Viêm xoang: Cách nhận biết và điều trị theo y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, các triệu chứng của viêm xoang được mô tả trong chứng như tỵ uyên, tỵ cam, đầu thống… trong đó tỵ uyên được miêu tả có bệnh cảnh giống viêm xoang hơn cả.

Tỵ uyên là một chứng bệnh phát sinh ở khoang mũi (tỵ đậu), chủ chứng là chảy nước mũi đục, nghẹt mũi, đau đầu.

1. Nguyên nhân gây viêm xoang theo y học cổ truyền (YHCT) là gì?

1.1 Viêm xoang do nhiễm ngoại tà

Hiện nay, các quan điểm YHCT đều cho rằng bệnh viêm xoang là do cảm nhiễm ngoại tà như nhiễm phong hàn, phong nhiệt hoặc cảm hàn hóa nhiệt như sau khi đi mưa, sau khi tiếp xúc gió lạnh, ở trong phòng máy lạnh...

1.2 Do thói quen ăn uống

Ăn uống không điều tiết, ăn nhiều thức ăn cay nóng, chiên xào hoặc béo ngọt nhiều dẫn đến vị nhiệt nội sinh, nhiệt theo kinh mạch lên trên thiêu đốt ở trên gây ra bệnh.

Ăn nhiều thực phẩm cay nóng dẫn đến vị nhiệt nội sinh gây bệnh viêm xoang.

Ăn nhiều thực phẩm cay nóng dẫn đến vị nhiệt nội sinh gây bệnh viêm xoang.

1.3 Lo lắng, căng thẳng

Tình chí không thoải mái, khí uất hóa hỏa, can đởm nhiệt thịnh theo kinh mạch đi lên phạm vào não, ra mũi, thiêu đốt hủy hoại cơ nhục, niêm mạc, cô đặc tân dịch thành chứng tỵ uyên.

Một số nguyên nhân khác như cơ thể suy nhược, ăn uống kém, lao nhọc quá làm tổn thương khí của phế, tỳ, thận, thanh dương không thăng, làm xoang khiếu thiếu nuôi dưỡng. Khí không đủ để đuổi tà khí ra ngoài, bệnh tà lưu trệ ở xoang khiếu lâu ngày không đi mà thành bệnh.

2. Chẩn đoán viêm xoang theo YHCT như thế nào?

YHCT chẩn đoán viêm xoang dựa vào quan sát, hỏi bệnh, nghe và thăm khám. Đối với bệnh lý viêm xoang, một số biểu hiện bệnh được xếp vào các hội chứng bệnh thường gặp như phong hàn phạm phế, phong nhiệt phạm phế, đàm trọc trở phế, vị nhiệt ủng thịnh, can đởm thấp nhiệt, phế khí hư, tỳ khí hư, thận dương hư...

Phong hàn phạm phế: Bệnh phát ra cấp, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong dần chuyển đục, hắt hơi, sợ gió, sợ lạnh, đau đầu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn.

Phong nhiệt phạm phế:Phát bệnh cấp, nghẹt mũi, nước mũi vàng hoặc trắng dính, lượng ít, đa phần kèm đau đầu, phát nhiệt, sợ lạnh, ho khạc đàm, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác.

Khám, chẩn đoán viêm xoang theo y học cổ truyền dựa vào quan sát, hỏi bệnh, nghe và thăm khám.

Khám, chẩn đoán viêm xoang theo y học cổ truyền dựa vào quan sát, hỏi bệnh, nghe và thăm khám.

Đàm trọc trở phế: Nước mũi trắng đục, lượng nhiều, mùi tanh, nghẹt mũi, đầu mắt thấy choáng váng âm u, có thể ho khạc đàm nhiều, tức ngực, chất lưỡi hồng nhợt, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch hoạt.

Vị nhiệt ủng thịnh: Mũi chảy dịch vàng đục lượng nhiều, mũi nghẹt nhiều, giảm khứu giác, đau đầu nhiều; triệu chứng toàn thân phát nhiệt không sợ lạnh, miệng khát uống nước nhiều, miệng hôi, tiểu tiện lượng ít màu vàng sậm, đại tiện phân khô cứng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch sác.

Can đởm thấp nhiệt: Mũi chảy nước vàng xanh, lượng nhiều, đặc dính, mùi tanh hôi, mũi nghẹt nhiều, đau đầu nhiều; triệu chứng toàn thân thấy phát nhiệt, miệng đắng, hầu họng khô, tâm phiền dễ giận, ù tai, tức ngực (hung muộn), chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.

Phế khí hư: Nước mũi trắng, dính, không hôi, lượng nhiều chảy không ngừng, hoặc nước mũi trong loãng, mũi nghẹt lúc nhiều lúc ít, giảm khứu giác, đau đầu âm ỉ hoặc trướng tức không thoải mái; người bệnh thường hay bị cảm mạo, sợ lạnh, gặp lạnh thì bệnh tăng nặng, tự hãn, sợ gió, đoản khí mệt mỏi, ho khạc đàm trắng, chất lưỡi hồng nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch nhược.

Chảy nước mũi, nghẹt mũi là biểu hiện thường gặp khi bị viêm xoang.

Chảy nước mũi, nghẹt mũi là biểu hiện thường gặp khi bị viêm xoang.

Tỳ khí hư:Nước mũi dính màu trắng lượng nhiều chảy không ngừng, mùi không hôi, mũi nghẹt nhiều, giảm khứu giác, xây xẩm choáng váng, đau đầu; có thể thấy kèm triệu chứng sắc mặt úa vàng, tinh thần mệt mỏi, chân tay uể oải rã rời (khốn quyện), ăn ít, tiêu ra phân sệt lỏng, chất lưỡi mập bệu, nhợt nhạt, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch hoãn nhược.

Thận dương hư:Nước mũi trong loãng, lượng nhiều chảy không ngừng, nghẹt mũi, giảm khứu giác, ngứa mũi hoặc hay hắt hơi, gặp gió lạnh thì bệnh nặng hơn; triệu chứng kèm theo thấy người co ro (hình hàn) chân tay lạnh, tinh thần mệt mỏi ủ rũ, tiểu đêm nhiều lần, chất lưỡi nhợt nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế vô lực.

3. YHCT điều trị viêm xoang thế nào?

3.1 Với viêm xoang cấp

Viêm xoang cấp có nguyên nhân thường gặp do siêu vi, do đó điều trị theo YHHĐ chủ yếu bằng giải quyết triệu chứng bằng các thuốc kháng viêm, giảm đau, giảm chảy mũi, nghẹt mũi, vệ sinh mũi...

Một số trường hợp bệnh kéo dài do bội nhiễm có thể dùng kháng sinh. YHCT có thể dùng các phương pháp điều trị không dùng thuốc như xông mũi, châm cứu, cứu ấm, xoa bóp giúp cải thiện triệu chứng nhanh hơn, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn; đồng thời có thể sử dụng các thuốc từ thảo dược tùy theo mỗi thể bệnh. Thuốc có các tác dụng như khu phong tán hàn, thanh nhiệt, thanh vị nhiệt, thông khiếu, chỉ thống giúp giải quyết được bệnh mà ít hoặc không có tác dụng phụ.

Sử dụng thảo dược là một trong những biện pháp trị viêm xoang trong y học cổ truyền.

Sử dụng thảo dược là một trong những biện pháp trị viêm xoang trong y học cổ truyền.

3.2 Đối với viêm xoang mạn

Cần tìm các nguyên nhân hoặc yếu tố thuận lợi đi kèm để điều trị tối ưu. Khi viêm xoang mạn không có chỉ định phẫu thuật, điều trị bằng YHCT giúp người bệnh cải thiện triệu chứng đồng thời giúp giảm tình trạng viêm kéo dài, làm nặng lên tình trạng bệnh, giảm thời gian xuất hiện đợt cấp từ đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.

Điều trị tích cực phối hợp nhiều phương pháp như tìm và thay đổi yếu tố thuận lợi, vệ sinh mũi họng, dinh dưỡng hợp lý (thực dưỡng), có thể lựa chọn các phương pháp như châm cứu, cấy chỉ, nhĩ châm, xoa bóp bấm huyệt, dán thuốc, xông thuốc và dùng thuốc YHCT theo thể bệnh.

Mời bạn xem tiếp video:

Viêm xoang: Cảnh báo về biến chứng nguy hiểm | SKĐS

ThS BS. Nguyễn Thái Linh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viem-xoang-cach-nhan-biet-va-dieu-tri-theo-y-hoc-co-truyen-169230303153159851.htm