Vị vua nào đổi tên Thăng Long thành Hà Nội?

Khi Thăng Long không còn là kinh đô, nơi đây được cho xây dựng thành mới, mang tên Bắc thành. Nhiều năm sau, Thăng Long được đổi tên thành Hà Nội.

1. Vị vua nào đổi tên Thăng Long thành Hà Nội?

Minh Mạng
Duy Tân
Gia Long
Tự Đức

Chính xác

Năm 1802, Gia Long quyết định đóng đô ở tại nơi cũ là Phú Xuân (Huế), không ra Thăng Long và đổi kinh thành Thăng Long làm trấn thành miền Bắc. Do Thăng Long không còn là kinh đô, vua cho xây dựng thành mới, mang tên Bắc thành, có quy mô nhỏ hơn nhiều so với thành Thăng Long.

Năm 1831, vua thứ hai của nhà Nguyễn là Minh Mạng đem kinh thành Thăng Long cũ hợp với mấy phủ huyện xung quanh như huyện Từ Liêm, phủ Ứng Hòa, phủ Lý Nhân và phủ Thường Tín lập thành tỉnh Hà Nội, lấy khu vực kinh thành Thăng Long cũ làm tỉnh lỵ của Hà Nội

2. Hà Nội trở thành thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào năm nào?

1975
1976
1977
1978

Chính xác

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất toàn vẹn, tháng 7/1976, tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa VI, Quốc hội thống nhất quyết định lấy Hà Nội là thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm 1999, Hà Nội đã được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. vào ngày 16 tháng 7 năm 1999. Đến năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tặng thưởng thành phố Hà Nội danh hiệu “Thủ đô anh hùng”.

3. Tên gọi Thăng Long xuất hiện mấy lần trong những tên gọi chính quy của Hà Nội?

1
2
3
4

Chính xác

Tên gọi Thăng Long xuất hiện hai lần trong những tên chính quy của Hà Nội nhưng lại mang hai ý nghĩa khác nhau. Thăng Long với ý nghĩa “rồng bay lên” xuất hiện năm 1010, do vua Lý Thái Tổ đặt khi dời đô từ Hoa Lư về đây. Đến năm 1805, vua Gia Long cũng đặt tên Hà Nội là Thăng Long nhưng với ý nghĩa là “Thịnh vượng lên”.

Sách Lịch sử thủ đô Hà Nội viết, sau khi đổi kinh thành Thăng Long làm trấn thành miền Bắc, vì tên Thăng Long đã có từ lâu đời, quen dùng trong nhân dân toàn quốc, nên Gia Long thấy không tiện bỏ đi ngay mà vẫn giữ tên Thăng Long, những đổi chữ “Long” là “rồng” thành chữ “Long” là “thịnh vượng”, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ “Long” là “rồng”. Việc thay đổi này diễn ra vào năm 1805, sau đó vua Gia Long còn hạ lệnh phá bỏ hoàng thành cũ, vì vua không đóng đô ở Thăng Long mà hoàng thành Thăng Long lại lớn rộng quá.

4. Hà Nội có tên gọi đầu tiên trong lịch sử là gì?

Long Đỗ
Tống Bình
Đại La
Đông Quan

Chính xác

Theo sách Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long, năm 1397, dưới thời vua Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly nảy sinh ý định truất ngôi nhà Trần nên muốn dời đô về đất An Tôn, Phủ Thanh Hóa.

Lúc này, vị quan Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can rằng: “Ngày xưa, nhà Chu, nhà Ngụy dời đô đều gặp điềm chẳng lành. Nay đất Long Đỗ có Núi Tản Viên, có sông Lô Nhị (sông Hồng ngày nay), núi cao sông sông, đất phẳng lại rộng rãi”.

Ngoài ra, cũng có truyền thuyết kể rằng vào năm 866, Cao Biền đắp thành Đại La, thấy thần nhân xuất hiện, tự xưng là Thần Long Đỗ. Vì vậy, sử sách thời đó thường gọi đất Thăng Long là Long Đỗ.

5. Hà Nội đã trải qua bao nhiêu tên gọi chính quy?

8
10
12
14

Chính xác

Từ khi hình thành đến nay, Hà Nội có nhiều tên gọi. Cuốn Địa danh và chủ quyền lãnh thổ nêu 10 tên gọi chính quy của Hà Nội gồm: Long Đỗ, Tống Bình, Đại La hay Đại La Thành, Thăng Long (rồng bay lên), Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành, Thăng Long (thịnh vượng lên), Hà Nội.

Ngoài ra, Hà Nội còn có một số tên gọi không chính quy như Trường An, Long Biên, Long Thành…

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-vua-nao-doi-ten-thang-long-thanh-ha-noi-2227920.html