Việc khó có máy móc lo, nông dân Vĩnh Phúc làm giàu 'nhàn tênh' trên những cánh đồng 'không dấu chân người'

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, hoạt động sản xuất của thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) nhanh chóng trở lại. Trên cánh đồng 'không dấu chân', các loại máy cấy, thiết bị bay tự động hoạt động hết công suất.

Bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên HTX, vừa đứng trên bờ quan sát máy móc làm việc, vừa phấn khởi kể chuyện chưa bao giờ làm ruộng lại nhàn như vụ Đông Xuân này, từ khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật… giờ đã có các thiết bị công nghệ hiện đại thực hiện.

Hiệu quả nhờ khoa học công nghệ

Nhờ ứng dụng công nghệ cao, theo bà Mùi, các thành viên HTX giảm đáng kể các chi phí đầu vào như nhân công (giảm 40%), phân bón (giảm thất thoát 30-35%). Đặc biệt, việc bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay vừa tăng hiệu quả, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đến nay, 100% diện tích gieo cấy lúa của HTX được cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch, 60% diện tích gieo cấy sử dụng máy cấy. Ngoài ra, các thành viên HTX còn tham gia mô hình ứng dụng thiết bị bay trong bón phân, phun thuốc...

Việc sử dụng máy bay không người lái phục vụ sản xuất đã không còn xa lạ trên những cánh đồng lớn ở Vĩnh Phúc.

Việc sử dụng máy bay không người lái phục vụ sản xuất đã không còn xa lạ trên những cánh đồng lớn ở Vĩnh Phúc.

Thực tế, việc ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất đã được HTX Nhân Lý triển khai thực hiện từ nhiều năm qua, và đến nay HTX đang là một trong các đơn vị đi đầu trong phát triển nông nghiệp thông minh gắn với an toàn sinh thái trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Bà Lê Thị Hương, Chủ tịch HĐQT HTX, cho hay HTX đang quản lý và tổ chức sản xuất, canh tác với diện tích trên 150 ha đất nông nghiệp của 3 thôn Lý Hải, Lý Nhân và Dương Cốc thuộc xã Phú Xuân (Bình Xuyên), với 6 tổ sản xuất gồm 635 hộ, tập trung sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa, ngô nếp, ngô ngọt, rau các loại ...

Từ năm 2015 đến nay, HTX duy trì 130 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng thành công thương hiệu gạo an toàn sản xuất theo hướng hữu cơ với sản lượng cung cấp ra thị trường hàng năm là trên 50 tấn gạo, đã được cấp thương hiệu sản phẩm gạo OCOP 3 sao năm 2020.

HTX cũng xây dựng thành công 6 ha sản xuất rau có chứng nhận an toàn theo hướng VietGAP. Ngoài ra, HTX còn hướng dẫn cho các hộ nông dân trong vùng vệ tinh sản xuất theo hướng dẫn của HTX và toàn bộ sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ được HTX thu mua giúp bà con nông dân với giá cao hơn thị trường 15-40%.

Bắt nhịp tiến bộ khoa học kỹ thuật

HTX Nhân Lý chỉ là một trong rất nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua. Chỉ tính riêng giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã hỗ trợ cho 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất VietGAP và 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ.

Tiêu biểu như mô hình sản xuất rau hữu cơ của HTX Thương mại và Dịch vụ Định Trung cho năng suất rau đạt từ 300-350 tạ/ha/năm, giá trị ước đạt 520 triệu/ha/năm. Cùng với đó là các mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, năng suất đạt bình quân 420 tạ/ha, sản lượng đạt trên 63.000 tấn/năm đã được hình thành ở các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo.

Đáng chú ý, không ít doanh nghiệp, HTX đã tổ chức liên kết với các hộ dân trên địa bàn tỉnh thực hiện các mô hình sản xuất trồng trọt hữu cơ và theo hướng hữu cơ, ứng dụng toàn bộ hoặc một phần công nghệ cao cho hiệu quả vượt trội.

Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ, nông dân giảm công lao động, tăng hiệu quả kinh tế.

Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ, nông dân giảm công lao động, tăng hiệu quả kinh tế.

Thống kê cũng cho thấy, đến nay, tỉnh đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 4.800ha tại 71 xã, phường, thị trấn và nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ khác tại các huyện Lập Thạch, Bình Xuyên, Tam Đảo, Yên Lạc, Tam Dương, Sông Lô…

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, nhờ bắt nhịp tốt với tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, nông dân thời 4.0 tại Vĩnh Phúc đã và đang mạnh dạn thay đổi nhận thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, từ đó xây dựng thành công nhiều mô hình điển hình.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp nông dân không phải ghi chép nhật ký sản xuất thủ công như trước đây, mà chỉ cần kiểm tra theo số liệu được cập nhật đầy đủ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh chờ ngày sản xuất và thu hoạch theo đúng quy trình.

Thúc đẩy nông nghiệp thông minh

Với diện tích tự nhiên trên 123.600ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 73,7% diện tích tự nhiên, nguồn lao động dồi dào, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 28 về việc triển khai Nghị quyết số 19.

Trong đó, đề ra các mục tiêu cụ thể và định hướng, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Theo định hướng chung, tỉnh đã tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn.

Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh chủ động đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; khuyến khích phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao…

Với những điểm tựa đang có, thời gian tới, tỉnh dự kiến đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, có khả năng làm chủ khoa học, công nghệ, trình độ quản lý kinh tế ở các doanh nghiệp, HTX để phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Cùng với đó, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm ưu thế cạnh tranh trên thị trường, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/viec-kho-co-may-moc-lo-nong-dan-vinh-phuc-lam-giau-nhan-tenh-tren-nhung-canh-dong-khong-dau-chan-nguoi-1098335.html