Viện IISS: Xung đột Nga-Ukraine đã làm thay đổi tư duy quân sự ở các nước trên thế giới

Kinh nghiệm từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đang bắt đầu ảnh hưởng đến tư duy của quân đội các nước trên thế giới.

Xu hướng này đã được đề cập trong Báo cáo hàng năm mang tên “Cán cân Quân sự trong năm 2024” (The Military Balance 2024) do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) xây dựng và công bố ngày 13/2.

Báo cáo cho rằng, cần phải chú ý nhiều hơn đến pháo binh, máy bay không người lái kamikaze (UAV tự sát hoặc đạn tuần kích), hệ thống chống UAV, cũng như những cơ hội và nguy cơ mà các phương tiện không người lái dưới nước (UUV) có thể tạo ra.

Tòa nhà bốc cháy sau một cuộc tấn công ở quận Podilskyi, Kiev, Ukraine, ngày 2/1. (Nguồn: Getty)

“Trong nhiều lực lượng vũ trang, sự quan tâm đến UUV đã tăng lên, xu hướng này đã diễn ra trước xung đột. Động cơ thúc đẩy sự quan tâm là những hệ thống như vậy có thể giám sát cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng dễ bị tổn thương, các đáy biển được giám sát kém và có thể bị tấn công”, IISS lưu ý.

Theo các chuyên gia IISS, giao tranh ở Ukraine cho thấy các cuộc xung đột quân sự hiện đại vẫn ẩn chứa dư âm của quá khứ.

Ví dụ, với việc chuyển xung đột sang đối đầu theo vị trí, mìn và công sự phòng thủ - mục đích là làm chậm chiến dịch phản công của Ukraine - đã đóng vai quan trọng đặc biệt đối với Nga.

“Một số quân đội phương Tây lại tập trung vào chương trình huấn luyện binh sĩ cách giải quyết và vượt qua các chướng ngại vật phức tạp, kể cả chiến hào”, Báo cáo nêu.

Chiến dịch phản công của quân đội Ukraine trong năm 2023 và những lời chỉ trích về tiến độ chậm chạp của nó đã bộc lộ quan niệm sai lầm tồn tại trong quân đội phương Tây, đó là: khi có được lợi thế áp đảo về trang bị quân sự, đã có ý kiến cho rằng, giai đoạn chiến đấu trong xung đột sẽ nhanh chóng kết thúc. IISS nhận định trường hợp của “Ukraine nhắc nhở chúng ta rằng xung đột quân sự thường kéo dài”.

Cũng theo báo cáo, Ukraine đã điều chỉnh hệ thống phòng không để sử dụng tên lửa đất đối không có độ chính xác cao chống lại các hệ thống phức tạp hơn của Nga và chủ yếu sử dụng súng phòng không để đánh chặn UAV kamikaze.

Cuối năm 2022, nhật báo Financial Times, dựa trên kết quả khảo sát đối với các chuyên gia phân tích quân sự, cũng rút ra những kết luận từ một năm giao tranh ở Ukraine - bao gồm tầm quan trọng ngày càng gia tăng của tiềm năng công nghiệp và dự trữ thiết bị quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột ác liệt; tầm quan trọng then chốt của trinh sát công nghệ cao và các phương tiện chiến đấu truyền thống, chẳng hạn như xe tăng.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vien-iiss-xung-dot-nga-ukraine-da-lam-thay-doi-tu-duy-quan-su-o-cac-nuoc-tren-the-gioi-260849.html