Việc khiếu nại về 'cưỡng chế' xâm lấn rừng tự nhiên ở xã Nậm Lành, Văn Chấn: Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh

Vừa qua, một số hộ dân ở thôn Nậm Kịp, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn gửi đơn và trực tiếp phản ánh tới Báo Yên Bái về tình trạng xâm lấn rừng tự nhiên trái phép, những bất thường trong việc tổ chức 'cưỡng chế' (phá bỏ cây quế trồng xâm lấn vào rừng tự nhiên; thiếu sự bình đẳng trong quyết định cưỡng chế…).

Các văn bản của xã Nậm Lành thể hiện việc xử lý tình trạng lấn chiếm rừng tự nhiên sản xuất ở Nậm Kịp là đúng pháp luật, theo trình tự.

Trong đơn (khiếu nại lần 2), ông Triệu Văn Kinh, dân tộc Dao cùng đại điện các hộ gia đình (Triệu Như Chiêu, Lý Phúc An, Lý Tiến Quảng, Triệu Tòn Náy, Lý Tiến Nguyên, Lý Hữu Ngân) cùng ký tên phản ánh: 5 giờ sáng ngày 13/6/2023, tự nhiên thấy đoàn cán bộ xã Nậm Lành do ông Triệu Tòn Pết - Chủ tịch UBND xã và bà Bàn Thị Náy - Phó Chủ tịch UBND xã huy động các ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, dân quân, Công an xã, kiểm lâm và đông đảo người dân lên rừng chặt phá, nhổ bỏ khoảng 4,5 ha rừng quế (khoảng hơn 20.000 cây), tổng giá trị thiệt hại khoảng 500 đến 600 triệu đồng. Đây là hành động bảo vệ rừng hay phá rừng? Có hay không sự lộng quyền?... (Trích nội dung đơn).

Nhận được phản ánh của người dân, phóng viên Báo Yên Bái đã có mặt trực tiếp tại khu rừng tự nhiên thôn Nậm Kịp, xã Nậm Lành. Qua làm việc với Hạt Kiểm lâm và UBND huyện Văn Chấn để tìm hiểu vụ việc, kết quả như sau:

Trước hết phải khẳng định, rừng tự nhiên ở thôn Nậm Kịp đang nghèo kiệt dần (không còn những cây gỗ lớn) và đang bị các hộ dân lấn chiếm để trồng quế. Diện tích quế mà đoàn công tác của xã Nậm Lành chặt phá, nhổ bỏ vào ngày 13/6/2023 đã trồng xâm lấn vào rừng tự nhiên.

Tình tiết "tự nhiên thấy đoàn cán bộ kéo lên rừng” như đơn phản ánh là không đúng sự thật. Bởi, ngay từ cuối năm 2017, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn đã nhận được tin báo có hiện tượng phát phá rừng tự nhiên để lấy đất trồng quế xảy ra tại Nậm Kịp, Nậm Lành. Qua xác minh, tại tiểu khu 439, khoảnh 1, khoảnh 2 rừng đã bị lấn chiếm để trồng quế. Ngày 4 và 5/1/2018, Hạt Kiểm lâm huyện và UBND xã Nậm Lành đã mời 12 hộ dân (theo tin tố giác của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng) lên UBND xã để làm việc, trong đó có ông Triệu Văn Kinh và Lý Tiến Quảng (cả hai ông này đều có tên trong đơn khiếu nại gửi đến Báo Yên Bái).

Tại buổi làm việc, các hộ dân cam kết không tiếp tục chăm sóc cây đã trồng, không lấn chiếm rừng tự nhiên; tháo dỡ lán trại đã tự ý dựng trong rừng… Ngày 16/1/2018, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn có ra Thông báo số 01 về việc mời các hộ dân đã phát phá rừng tự nhiên sản xuất tại thôn Nậm Kịp, xã Nậm Lành có mặt tại hiện trường để xác định mức độ và diện tích thiệt hại. Tuy nhiên, không hộ nào có mặt. Ngày 6/6/2018, UBND xã Nậm Lành phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn tổ chức họp thôn Nậm Kịp để tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, qua đó thông báo nghiêm cấm các hộ dân lấn chiếm, phát phá rừng tự nhiên và chăm sóc số quế đã trồng lấn chiếm…

Suốt các năm sau đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được UBND xã và lực lượng kiểm lâm (trực tiếp là Trạm Kiểm lâm Bản Dõng) tăng cường. Theo đó, hàng loạt các biên bản làm việc, các buổi tuần tra, xử lý vi phạm, xử phạt hành chính đã diễn ra. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng quế ở Nậm Kịp vẫn diễn ra.

Để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp, ngày 9/6/2023, UBND xã Nậm Lành đã ban hành Quyết định số 36 về việc thành lập Tổ xử lý nhổ bỏ cây quế trồng trái phép vào rừng tự nhiên sản xuất do Ban Quản lý rừng thôn Nậm Kịp đang nhận khoán bảo vệ. Quyết định số 36 đã được chuyển về thôn Nậm Kịp, đã thông báo trên loa truyền thanh, đã được công bố tại cuộc họp Chi bộ thôn và toàn thôn Nậm Kịp. Đến ngày 13/6/2023, Tổ công tác của xã Nậm Lành đã tiến hành nhổ, chặt bỏ cây quế tại tiểu khu 439, khoảnh 2.

Ngày 15/6/2023, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn đã có buổi làm việc với ông Lý Tiến Quảng. Tại buổi làm việc, ông Quảng đã thừa nhận hành vi lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng quế với diện tích khoảng 4.000 m2. Hạt Kiểm lâm đã yêu cầu gia đình ông Quảng chuyển toàn bộ số cây quế ra khỏi rừng. Ông Lý Tiến Quảng đã viết bản tường trình thừa nhận việc trồng quế vào rừng tự nhiên là sai và kiến nghị cấp trên tạo điều kiện cho gia đình thu hoạch cây quế đã trồng lấn chiếm trong thời gian từ 15/6/2023 đến tháng 10/2023.

Quế đã trồng vào rừng tự nhiên ở Thài Giàng, Nậm Kịp, Nậm Lành, Văn Chấn.

Từ những nội dung mà phóng viên Báo Yên Bái đã thu thập được, có thể khẳng định: Các hộ gia đình trên đã vi phạm Luật Lâm nghiệp (trồng quế xâm lấn vào rừng tự nhiên sản xuất do Ban Quản lý rừng thôn Nậm Kịp đang nhận khoán bảo vệ). Việc Chủ tịch UBND xã Triệu Toàn Pết ký quyết định tổ chức đoàn công tác tiến hành xử lý tình trạng xâm lấn rừng tự nhiên để trồng quế là đúng thẩm quyền; tuyệt đối không có sự lạm quyền, lộng quyền như trong đơn mà ông Triệu Văn Kinh và các hộ gia đình ở Nậm Kịp đã đặt câu hỏi trong đơn.

Động thái của cán bộ xã Nậm Mười, của Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn, của cán bộ Công an xã và các lực lượng cùng người dân thôn Nậm Kịp vào ngày 13/6/2023 là thực thi công tác bảo vệ rừng, đúng quy định của pháp luật. Về giá trị quế bị nhổ, phá bỏ (theo đơn phản ánh khoảng 500 đến 600 triệu đồng) tại thời điểm phóng viên Báo Yên Bái có mặt tại Nậm Kịp, hiện trường đã không còn nguyên vẹn nên chúng tôi không thể xác định được giá trị thật.

Tuy nhiên, qua tài liệu (hình ảnh, video clip) mà cán bộ Trạm Kiểm lâm Bản Dõng cung cấp, cây quế còn nhỏ, trồng lẫn với cây rừng tự nhiên, chăm sóc kém, mật độ cây thưa, quế chậm phát triển, thân quế nhỏ, vỏ mỏng…, chưa kể giá quế năm nay rất thấp, nhiều thời điểm khó tiêu thụ nên việc xác định giá trị 500 đến 600 triệu đồng là không có căn cứ.

Phóng viên Báo Yên Bái đặt câu hỏi về nội dung "… Phải làm đúng lý, đúng luật, công minh, công bằng, chứ đừng chọn những hộ yếu thế để làm lá chắn cho những sai phạm của người khác, người nhà cán bộ đảng viên để lấy thành tích…” (Theo đơn của ông Triệu Văn Kinh và 6 hộ dân); các ông Vũ Đình Trường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Chấn, Triệu Tòn Pết - Chủ tịch UBND xã Nậm Lành đều giải thích: Các hộ gia đình nói trên nằm trong đơn tố giác của các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng; diện tích lấn chiếm lớn và đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhiều lần.

Bản thân ông Triệu Văn Kinh là cán bộ, đảng viên, là người ít nhiều có tiếng nói, có uy tín trong cộng đồng… không thể nói là hộ yếu thế. Tình trạng lấn chiếm rừng tự nhiên sản xuất để trồng quế ở Nậm Kịp chắc chắn không chỉ riêng các hộ đứng trong đơn, vì thế, việc tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp… chắc chắn sẽ phải tiếp tục được tiến hành trong thời gian tới. Trong đó, ưu tiên việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tự giác chấp hành; trường hợp cố tình chây ỳ sẽ bị xử lý; cây quế trồng vào rừng tự nhiên sản xuất phải bị nhổ bỏ.

Có thể nói, tình trạng lấn chiếm rừng tự nhiên sản xuất ở Nậm Kịp, Nậm Lành đã diễn ra phổ biến, kéo dài và rất khó xử lý. Từ thực tiễn này, xã Nậm Lành, lực lượng kiểm lâm cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật; cần có những giải pháp hữu hiệu giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên hiện có; cương quyết, công bằng xử lý những trường hợp lấn chiếm rừng để trồng quế, dựng lều lán trong rừng… Những trường hợp cố tình vi phạm, phải xử lý hình sự (điều tra, khởi tố và truy tố trước pháp luật)… bởi pháp luật phải được thực thi nghiêm minh.

Lê Phiên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/14/317163/viec-khieu-nai-ve-cuong-che-xam-lan-rung-tu-nhien-o-xa-nam-lanh-van-chan-phap-luat-phai-duoc-thuc-thi-nghiem-minh.aspx