Viện Nghiên cứu Tâm Anh và chuyên gia Mỹ mở rộng hợp tác về thuốc và điều trị bệnh

Các chuyên gia cảnh báo, người mắc cùng lúc viêm gan siêu vi B và D sẽ khiến bệnh tiến triển đến xơ gan nhanh hơn và tăng tỷ lệ tử vong. Dịch bệnh giống như một cuộc chiến, các thuốc điều trị và vắc xin đóng vai trò quan trọng.

Các chuyên gia từ Viện vi sinh và chống dịch Stanford (Mỹ) và Viện nghiên cứu Tâm Anh (Việt Nam) vừa trao đổi nghiên cứu, ứng dụng mới trong điều trị bệnh và các vấn đề y tế cấp thiết tại Việt Nam.

Hội thảo quốc tế giữa Viện nghiên cứu Tâm Anh và Viện Vi sinh và chống dịch Stanford.

Hội thảo diễn ra tại Đà Nẵng, nằm trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của chuyên gia Mỹ, diễn ra trong ba ngày từ 13 - 16/12. Sự kiện hướng tới mở rộng hợp tác giữa hai viện về khoa học y tế chuyên sâu, triển khai các nghiên cứu, phát minh mới về y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam.

Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Jeffrey Glenn, Viện trưởng Viện vi sinh và chống dịch Stanford, trình bày báo cáo "Phương pháp mới điều trị bệnh viêm gan siêu vi D", thu hút giới chuyên môn do hiện Việt Nam chưa có kỹ thuật xét nghiệm và vắc xin phòng bệnh này. Trong khi, nếu người mắc cùng lúc viêm gan siêu vi B và D sẽ khiến bệnh tiến triển đến xơ gan nhanh hơn và tăng tỷ lệ tử vong. Dịch bệnh giống như một cuộc chiến, các thuốc điều trị và vắc xin mới đóng vai trò quan trọng và cần bắt đầu sớm.

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Jeffrey Glenn cho biết, Viện vi sinh và chống dịch Stanford đã xúc tiến đào tạo kỹ thuật xét nghiệm viêm gan siêu vi D cho Trung tâm Xét nghiệm, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Ở lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, các loại thuốc mới, người đứng đầu Stanford cho biết, hai bên sẽ định hướng mô hình khả thi để phát triển cộng đồng các bác sĩ có động lực nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam. Việt Nam cần thúc đẩy hơn nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, thuốc mới đáp ứng nhu cầu trong trường hợp cấp bách như xảy ra dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm mới.

Đại diện Stanford cũng nhấn mạnh, các đột phá của công nghệ cũng sẽ giúp ngành Y tế thay đổi mạnh mẽ. Ứng dụng công nghệ AI có thể rút ngắn được quá trình sản xuất các loại thuốc mới, phù hợp riêng cho từng người.

Ở lĩnh vực y tế dự phòng, bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC trình bày các bệnh truyền nhiễm cơ bản tại Việt Nam và vắc xin phòng bệnh với các chuyên gia Mỹ, từ đó tìm cách đối phó tốt hơn. Hiện Việt Nam đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, quai bị, thủy đậu, rubella, ho gà, bạch hầu, viêm gan siêu vi B… nhưng chưa có vắc xin cho sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Theo các chuyên gia, sự thay đổi trong nhân khẩu học, các bệnh truyền nhiễm diễn biến nhanh, tốc độ ra thuốc mới, vắc xin mới không kịp tốc độ phát sinh các loại bệnh mới. Do đó, nhu cầu về thuốc, chăm sóc, thăm khám sức khỏe và dự phòng bệnh ngày càng tăng.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tâm Anh cho biết, những trao đổi của các chuyên gia có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai các chiến lược về y tế và chăm sóc sức khỏe mà Viện nghiên cứu Tâm Anh và Viện vi sinh và chống dịch Stanford đã ký kết tháng 9/2023.

Mục tiêu của hai bên là đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, các loại thuốc mới; ứng dụng công nghệ AI và xây dựng hệ thống phòng lab hiện đại cho hoạt động thử nghiệm lâm sàng thuốc tại Viện nghiên cứu Tâm Anh, góp phần đưa Việt Nam tiếp cận khoa học thế giới trong thời đại mới.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vien-nghien-cuu-tam-anh-va-chuyen-gia-my-mo-rong-hop-tac-ve-thuoc-va-dieu-tri-benh-164008.html