Viện cấp cao 3 kháng nghị tăng nặng hình phạt đối với 28/74 bị cáo trong đại án buôn lậu xăng

Tất cả 28 bị cáo đều phạm tội đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù và đều có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nhưng án sơ thẩm xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất khung hình phạt, hoặc được cho hưởng án treo, hoặc áp dụng hình phạt chính là phạt tiền là không đúng quy định của pháp luật, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Quyết định kháng nghị phúc thẩm của Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh

Đây là nhận định của VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) liên quan đến việc kháng nghị phúc thẩm bản án hình sự sơ thẩm số 155/2022/HSST ngày 08/12/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai, xét xử sơ thẩm đại án buôn lậu liên tỉnh gần 198 triệu lít xăng (giai đoạn 1 chuyên án 920G), với 74 bị can bị truy tố về hai tội danh “Buôn lậu” và “Nhận hối lộ”. Vụ án từng gây xôn xao dư luận cả nước thời gian qua và được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.

Theo đó, Viện cấp cao 3 đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng không cho hưởng án treo, tăng nặng hình phạt, cũng như áp dụng hình phạt tù giam thay cho hình phạt chính là hình phạt tiền đối với 28/74 bị cáo trong vụ án này.

Liên quan trong kháng nghị của Viện cấp cao 3, bị cáo đầu vụ Phan Thanh Hữu cùng 2 bị cáo khác cũng bị đề nghị tuyên tịch thu số tiền đã dùng làm phương tiện phạm tội để sung vào ngân sách nhà nước.

Trong vụ án nói trên, từ tháng 3/2020 đến 2/2021, “ông trùm” Phan Thanh Hữu (Giám đốc công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng), Nguyễn Hữu Tứ (Chủ DNTN Sơn Huỳnh) đã tổ chức vận chuyển 48 chuyến tàu với tổng cộng gần 198 triệu lít xăng lậu trị giá gần 2.800 tỉ đồng từ Singapore về Việt Nam để tiêu thụ, thu lợi hàng trăm tỉ đồng.

Ngoài ra bị cáo Ngô Văn Thụy (cán bộ chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan) còn bị cáo buộc đã nhận hối lộ của Nguyễn Hữu Tứ, Trần Ngọc Thanh và Phan Thanh Hữu số tiền hơn 830 triệu đồng để bỏ qua hành vi phạm tội của các đối tượng…

Để thực hiện hành vi buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam, bị cáo Phan Thanh Hữu cùng các đồng phạm đã bàn bạc, lên kế hoạch chặt chẽ, có sự phân công, phối hợp nhiều khâu, nhiều đối tượng tham gia, với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp để tổ chức hệ thống mạng lưới vận chuyển, tiêu thụ và thanh toán tiền mua bán xăng nhập lậu với quy mô đặc biệt lớn.

Bản án hình sự số 155/2022/HS-ST ngày 08/12/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo Dương Văn Mẫn, Nguyễn Văn Hiệp, Trịnh Xuân Mơ, Phan Lê Hoàng Anh, Phan Trung Hiếu, Trương Công Tiến, Dương Đức Nghĩa, Trần Văn Triều, Hà Văn Khoa, Nguyễn Xuân Hà, Trần Văn Du, Nguyễn Ngọc Tiến, Phạm Văn Sái, Lê Hoàng Phương, Nguyễn Duy Bình từ 1 năm 9 tháng 29 ngàytù đến 4 năm tù;các bị cáo Phạm Đức, Nguyễn Cao Ngọc Thúy, Trần Thị Cẩm Vân từ 1 năm 6 tháng tù đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; xử phạt tiền đối với các bị cáoNguyễn Thị Ngọc Diễm, Lương Đình Tiến, Trần Huy Lập, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Minh, Lê Hùng Phong, Phạm Thị Cúc, Nguyễn Thị Như Mỹ,Nguyễn Thăng Long, Bùi Ngọc Toàn.

Trong đường dây phạm tội có tổ chức của Phan Thanh Hữu thì bị cáo Phan Lê Hoàng Anh (con ruột của bị cáo Hữu) đảm nhận việc thanh toán tiền bán xăng nhập lậu với các bị cáo Nguyễn Hữu Tứ, Trần Ngọc Thanh, Trần Thị Thanh Vân, Lê Thanh Trung, Võ Thanh Bình, Phạm Thị Hương, Nguyễn Thanh Bình và giúp bị cáo Hữu chuyển khoản thanh toán tiền phí vận chuyển, lợi nhuận bán xăng nhập lậu cho nhóm của Phạm Hùng Cường.

Cơ quan Công an xác định Phan Lê Hoàng Anh sử dụng tài khoản của mình tại các ngân hàng Sacombank, BIDV, Agribank nhận chuyển khoản 526.608.560.000 đồng tiền bán xăng nhập lậu và trực tiếp nhận tiền mặt, nhờ người thân nhận tiền mặt đến 783.576.560.122 đồng, đồng thời còn giúp bị cáo Hữu chuyển khoản 31 lần với tổng số tiền là 121.779.380.000 đồng cho Phạm Hùng Cường.

Viện cấp cao 3 đánh giá, vai trò của bị cáo Phan Lê Hoàng Anh là rất tích cực, là mắt xích quan trọng thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ quá trình mua bán xăng nhập lậu của bị cáo Hữu, với giá trị hàng hóa phạm pháp là đặc biệt lớn 2.596.539.861.906 đồng. Với tính chất hành vi, mức độ hậu quả của bị cáo Phan Lê Hoàng Anh là đặc biệt nghiêm trọng, vai trò đặc biệt lớn, nhưng án sơ thẩm lại xử phạt bị cáo mức án 3 năm 6 tháng tù là quá nhẹ.

Đối với các bị cáo Dương Văn Mẫn, Trịnh Xuân Mơ, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Xuân Hà là Thuyền trưởng, Thuyền phó các tàu Nhật Minh (07, 08, 09), đã chỉ đạo và cùng các thuyền viên giúp cho bị cáo Phan Thanh Hữu vận chuyển xăng lậu rất nhiều lần. Trong đó, bị cáo Mẫn vận chuyển 15 chuyến xăng nhập lậu trị giá hàng nhập lậu 269.665.862.004 đồng; bị cáo Hiệp vận chuyển 37 chuyến xăng nhập lậu, trị giá hàng nhập lậu 660.370.219.971 đồng; bị cáo Mơ vận chuyển đến 44 chuyến xăng nhập lậu trị giá hàng nhập lậu 760.796.605.361 đồng; bị cáo Hà vận chuyển 45 chuyến xăng nhập lậu, trị giá hàng nhập lậu 689.864.318.104 đồng.

Trong các lần vận chuyển xăng lậu nêu trên, các bị cáo Mẫn, Hiệp, Mơ còn sử dụng các hồ sơ, hóa đơn, chứng từ khống nhận từ bị cáo Hữu để đối phó với các lực lượng chức năng; đồng thời cả 4 bị cáo đã chỉ đạo các thuyền viên pha bột màu, dung môi vào lượng xăng nhập lậu để bán cho khách hàng.

Quyết định kháng nghị phúc thẩm của Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh

Quyết định kháng nghị của Viện cấp cao 3 đánh giá, hành vi phạm tội của các bị cáo Dương Văn Mẫn, Trịnh Xuân Mơ, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Xuân Hà thể hiện thái độ xem thường pháp luật, vai trò chỉ sau bị cáo Phan Thanh Hữu và Phan Lê Hoàng Anh và cao hơn, nguy hiểm hơn rất nhiều so với các đồng phạm khác; hơn nữa hành vi của các bị cáo đang được tiếp tục điều tra, xử lý trong vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, nhưng án sơ thẩm chỉ tuyên phạt mức án 3 năm tù đối với mỗi bị cáo là chưa đảm bảo tính răn đe.

Riêng đối với các bị cáo Trần Văn Triều và Hà Văn Khoa cũng là các đồng phạm tích cực giúp sức cho bị cáo Phan Thanh Hữu. Trong đó, bị cáo Triều là người trực tiếp quản lý tàu Nhật Minh 06, trực tiếp điều phối, theo dõi, ghi chép số liệu xăng nhập lậu từ các tàu Nhật Minh 07, 08, 09 sang các tàu song, và trực tiếp chỉ dẫn thuyền trưởng các tàu sông pha chất tạo màu vàng vào xăng; và Hà Văn Khoa cùng tham gia với Triều quản lý tàu Nhật Minh 06. Các bị cáo đã giúp sức cho bị cáo Hữu tiêu thụ số xăng nhập lậu với giá trị hàng phạm pháp rất lớn từ 1.881.146.841.623 đồng đến 1.998.068.591.623 đồng.

Bị cáo Phan Trung Hiếu và bị cáo Trương Công Tiến nhiều lần giúp sức cho bị cáo Nguyễn Minh Đức buôn lậu xăng với số lượng 5.759.670 lít, trị giá hàng hóa phạm pháp là 93.552.015.942 đồng. Trong quá trình giúp sức cho bị cáo Đức, hai bị cáo còn góp 4,7 tỉ đồng mua lại 322.000 lít xăng nhập lậu từ bị cáo Đức bán lại cho các đối tượng Trang, Trình và đã thu lợi bất chính với số tiền là 200.000.000 đồng. Trong vụ án này, bị cáo Hiếu và bị cáo Tiến vừa có vai trò giúp sức cho bị cáo Đức mua bán xăng nhập lậu, vừa trực tiếp thực hiện hành vi mua bán xăng nhập lậu, nên tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà các bị cáo thực hiện là đặc biệt nguy hiểm, cần phải xử lý thật nghiêm.

Các bị cáo Dương Đức Nghĩa, Trần Văn Du, Nguyễn Ngọc Tiến, Phạm Văn Sái, Lê Hoàng Phương, Nguyễn Duy Bình là các thuyền trưởng, thuyền phó và quản lý của các tàu Khánh Hòa 3, Vân Trúc, Huỳnh Ngân, Sơn Tiền, Tây Nam đã thực hiện tội phạm nhiều lần trong thời gian dài, là mắt xích quan trọng, giúp sức tích cực cho các bị cáo Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Hữu Tứ, Trần Thị Thanh Vân trong việc điều khiển tàu đi nhận và vận chuyển xăng nhập lậu về các kho chứa xăng để bán ra thị trường. Với số lượng xăng dầu đặc biệt lớn, các bị cáo đã giúp sức cho các bị cáo Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Hữu Tứ, Trần Thị Thanh Vân tiêu thụ số xăng nhập lậu với giá trị hàng phạm pháp rất lớn từ 42.238.793.762 đồng đến 295.402.536.724 đồng.

Bị cáo Trần Thị Cẩm Vân là người giúp sức cho bị cáo Lê Thanh Trung theo dõi, tính toán, đối chiếu công nợ toàn bộ việc mua bán xăng nhập lậu tại kho Nam Phong; các bị cáo Nguyễn Cao Ngọc Thúy và bị cáo Phạm Đức giúp sức cho bị cáo Nguyễn Thăng Long mua bán xăng nhập lậu. Hành vi giúp sức của các bị cáo thể hiện trong vụ án này là rất tích cực, được thực hiện liên tục trong thời gian dài, các bị cáo đều là mắt xích quan trọng không thể thiếu trong toàn bộ hoạt động của bị cáo Trung và bị cáo Long để tiêu thụ số xăng nhập lậu đã mua, đặc biệt là bị cáo Vân, khi được giao nhiệm vụ Kế toán của Công ty Phúc Thịnh đã làm giả đến 89 tờ hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty phục vụ cho các chuyến tàu vận chuyển xăng nhập lậu từ Vĩnh Long về kho Nam Phong theo yêu cầu của Nguyễn Hữu Tứ.

Theo Viện cấp cao 3, bên cạnh vai trò tích cực như trên thì các bị cáo đều phạm vào khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự, thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và thực hiện hành vi phạm tội rất nhiều lần, nhưng án sơ thẩm chỉ xử phạt mỗi bị cáo mức án từ 3 năm tù trở xuống và lại còn cho hưởng án treo là trái quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 và Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì “Phạt tiềnđược áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:… Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định”. Điều 188 Bộ luật Hình sự chỉ quy định hình phạt tiền trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng theo khoản 1, khoản 2 và khoản 3.

Như vậy, tội “Buôn lậu” thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì không được áp dụng hình phạt chính là phạt tiền. Trong vụ án này, các bị cáo: Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Lương Đình Tiến, Trần Huy Lập, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Minh, Lê Hùng Phong, Phạm Thị Cúc, Nguyễn Thị Như Mỹ,Nguyễn Thăng Long, Bùi Ngọc Toàn đều phạm vào khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù, thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên không được áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền.

Án sơ thẩm xử phạt tiền đối với các bị cáo là vi phạm nghiêm trọng vì không đúng quy định tại khoản 4 Điều 188 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Viện cấp cao 3 cho rằng, khi xét xử Tòa án có thể xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà các bị cáo phạm vào khi đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, nhưngphải đảm bảo sự phù hợp giữa loại hình phạt áp dụng với tính chất của loại tội phạm mà các bị cáo đã thực hiện. Bởi lẽ, bản chất của việc xử dưới khung hình phạt là thể hiện tính khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội, chứ không làm thay đổi tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội đã thực hiện, khung hình phạt mà các bị cáo phạm vào.

Đánh giá tại quyết định kháng nghị, tất cả 28 bị cáo nêu trên đều phạm tội đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù và đều có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự; trong đó có nhiều bị cáo có đến 2 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điểm a, g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự

Tuy nhiên, án sơ thẩm xử phạt các bị cáo Dương Văn Mẫn, Nguyễn Văn Hiệp, Trịnh Xuân Mơ, Phan Lê Hoàng Anh, Phan Trung Hiếu, Trương Công Tiến, Dương Đức Nghĩa, Trần Văn Triều, Hà Văn Khoa, Nguyễn Xuân Hà, Trần Văn Du, Nguyễn Ngọc Tiến, Phạm Văn Sái, Lê Hoàng Phương, Nguyễn Duy Bình dưới mức thấp nhất khung hình phạt; các bị cáo Trần Thị Cẩm Vân, Nguyễn Cao Ngọc Thúy, Phạm Đức được cho hưởng án treo, và các bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Lương Đình Tiến, Trần Huy Lập, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Minh, Lê Hùng Phong, Phạm Thị Cúc, Nguyễn Thị Như Mỹ, Nguyễn Thăng Long, Bùi Ngọc Toàn được xử hình phạt chính là phạt tiền.

Viện Cấp cao 3 nhận định việc án sơ thẩm tuyên xử các bị cáo là không đúng quy định của pháp luật, quá nhẹ, không nghiêm, không tương xứng với vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm về buôn lậu đã và đang diễn ra hết sức phức tạp như hiện nay.

Ngoài ra thì kết quả điều tra đã xác định, bị cáo đầu vụ Phan Thanh Hữu và nhóm của bị cáo Đào Ngọc Viễn cùng góp 53,4 tỉ đồng để buôn lậu xăng, rồi thống nhất giao cho bị cáo Phan Thanh Hữu quản lý để thanh toán tiền mua xăng ở Singapore. Trong quá trình vận chuyển xăng nhập lậu về kho Nam Phong để bán, các bị cáo Nguyễn Hữu Tứ, Lê Thanh Trung và Phan Thanh Hữu thống nhất sử dụng chứng từ nhập khẩu của Công ty Tây Nam SWP để xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty Phan Lê Hoàng Anh của bị cáo Hữu với số lượng xăng là 2.000.000 lít, nên bị cáo Hữu chuyển 30 tỉ đồng cho bị cáo Trung mượn nhập khẩu xăng về kho Nam Phong, rồi bán ra thị trường nhưng không xuất hóa đơn để số lượng xăng lúc nào cũng tồn kho là 2.000.000 lít (bị cáo Trung đã chuyển trả cho bị cáo Hữu).

Nội dung bản án còn thể hiện, bị cáo Phan Trung Hiếu và bị cáo Trương Công Tiến góp 4,7 tỉ đồng mua lại xăng nhập lậu từ bị cáo Nguyễn Minh Đức. Những khoản tiền nêu trên là tiền mà các bị cáo đã sử dụng vào việc phạm tội nên theo quy định phải bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm lại không xem xét, xử lý đối với khoản tiền này là thiếu sót rất nghiêm trọng.

Vì những lý do trên, Viện cấp cao 3 đã kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 155/2022/HSST ngày 08/12/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai về phần hình phạt đã xét xử đối với các bị cáo: Dương Văn Mẫn, Nguyễn Văn Hiệp, Trịnh Xuân Mơ, Phan Lê Hoàng Anh, Phan Trung Hiếu, Trương Công Tiến, Trần Thị Cẩm Vân, Nguyễn Cao Ngọc Thúy, Phạm Đức, Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Lương Đình Tiến, Trần Huy Lập, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Minh, Lê Hùng Phong, Phạm Thị Cúc, Nguyễn Thị Như Mỹ,Nguyễn Thăng Long, Bùi Ngọc Toàn, Dương Đức Nghĩa, Trần Văn Triều, Hà Văn Khoa, Nguyễn Xuân Hà, Trần Văn Du, Nguyễn Ngọc Tiến, Phạm Văn Sái, Lê Hoàng Phương, Nguyễn Duy Bình và áp dụng biện pháp tư pháp đối với các bị cáo Phan Thanh Hữu, Phan Trung Hiếu, Trương Công Tiến.

Viện cấp cao 3 đã đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng tăng hình phạt đối với các bị cáo Dương Văn Mẫn, Nguyễn Văn Hiệp, Trịnh Xuân Mơ, Phan Lê Hoàng Anh, Phan Trung Hiếu, Trương Công Tiến, Dương Đức Nghĩa, Trần Văn Triều, Hà Văn Khoa, Nguyễn Xuân Hà, Trần Văn Du, Nguyễn Ngọc Tiến, Phạm Văn Sái, Lê Hoàng Phương, Nguyễn Duy Bình.

Đồng thời không cho hưởng án treo và tăng hình phạt đối với các bị cáo Trần Thị Cẩm Vân, Nguyễn Cao Ngọc Thúy, Phạm Đức; không áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, và chuyển sang áp dụng hình phạt tù giam đối với các bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Lương Đình Tiến, Trần Huy Lập, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Minh, Lê Hùng Phong, Phạm Thị Cúc, Nguyễn Thị Như Mỹ,Nguyễn Thăng Long, Bùi Ngọc Toàn.

Đặc biệt, Viện cấp cao 3 cũng đề nghị tòa cấp phúc thẩm tịch thu số tiền mà các bị cáo Phan Thanh Hữu, Phan Trung Hiếu và Trương Công Tiến dùng làm phương tiện phạm tội để sung vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Trân Định - Việt An

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/vien-kiem-sat-khang-nghi-kien-nghi/vien-cap-cao-3-khang-nghi-tang-nang-hinh-phat-doi-voi-28-74-bi-cao-trong-dai-an-buon-lau-xang-133989.html