Việc làm nhân văn mùa dịch

Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với người dân.

Quyết định là cơ sở cho việc rà soát, hỗ trợ 7 nhóm đối tượng theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ với mức hỗ trợ từ 500.000-1.800.000 đồng/người/tháng, tổng kinh phí hỗ trợ 62.000 tỷ đồng; nguồn kinh phí này hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Số tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ đã kịp thời đến với người dân trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, gói hỗ đã trợ góp phần giải quyết những thiếu thốn, khó khăn vất vả của nhân dân.

Thế nhưng trong lúc khó khăn, hoạn nạn, người Việt Nam thể hiện rõ tinh thần “tương thân, tương ái”. Ở nơi tôi đang cư trú có gia đình ông Vũ Văn Khang, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai là một trong những hộ gia đình đủ điều kiện để nhận gói hỗ trợ này nhưng ông đã không nhận mà đề nghị với tổ trưởng tổ dân phố nhường tiêu chuẩn này cho người khác còn khó khăn hơn. Hai vợ chồng ông Khang xấp xỉ 60 tuổi, đang làm thêm ở một doanh nghiệp tư nhân, bản thân ông Khang không có lương hưu, vợ ông được 1 triệu tiền lương hưu/tháng, hai con bị thất nghiệp, không có việc làm trong thời gian dịch bệnh. Tôi được biết, không chỉ gia đình ông Khang, mà còn nhiều gia đình khác trên khắp mọi miền đất nước đủ điều kiện được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ nhưng họ cũng đã nhường phần của mình cho những gia đình khó khăn hơn.

Đây là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp, thể hiện đạo lý truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của người Việt Nam. Mong rằng, những hành động nhân văn này ngày một lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, để toàn thể đồng bào ta không ai bị bỏ lại phía sau.

HUỆ VŨ (Hoàng Mai, Hà Nội)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-kien-trong-ngay/viec-lam-nhan-van-mua-dich-617327