Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III: Bảo tồn nhiều nguồn gen thủy sản

Thời gian qua, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ nhiều nguồn gen thủy sản, góp phần phục vụ cho việc phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản khu vực miền Trung.

Thả con giống hải sâm vú trên vịnh Vân Phong.

Theo Tiến sĩ Trương Hà Phương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, từ năm 1987, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng chương trình bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật. Đến nay, mạng lưới bảo tồn và lưu giữ nguồn gen quốc gia đã được hình thành với 12 đơn vị đầu mối và hơn 60 đơn vị phối hợp thuộc 6 bộ, ngành, địa phương. Kết quả, đến nay, có hơn 27.000 nguồn gen thực vật, 70 nguồn gen vật nuôi được bảo vệ. Về lĩnh vực thủy sản, nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản nước ngọt, nước lợ, nước mặn do các viện chủ trì thực hiện với tổng cộng 96 nguồn gen.

Nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản khu vực miền Trung được giao cho Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III chủ trì; do Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang làm chủ nhiệm. Mục tiêu là bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ lâu dài, an toàn nguồn gen và nâng cao chất lượng nguồn gen thủy sản nhằm phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản khu vực miền Trung. Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã xây dựng các phương pháp nghiên cứu “khung chương trình” nhằm đáp ứng công tác bảo tồn có hiệu quả và định hướng một số động vật thủy sản có nguy cơ tuyệt chủng phân bố ở khu vực biển, hồ, sông nước ngọt trên cơ sở các loài nguy cơ tuyệt chủng được Sách đỏ Việt Nam công bố. Viện thực hiện từ việc xác định nguồn gen quý hiếm cần lưu giữ, đến điều tra vùng sinh thái về số lượng cá thể, loài phân bố và trữ lượng được đánh giá sơ bộ ban đầu.

Ương nuôi hải sâm vú giai đoạn giống.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, những năm qua, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã đề xuất, bảo tồn lưu giữ thành công nhiều nguồn gen. Nhờ đó, nhiều nguồn gen hiện nay không còn nguy cơ tuyệt chủng. Cụ thể như: 6 nguồn gen cá nước ngọt quý hiếm phân bố trên các sông, suối, ao, hồ khu vực sinh thái miền Trung và cao nguyên, bao gồm: Cá chép hồ Lắk, cá trê vàng, cá còm, cá ngựa xám, cá chạch lấu, cá mõm trâu; một số nguồn gen hải sản phân bố khu vực biển Nam Trung Bộ, gồm: Cá mú đỏ, cá mú cọp, cá măng, cá chẽm trắng, cá cam khế, cá cam, cá chìa vôi, cá mó đầu khum, cá gáy biển, cá mú tổ ong, cá bè vẫu, cua hoàng đế, tôm mũ ni trắng, hải sâm vú, hải sâm lựu, hải sâm gai... Các nguồn gen được đánh giá chi tiết về đặc điểm sinh học sinh sản, nguồn lợi, phân bố, hình thái giải phẫu phân loài, đa dạng quần đàn. Một số nguồn gen đã hoàn thành nghiên cứu sản xuất đến con giống, như: Cua hoàng đế, hải sâm vú, tôm mũ ni, cá mú cọp, cá mú đỏ… Ngoài ra, viện còn phân lập bảo tồn lưu giữ 10 loài vi tảo biển thuần khiết dùng làm thức ăn cho các đối tượng nuôi thủy sản trong khu vực. Riêng năm 2022, viện đã hoàn thành điều tra điều kiện sinh sống của cá mõm trâu, nguồn gen hải sâm gai, hải sâm lựu; lưu giữ mẫu vật sống 8 nguồn gen (cá ngựa xám, cá mõm trâu, cá mú tổ ong, cá gáy biển, hải sâm vú, hải sâm lựu, hải sâm gai, tôm mũ ni trắng); lưu giữ an toàn 10 nguồn gen vi tảo biển trong phòng thí nghiệm…

Tiến sĩ Trương Hà Phương cho biết, công tác bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen thủy sản quý hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển vẫn được viện tiếp tục thực hiện và duy trì nhằm tạo nguồn vật liệu ban đầu cho nghiên cứu sản xuất giống tái tạo quần đàn, tạo con giống thuần chủng và phục vụ nghề nuôi thủy sản bền vững.

V.L

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202309/vien-nghien-cuu-nuoi-trong-thuy-san-iii-bao-ton-nhieu-nguon-gen-thuy-san-e8f2f01/