Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành KSND được triển khai nghiêm túc, thực chất và hiệu quả

Những năm qua, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tiếp tục được VKSND các cấp quan tâm, dân chủ ngày càng được mở rộng. Công chức, viên chức, người lao động phát huy quyền tham gia ý kiến, giám sát, kiểm tra và trách nhiệm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Kết quả đó đã góp phần cùng toàn ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội giao; kỷ luật, kỷ cương trong Ngành được giữ vững; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, triển khai quyết liệt, tấn công trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Việc thực hiện dân chủ ngày càng được mở rộng

Ngày 10/11/2022 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023); Luật gồm 6 chương, 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân, công chức, người lao động, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nhằm tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Viện trưởng VKSND tối cao giao Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành KSND tiếp tục chỉ đạo, thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở để phù hợp với đặc điểm, tình hình và chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tiếp tục được VKSND các cấp quan tâm, dân chủ ngày càng được mở rộng.

Hội nghị triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành KSND năm 2024 do VKSND tối cao tổ chức vào cuối tháng 3/2024.

Để công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành KSND được triển khai đồng bộ, hiệu quả, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ được thành lập tại VKSND tối cao, VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh. Tại VKSND tối cao, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành KSND do 1 đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao là Trưởng ban và 6 đồng chí là Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao là thành viên; tại VKSND cấp cao, cấp tỉnh do đồng chí Viện trưởng hoặc 1 đồng chí Phó Viện trưởng là Trưởng ban và có từ 5-7 thành viên. Thành viên Ban Chỉ đạo được kiện toàn thường xuyên, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của công tác tổ chức cán bộ. Hằng năm, các Ban Chỉ đạo đã tham mưu Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND cấp mình ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở, tiến hành kiểm tra tại các đơn vị trực thuộc và tổng hợp xây dựng báo cáo sơ kết, báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị gửi cấp có thẩm quyền theo quy định.

Kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành KSND thể hiện, trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2023, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ Ngành đã đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể, đã ban hành Công văn số 751 ngày 11/3/2022, yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, các VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện chuyên đề về dân chủ ở cơ sở gắn với thực tiễn công tác của đơn vị và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành. Kết quả, 100% các đơn vị trong toàn Ngành đã hoàn thành việc xây dựng chuyên đề thực hiện dân chủ ở cơ sở (25/25 đơn vị thuộc VKSND tối cao, 3/3 VKSND cấp cao và 63/63 VKSND cấp tỉnh). Các đơn vị đã lựa chọn hình thức phù hợp (tổ chức hội nghị, tọa đàm, sao gửi tài liệu) để quán triệt và triển khai chuyên đề thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị mình. Nội dung các chuyên đề bám sát yêu cầu chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, bám sát thực tiễn. Đồng thời, tham mưu Viện trưởng VKSND tối cao ban hành kế hoạch để triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Ngành, Quy chế mới về hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ; ban hành 21 văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện trong toàn Ngành; tiến hành 18 cuộc kiểm tra trực tiếp chuyên đề thực hiện dân chủ ở cơ sở tại 18 đơn vị trong Ngành.

Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó viện trưởng VKND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành KSND chủ trì một cuộc họp của Ban chỉ đạo.

Nhiều kết quả nổi bật

Kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành KSND cho thấy, thời gian qua, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành phối hợp với cấp ủy cùng cấp tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm các văn bản của Đảng, Nhà nước và quy định của Ngành về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Kết luận số 120 ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 54 ngày 9/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99 ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư về ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Quy định số 11 ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; tiếp tục triển khai Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngành KSND: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; thực hiện nghiêm Quy định số 37 ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm”.

VKSND TP Hà Nội kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại VKSND quận Cầu Giấy.

Hằng năm, đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch công tác, Chương trình trọng tâm công tác, quy chế quy định nghiệp vụ... để lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong đó có nội dung yêu cầu người đứng đầu các cấp Kiểm sát trong toàn ngành KSND thực hiện nghiêm dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành và của địa phương. Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong thực hành dân chủ ở cơ sở; đi đầu, gương mẫu trong thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, các quy định quản lý nội bộ Ngành; xây dựng tập thể đơn vị đoàn kết, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; thường xuyên tự phê bình, nêu cao trách nhiệm với công việc, giữ gìn uy tín, hình ảnh của người cán bộ Kiểm sát trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; công khai dân chủ trong các mặt hoạt động công tác, tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến và thực hiện vai trò giám sát, kiểm tra; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở trong toàn Ngành được thể hiện trên các mặt gồm: Kết quả thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan; kết quả thực hiện dân chủ trong quan hệ công tác và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan. Đáng chú ý, Viện trưởng VKSND các cấp, Thủ trưởng các đơn vị trong Ngành đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm thực hiện dân chủ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; trong công tác bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, điều động, đánh giá, thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động; tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến và giám sát, kiểm tra những nội dung theo quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ đúng quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của ngành KSND. Đồng thời, VKSND tối cao đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến công tác cán bộ (năm 2022 là 33 nghị quyết; năm 2023 là 38 nghị quyết)…

Ban biên tập Báo Bảo vệ pháp luật tổ chức hội nghị đối thoại với viên chức, người lao động Phòng Truyền hình Kiểm sát. Ảnh Văn Tình

Cùng với thực hiện dân chủ trong quản lý nội bộ, ngành KSND đã tổ chức Hội nghị quán triệt và thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường kỷ cương, kỷ luật; xây dựng và thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân”, “Quy định về xử lý kỷ luật trong ngành Kiểm sát nhân dân”. Công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện xuyên suốt phương châm hành động là “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”. Thực hiện dân chủ đi đôi với giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, thực hiện nghiêm Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát. Các đơn vị chủ động phát hiện và khắc phục hạn chế, thiếu sót, xử lý nghiêm vi phạm, tiêu cực (nếu có) theo quy định. Đồng thời, tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động yên tâm thực hiện nhiệm vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; lấy kết quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả công tác và kết quả thi đua, khen thưởng hằng năm.

Công tác tổ chức triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở của Thủ trưởng, Viện trưởng VKSND các cấp thể hiện, thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự đảng VKSND tối cao, của Viện trưởng VKSND tối cao và của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành KSND; hằng năm, Viện trưởng VKSND các cấp, Thủ trưởng các đơn vị trong Ngành đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, sửa đổi, bổ sung các quy định của cơ quan, đơn vị để phù hợp với các quy định mới được ban hành; duy trì các cuộc họp giao ban của đơn vị; kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các cuộc họp giao ban, đăng tải văn bản lên hệ thống thư điện tử để công chức, viên chức, người lao động khai thác, nghiên cứu; lấy ý kiến tham gia góp ý của công chức, viên chức, người lao động vào chương trình, kế hoạch công tác, báo cáo sơ kết, tổng kết của cơ quan, đơn vị; hằng năm phối hợp với công đoàn cùng cấp tổ chức hội nghị cán bộ công chức…

Về kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tại VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh: Trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2023, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tại VKSND cấp cao, cấp tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật như: Tiến hành 541 cuộc kiểm tra trực tiếp chuyên đề thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các đơn vị trực thuộc; tham mưu Viện trưởng VKSND cấp mình xây dựng chuyên đề về dân chủ ở cơ sở, tổ chức Hội nghị để phổ biến, quán triệt nội dung chuyên đề đến công chức, người lao động trong đơn vị. Nội dung chuyên đề sâu sắc, phong phú, thiết thực. Đồng thời, tham mưu Viện trưởng VKSND cấp mình triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị.

Giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành KSND trong thời gian tới, VKSND tối cao đã nêu lên một số giải pháp đó là: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là Kết luận số 120 ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của VKSND. Phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của công chức, viên chức, người lao động trong Ngành.

Bên cạnh đó, tiếp tục tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quản lý nội bộ có liên quan đến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, để bảo đảm thống nhất, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ngành; nghiên cứu hoàn thiện, ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành KSND. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả, thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, tập trung vào các nhiệm vụ của Ngành theo Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

VKSND tối cao kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ tại VKSND tỉnh Tiền Giang.

Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành KSND và Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tại VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kịp thời tham mưu Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND cấp mình lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để phát huy, nhân rộng những ưu điểm, kết quả đạt được; kịp thời phát hiện thiếu sót, vi phạm để khắc phục, chấn chỉnh, phòng ngừa.

Mặt khác, toàn Ngành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo VKSND các cấp. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhất là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến đơn vị, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và gương điển hình tiên tiến về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm giới thiệu, nhân rộng trong toàn Ngành.

Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành KSND năm 2024 do VKSND tối cao tổ chức vào cuối tháng 3/2024, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, phát huy dân chủ phải gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đồng thời, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của công chức, viên chức, người lao động trong Ngành. Viện trưởng Lê Minh Trí yêu cầu người đứng đầu, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về dân chủ ở cơ sở, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành KSND. “Người đứng đầu phải gương mẫu, biết lắng nghe nhưng phải dám quyết định và chịu trách nhiệm; công chức, viên chức, người lao động nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc, từ đó bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành KSND, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thường xuyên, nghiêm túc, thực chất và hiệu quả, góp phần xây dựng ngành KSND trong sạch, vững mạnh” - Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định.

Cao Nguyên

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/viec-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-trong-nganh-ksnd-duoc-trien-khai-nghiem-tuc-thuc-chat-va-hieu-qua-156941.html