Việc cưỡng chế nhà ông Lê Văn Điện có đúng quy định pháp luật?

Báo Kiên Giang vừa nhận đơn phản ánh của ông Lê Văn Điện (sinh năm 1954), trú tổ 2, ấp 6 Đình, xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang). Ông Điện cho rằng việc các cơ quan chức năng huyện An Biên và xã Nam Thái cưỡng chế tháo dỡ nhà, chặt hạ cây xanh, đập phá chậu kiểng của ông là chưa đúng quy trình và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

SỬ DỤNG ĐẤT TỪ NĂM 1987?

Theo nội dung đơn của ông Lê Văn Điện, ông có phần đất trên 1.000m2 tại tổ 2, ấp 6 Đình, xã Nam Thái, huyện An Biên. Nguồn gốc đất do ông nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Minh Giởn (đã mất) 96m2 vào năm 1987, phần còn lại được Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Nam Thái cấp vào năm 1989 là đoạn kênh Chống Mỹ cũ.

Quá trình sử dụng đất, ông Điện đã lấp kênh tôn tạo nền đất, cất nhà ở, làm ao nuôi cá trên phần kênh Chống Mỹ cũ, đắp con đường cặp với kênh và trồng các loại cây bóng mát từ năm 1987 đến nay. Ông nhiều lần gửi đơn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền công nhận cho gia đình ông được quyền sử dụng diện tích đất trên theo quy định của pháp luật, nhưng không được giải quyết.

Gia đình ông Điện là người có công với cách mạng (cha ông là liệt sĩ, bà nội là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ là thương binh, ông Điện là thương binh) nên cơ quan chức năng có chủ trương xây dựng nhà tình nghĩa cho ông trên phần đất ông đang sử dụng (vị trí làm nhà là phần con kênh san lấp ông làm ao nuôi cá).

Tuy nhiên, UBND xã Nam Thái yêu cầu ông Điện ghi nhận là đất công cho mượn, ông không đồng ý nên việc xây dựng nhà tình nghĩa dừng lại. Trên phần đất này, ngoài diện tích bị người khác lấn chiếm (trong đó có các ông Trương Ni Nông, Trần Đồng Khởi - nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Thái), số đất còn lại ông Điện đã cho hai con cất nhà ở, còn vợ chồng ông đi ở tạm nơi khác.

BỊ XỬ PHẠM HÀNH CHÍNH VỚI HÀNH VI LẤN, CHIẾM ĐẤT

Để có thu nhập nuôi gia đình, tháng 2-2021, ông Điện dựng tạm một căn lều lợp bằng nylon làm quán võng bán cà phê trên nền đất nói trên. Đến ngày 30-4-2022, do không có nơi ở nên vợ chồng ông cất một căn nhà tiền chế trên nền đất trước đây dự kiến xây dựng nhà tình nghĩa cho ông.

Ngày 24-5-2022, đoàn cưỡng chế của huyện An Biên đến cưỡng chế căn lều làm quán và tháo dỡ toàn bộ căn nhà, chặt toàn bộ cây trồng, đập trên 30 chậu trồng cây kiểng. Đoàn cưỡng chế còn tháo dỡ một căn nhà của con trai ông cất từ năm 2009, không nằm trong thông báo cưỡng chế.

Trao đổi về vấn đề trên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Thái - Lương Văn Năm cho biết, khu đất lòng kênh Chống Mỹ cũ và khu đất đường vào UBND xã Nam Thái hiện nay (sau khi múc kênh Chống Mỹ mới năm 1984), đường Chống Mỹ cũ bỏ trống chưa ai sử dụng.

Năm 1999, 2000 và 2001, ông Trương Ni Nông xin Thường trực Đảng ủy, UBND xã bơm đất lên. Đối với đường kênh Chống Mỹ cũ, sau khi được sự thống nhất của Thường trực Đảng ủy, UBND xã Nam Thái, ông Nông rủ thêm một số người hùn tiền để bơm đất. Mục đích bơm đất cho bằng phẳng để xin nền nhà, phần còn lại giao UBND xã quản lý. Từ năm 2001 đến nay, UBND xã Nam Thái không giao cấp cho ai.

Đến năm 2012, ông Trương Ni Nông vào chiếm, cuốn nền xây nhà ở có chiều ngang 8m, dài 5m. UBND xã Nam Thái tiến hành lập biên bản, không cho phép ông Nông cất nhà, từ đó khu đất này bỏ trống, không ai sử dụng. Đến tháng 12-2021, ông Lê Văn Điện tiến hành bơm cát.

Nhà của ông Lê Văn Điện đã bị cưỡng chế, tháo dỡ.

Nhà của ông Lê Văn Điện đã bị cưỡng chế, tháo dỡ.

Theo đồng chí Lương Văn Năm, việc ông Điện bơm cát lên khu đất lòng kênh Chống Mỹ cũ và cho rằng ông được UBND xã Nam Thái cấp từ năm 1989 là không đúng thực tế. Vì, ông Điện không có giấy tờ được UBND xã Nam Thái cấp năm 1989 mà chỉ có giấy xác nhận năm 2000 của ông Lê Thanh Bình - nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Thái tại thời điểm năm 1990, nhưng thời điểm này ông Bình đã nghỉ việc.

Mặt khác, từ năm 1989 đến trước tháng 12-2021, ông Điện không có quá trình sử dụng đối với khu đất này. Bởi những năm 1999 đến 2001, ông Trương Ni Nông bơm đất lên khu đất, ông Điện không ngăn cản hay tranh chấp.

Đối với khu đất đường vào UBND xã Nam Thái hiện nay, trước năm 2010, đường cũ ngang 1,5m. Đến năm 2010, UBND xã tiến hành mở rộng đường mới dính phần cột điện và nhà của ông Lê Văn Điện nên điều chỉnh ra phía.

Năm 2011, ông Điện chiếm diện tích 26,52m2 (diện tích đo đạc thực tế 47,42m2) trên nền đường cũ để cất nhà cho Lê Quốc Nam. UBND xã Nam Thái lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực đất đai đối với ông Điện. Từ đó ông Lê Quốc Nam vẫn tiếp tục sử dụng.

“Việc ông Lê Văn Điện chiếm đất cất nhà cho con, cất lều quán trên phần đất đường vào xã (cũ) là vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 9, Nghị định số 105/2009/NĐ-CP, ngày 11-11-2009 và điểm a, khoản 4, Điều 14, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”, đồng chí Lương Văn Năm khẳng định.

VIỆC CƯỠNG CHẾ PHẢI THỎA MÃN CÁC ĐIỀU KIỆN CƯỠNG CHẾ

Về vấn đề trên, luật sư Đoàn Công Thiện - nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang cho rằng, trước hết cần xác định nguồn gốc phần đất của ông Lê Văn Điện đang quản lý sử dụng. Theo các văn bản xác nhận của những người từng giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Thái cùng các cán bộ khác và người dân sống trong khu vực thì ông Điện ở trên đất từ năm 1987.

Đến năm 1989, ông Điện được Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ cấp đất cho ông chiều ngang 16m, dài 50m, đó là một đoạn kênh Chống Mỹ không còn sử dụng. Ông Điện đã bồi lấp làm nhà ở, trồng cây từ 20, 30 năm về trước.

Theo quy định tại các Điều 99, 100, 101, Luật Đất đai năm 2013, phần đất của ông Lê Văn Điện đang sử dụng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu không nằm trong quy hoạch vào mục đích công cộng hoặc không có tranh tranh chấp).

Trường hợp đất ông Điện đang sử dụng nằm trong quy hoạch vào mục đích công cộng quy định tại Điều 69, trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quyết định thu hồi đất; thực hiện bồi thường giá trị đất và tài sản gắn liền với đất; bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất…

Chỉ khi nào cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên mà người sử dụng cố tình không chịu giao đất thì mới có quyền cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 (để thực hiện quyết định thu hồi đất) hoặc Điều 70 (để thực hiện kiểm đếm bắt buộc). Việc cưỡng chế phải được ban hành bằng một quyết định khi thỏa mãn các điều kiện cưỡng chế và thực hiện đúng trình tự.

Bài và ảnh: TRƯƠNG VŨ

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//ban-doc/viec-cuong-che-nha-ong-le-van-dien-co-dung-quy-dinh-phap-luat-10940.html