Viễn cảnh tụt dốc của nhiều 'ông lớn' dược phẩm sau Covid-19

Hơn 2 năm qua, nhiều hãng dược phẩm lớn của phương Tây đã kiếm được hàng tỉ đô la Mỹ từ đại dịch Covid-19 nhờ bán vaccine và các loại thuốc điều trị dịch bệnh này. Thế nhưng, các hãng này hiện đang phải đối mặt với rủi ro doanh thu lao dốc và sức ép của nhà đầu tư về việc sử dụng số tiền kiếm được trong thời kỳ dịch bệnh một cách khôn ngoan.

Doanh thu bán vaccine ngừa Covid-19 và thuốc điều trị Covid-19 của nhiều hãng dược phẩm lớn của phương Tây có thể giảm gần 2/3 trong năm 2023. Ảnh: Reuters

Doanh thu sẽ giảm mạnh khi đại dịch lắng xuống

Các hãng dược gồm Pfizer, BioNTech, Moderna, Gilead Science, AstraZeneca và Merck & Co ước tính kiếm được khoảng 100 tỉ đô la từ vaccine và các loại thuốc điều trị Covid-19 trong năm 2022.

Tuy nhiên, theo các dự báo từ những hãng này và từ nhiều nhà phân tích, doanh số bán hàng đó có thể giảm gần 2/3 trong năm nay do tồn kho sản phẩm tiêm phòng và điều trị Covid tăng cao trên khắp thế giới, bao gồm ở các nước chi trả nhiều nhất.

Khả năng miễn dịch cao của cộng đồng nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và các ca nhiễm bệnh trước đó sẽ khiến nhu cầu điều trị Covid-19 giảm xuống.

Các tập đoàn dược phẩm trên đã quen với việc doanh thu giảm mạnh khi thời hạn bảo hộ sáng chế độc quyền của doanh nghiệp với các loại thuốc bán chạy kết thúc, cho phép đối thủ sản xuất thuốc gốc nhập cuộc cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị chiến lược ứng phó với điều này trong nhiều năm.

Thuốc gốc là thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc về các tính chất dược động học và dược lực học và được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn.

Pfizer (Mỹ) là “ông lớn” dược phẩm hưởng lợi nhiều nhất về mặt tài chính từ đại dịch Covid-19, với doanh thu hơn 56 tỉ đô la vào năm 2022 từ việc bán vaccine mà hãng này phát triển cùng với đối tác BioNTech (Đức) và bán thuốc kháng virus Covid-19 Paxlovid.

Pfizer dự kiến doanh thu mảng này sẽ giảm xuống còn khoảng 21,5 tỉ đô la trong năm 2023 nhưng một số nhà phân tích cho rằng, dự báo đó quá lạc quan.

Nhà phân tích Chris Schott của Ngân hàng JPMorgan dự báo, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu có thể giảm hơn nữa sau khi các mũi tiêm nhắc lại đã giảm đáng kể trong năm 2022.

Moderna, nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của Mỹ cũng dự đoán doanh thu năm 2023 sẽ giảm mạnh. Spikevax, tên thương mại của vaccine ngừa Covid-19 dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA) do Moderna phát triển, đã thu về khoảng 18,4 tỉ đô la trong năm 2022 nhưng nhiều nhà phân tích nhận định, con số này sẽ giảm xuống còn khoảng 7 tỉ đô la trong năm 2023.

Áp lực đầu tư để củng cố doanh thu

Nhà phân tích Damien Conover của Morningstar, nhận định sự sụt giảm doanh thu đột ngột sẽ buộc các tập đoàn dược phẩm phải thực hiện các thương vụ thâu tóm hoặc hợp tác với các đối tác mới để củng cố triển vọng doanh thu.

Theo nhà phân tích Evan Seigerman của BMO Capital Markets, những tập đoàn dược phẩm kiếm được bộn tiền trong thời kỳ đại dịch cần sử dụng tiền mặt nhanh chóng cho các thương vụ thâu tóm và đầu tư có tiềm năng tạo ra đột phá cho doanh thu.

“Pfizer đã thực hiện các thỏa thuận thâu tóm với trị giá lên tới 10 tỉ đô la để xây dựng danh mục thuốc men. Nhưng tôi nghĩ Pfizer cần phải làm điều gì đó lớn hơn và có tác động hơn”, Seigerman nói.

Thương vụ mà nhà phân tích này đề cập là Pfizer mua lại hãng công nghệ sinh học Global Blood Therapeutics, nhà sản xuất thuốc điều trị bệnh hồng cầu hình liềm với giá 5,4 tỉ đô la và thâu tóm Biohaven Pharmaceutical, nhà sản xuất thuốc trị chứng đau nửa đầu, với giá 11,6 tỉ đô la hồi năm ngoái.

Nhà phân tích Hartaj Singh của Oppenheimer & Co cho biết, nhiều nhà đầu tư đang thất vọng vì Moderna đã không sử dụng nguồn tiền mặt khổng lồ thu được trong thời kỳ dịch bệnh để ứng phó cho viễn cảnh doanh thu và thu nhập sẽ giảm mạnh trong năm 2023 hoặc 2024.

Cổ phiếu của Moderna đã tăng giá trong những tháng gần đây nhưng mức giá đóng cửa 173,25 đô la của cổ phiếu này vào hôm 3-2 vẫn thấp hơn 65% so với mức cao nhất trong thời kỳ đại dịch, gần 500 đô la được thiết lập hồi tháng 8-2021.

“Có những ví dụ về các công ty thụ động trong việc ứng phó tình hình mới, dẫn đến giá cổ phiếu của họ không có hiệu suất tốt, và Moderna có thể đi theo con đường này”, Singh cảnh báo.

Trong khi đó, một số hãng dược phẩm khác ghi nhận tác động khiêm tốn hơn từ mảng kinh doanh thuốc điều trị Covid-19.

“Chúng tôi không coi thuốc điều trị Covid Lagevrio là động lực tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh của mình. Chúng tôi chỉ coi Lagevrio là cơ hội để tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa vào thời điểm cần thiết”, Rob Davis, Giám đốc điều hành của Merck cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước về thuốc kháng virus Covid-19 của công ty.

Merck ghi nhận mức doanh thu 5,7 tỉ đô la từ việc bán thuốc Lagevrio trong năm ngoái. Nhiều nhà phân tích dự báo, doanh thu từ thuốc Lagevrio của Merck sẽ giảm xuống dưới 1 tỉ đô la trong năm nay.

dược phẩm Eli Lilly (Mỹ) kiếm được 2 tỉ đô la trong năm 2022 từ các các loại thuốc kháng thể đơn dòng điều trị Covid. Tuy nhiên, hãng không kỳ vọng có thêm bất kỳ khoản doanh thu nào từ mảng kinh doanh này trong năm 2023.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã rút lại giấy phép đối với thuốc kháng thể bebtelovimab mới nhất của Eli Lilly vì không hiệu quả đối với các biến chủng phụ của biến thể Omicron.

“Chúng tôi đã kiếm được một ít tiền từ thuốc điều trị Covid. Chúng tôi đã sử dụng số tiền đó để tái đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)”, Dave Ricks, Giám đốc điều hành của Eli Lilly nói và cho biết thêm, chi tiêu cho R&D của công ty ông đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.

Theo Reuters

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vien-canh-tut-doc-cua-nhieu-ong-lon-duoc-pham-sau-covid-19/