cho nhà thơ Thâm Tâm nhắc tới khi nói về thâm tình mà gia đình nhà thơ Thâm Tâm dành cho gia đình mình. Và tôi tin rằng, cách đây mấy chục năm trước, những người đã từng bỏ công, bỏ sức để làm một đám tang tươm tất cho nhà thơ Thâm Tâm cũng đã coi ông “như người nhà”.

Chuyến đi viếng mộ Thâm Tâm đọng lại trong tôi thật nhiều xúc cảm, về tình người, tình đồng chí, đồng đội trải suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt cho đến khi hòa bình được lặp lại. Những câu chuyện về bậc tiền bối- nhà báo chiến sĩ Thâm Tâm được kể suốt dọc dài hành trình giúp tôi thêm tin yêu vào công việc mình đã chọn, tự nhủ cần phải làm nghề một cách nghiêm túc, tâm huyết hơn.

Trên hành trình trở lại Hà Nội, trong tôi lại văng vẳng những câu thơ mà nhắc đến Thâm Tâm là người ta nhớ đến: “Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!/ Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi,/ Em thà coi như hơi rượu say”.

Thâm Tâm đã “đi thực”, nhưng những đóng góp, cống hiến của ông với nền văn học nước nhà, với nghề báo thì sẽ còn mãi…

Bài, ảnh: BĂNG CHÂU-TRẦN YẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/vieng-mo-tham-tam-704859