Viện kiểm sát bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thông qua thực hiện quyền kháng nghị

Trước tình hình tranh chấp dân sự ngày càng tăng với tính chất ngày càng phức tạp, ngoài chức năng kiểm sát xét xử cũng như phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa, Viện kiểm sát phải thực hiện tốt quyền kháng nghị nếu phát hiện bản án, quyết định của Tòa án có những vi phạm nghiêm trọng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Thông qua công tác kiểm sát xét xử vụ án tranh chấp yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, VKSND huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện tốt quyền kháng nghị phúc thẩm. Nội dung vụ án như sau: theo Bản án số 175, 176 ngày 15/12/2020 của TAND huyện Cai Lậy xét xử tuyên buộc ông Ngô Văn D., bà Lương Thị X. có nghĩa vụ trả cho ông Nguyễn Tấn T. số tiền 1.678.186.000 đồng, trả cho bà Trần Kim O. số tiền 948.986.000 đồng.

Sau khi tuyên án một ngày, ông D., bà X. ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng cả 2 thửa đất thuộc quyền sử dụng của ông bà cho bà Võ Thị P. với số tiền thực tế là 7.000.000.000 đồng, tuy nhiên hợp đồng công chứng chỉ ghi số tiền là 700.000.000 đồng. Sau khi bán tài sản ông D., bà X. không trả cho ông T., bà O. mà trả Ngân hàng TMCP Ngoại thương số tiền 2.200.000.000 đồng, trả cho ông Ngô Minh T., bà Võ Thị U. số tiền 4.500.000.000 đồng, còn lại 300.000.000 đồng. Nhận thấy, ông D., bà X. đã bán 2 thửa đất là tài sản duy nhất mà không thanh toán tiền cho mình nên ông T., bà O. khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng 2 thửa đất nói trên giữa ông D., bà X. với bà P..

Phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng nghị của VKSND huyện Cai Lậy

Bản án số 08 ngày 18/01/2022 của TAND huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nhận định: Ngày 16/12/2020, tại UBND xã L, ông D., bà X. ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 2 thửa đất cho bà P. thì lúc này bản án số 175 và 176 cùng ngày 15/12/2020 của TAND huyện Cai Lậy chưa có hiệu lực pháp luật. Nội dung bản án sơ thẩm này cũng không áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với 2 thửa đất để bảo đảm thi hành án. Không có cơ quan nào có thẩm quyền đề nghị ngăn chặn ông D., bà X. chuyển dịch quyền về tài sản đối với 2 thửa đất trên nên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên là đúng quy định. Do đó Hội đồng xét xử tuyên không chấp nhận yêu cầu của ông T., bà O.

Sau khi kiểm sát xét xử sơ thẩm, Kiểm sát viên VKSND huyện Cai Lậy nhận thấy: Ông D., bà X. ngoài phải thanh toán nghĩa vụ bảo đảm cho Ngân hàng và thanh toán nghĩa vụ cho ông T., bà O. theo nội dung bản án đã tuyên, thì không còn thực hiện nghĩa vụ bảo đảm hay bản án nào khác. Nhưng sau khi thanh toán cho Ngân hàng xong, còn lại số tiền 4.800.000.000 đồng, ông D., bà X. không thanh toán cho ông T., bà O. bất kỳ khoản tiền nào. Cho thấy, việc làm này là trái với đạo đức xã hội, có vay có trả, không được cộng đồng, người dân chấp nhận và là hành vi tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho ông T., bà O. Theo kết quả xác minh về điều kiện thi hành án của ông D., bà X. thì “ngoài hai thửa đất đã chuyển nhượng cho bà P. thì ông D., bà X. không còn tài sản nào khác”. Việc ông D., bà X. đem tài sản duy nhất chuyển nhượng cho bà P. nhưng không sử dụng số tiền đã chuyển nhượng để trả nợ cho ông T., bà O. và việc chuyển nhượng cho chị P. được thực hiện chỉ một ngày sau khi Tòa án xét xử, đến ngày 18/12/2020 (3 ngày) đã hoàn tất thủ tục chỉnh lý trang 4 trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều đó cho thấy, ông D., bà X. có hành vi muốn nhanh chóng chuyển quyền sở hữu tài sản duy nhất của mình nhằm để trốn tránh nghĩa vụ trả tiền đối với ông T., bà O.

Việc ông D., bà X. trình bày đã trả cho ông T., bà U. số tiền 4.500.000.000 đồng, đây là nghĩa vụ chưa được pháp luật công nhận bằng bản án, quyết định có giá trị pháp lý nên không phù hợp theo quy định của pháp luật về thứ tự ưu tiên thanh toán, đảm bảo thi hành án cho những người được thi hành có bản án, quyết định được xét xử trước. Việc này phủ nhận 2 Bản án số 175, 176 ngày 15/12/2020 của TAND huyện Cai Lậy, dẫn đến án tuyên không có giá trị thi hành, không những gây thiệt hại đến quyền lợi của ông T., bà O. mà còn làm giảm hiệu lực của 2 Bản án số 175, 176. Ngoài ra, trong thời gian giải quyết vụ án giữa ông D., bà X. với ông T., bà O. thì 2 thửa đất này đang được thế chấp tại ngân hàng nên không có căn cứ để yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông D., bà X. với chị P. là hành vi tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, trái với những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng được quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự “Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội”.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, VKSND huyện Cai Lậy ban hành kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đề nghị cấp phúc thẩm xét xử sửa bản án theo hướng chấp nhận yêu cầu của ông T., bà O., “ Hủy hợp đồng chuyển nhượng 2 thửa đất giữa ông D., bà X. với bà P.”.

Ngày 16/5/2022, TAND tỉnh Tiền Giang mở phiên tòa xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của VKSND huyện Cai Lậy, áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa toàn bộ bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T., bà O., hủy hợp đồng chuyển nhượng 2 thửa đất giữa ông D., bà X. với bà P.

Hà Thúy Thảo - Phó Trưởng phòng 9 VKSND tỉnh Tiền Giang

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/vien-kiem-sat-khang-nghi-kien-nghi/vien-kiem-sat-bao-ve-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cua-nguoi-dan-thong-qua-thuc-hien-quyen-khang-nghi-122932.html