Vị tướng xuất thân nhà báo: Bùi Cát Vũ

Cách đây vừa tròn 40 năm có một vị tướng Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 đã chỉ huy cánh quân tình nguyện Việt Nam đầu tiên tiến vào giải phóng Phnôm Pênh, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Vị tướng ấy vốn xuất thân là một cậu bé bán báo rồi viết báo ở Sài Gòn trước khi gia nhập quân đội trở thành sĩ quan cao cấp, đồng thời cũng là nhà văn. Đó chính là Bùi Cát Vũ, một trong những nhân vật tiêu biểu của quân đội và báo chí, văn học Việt Nam đương đại.

Thiếu tướng, nhà văn Bùi Cát Vũ

Thiếu tướng, nhà văn Bùi Cát Vũ

Vừa chỉ huy tiến quân vừa ghi chép và viết ký sự

Đầu năm 1979, ngay sau khi chỉ huy Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 4 đánh tan quân Khmer Đỏ, tiến vào giải phóng thủ đô Phnôm Pênh, giúp nước bạn láng giềng Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng tàn khốc, thiếu tướng Phó Tư lệnh Bùi Cát Vũ đã tranh thủ lúc rảnh rỗi viết ngay thiên ký sự Đường vào Phnôm Pênh và gửi về đăng nhiều kỳ trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Nhiều tư liệu quý từ cuộc chiến này đã được cây bút tài hoa ghi lại, chia sẻ một cách trung thực, khách quan và đầy cảm xúc. Chẳng hạn như bản nghị quyết của chế độ Pol Pot coi Việt Nam là “kẻ thù số 1” do một sĩ quan hàng binh Khmer Đỏ trao lại, trong đó có những nhận định, đánh giá, kế hoạch tấn công của họ đối với đất nước chúng ta.

Nhờ tác phẩm Đường vào Phnôm Pênh của Bùi Cát Vũ mà người đọc kịp thời hiểu sâu hơn tình hình bi thương của xứ sở Ăngkor cũng như hành trình vượt qua thử thách ác liệt, tinh thần chiến đấu quả cảm và nhân văn của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Hãy cùng vị tướng cảm nhận: “Thành phố Phnôm Pênh rộng đến 20km vuông, trước đây có gần hai triệu dân sinh sống. Pol Pot cho rào tất cả các đường ngang ngõ tắt chỉ chừa lại mấy đại lộ chính. Xóa bỏ đô thị tất nhiên là Pol Pot cũng bỏ tên đường phố… Nhà cửa phố xá bỏ hoang lẩn lút trong những vườn chuối và cây ăn quả cỏ dại mọc um tùm tạo thành những khu vực địa hình phức tạp rộng bát ngát. Đi giữa thành phố Phnôm Pênh chiều nay, tôi có cảm tưởng như là một thành phố phương Tây ngủ sớm trong mùa lạnh. Tôi lại tưởng tượng đến một thành phố bị bom neutron mà đế quốc Mỹ gọi là bom sạch. Lạ lùng quá, dù đã nghe Pol Pot - Iêng Sary đuổi dân đi khỏi Phnôm Pênh hồi tháng 4 năm 1975! Rùng rợn quá, dù đã biết thành phố Phnôm Pênh là thành phố chết”.

Ở một đoạn khác ông cho biết một cách giản dị mà sâu sắc về cách ứng xử văn hóa của quân tình nguyện Việt Nam trước các công trình nghệ thuật và cơ sở vật chất của đất nước bạn như chính của Tổ quốc mình: “Hồi trưa này tôi nghe đồng chí trợ lý tác chiến về báo cáo lại một trường hợp tương tự như thế của một đại đội thuộc Trung đoàn 12, vây bắt địch mà không dùng B40, ĐKZ bắn vào Đài Độc Lập. Chiến sĩ ta đã không tiếc máu mình để bảo vệ những công trình lao động nghệ thuật, những phố phường trống hoang cho nhân dân bạn đỡ phần vất vả sau này”.

Thiên ký sự Đường vào Phnôm Pênh của chiến tướng - nhà văn Bùi Cát Vũ đã ghi dấu ấn tài năng của một tay súng tay bút mang đậm phong cách Nam Bộ. Trong phần cuối của tác phẩm mang hơi thở chiến trường này, ông còn xác tín: Mỗi một bước đi trên đất nước bạn, chúng tôi càng khẳng định tính chất chính nghĩa của công việc mình làm. Đến đây tôi lại nhớ lời quyết tâm của chiến sĩ Binh đoàn trước ngày khởi đầu chiến dịch phản công chiến lược 23 tháng 12 năm 1978: “Nếu phải đổi lấy việc ta làm hôm nay bằng mười kiếp sống, thì chúng tôi cũng xin sẵn sàng”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đánh giá cao thiên ký sự Đường vào Phnôm Pênh cũng như tự truyện Gió bụi Sài Gòn viết cho thiếu nhi sau này của thiếu tướng - nhà văn Bùi Cát Vũ. Và chính nhờ sự giới thiệu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, mà cách đây 15 năm tôi đã tìm ra nhà riêng của ông bên sông Sài Gòn ở bán đảo Thanh Đa - Bình Quới để được nghe ông tâm tình về hành trình cuộc đời phong phú hiếm có của mình.

Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 bên bờ sông La Ngà trước khi bước vào trận đánh Xuân Lộc 4/1975

Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 bên bờ sông La Ngà trước khi bước vào trận đánh Xuân Lộc 4/1975

Tuổi hoa niên gió bụi Sài Gòn

Thiếu tướng Bùi Cát Vũ cho biết ông làm báo, viết văn từ hồi còn thiếu niên, mà làm cách mạng, làm người lính cũng rất sớm. Tay súng tay bút, trên mỗi chặng đường chiến đấu ông đều mải mê viết. Thời gian ở trong rừng, nhất là mỗi dịp xuân về Tết đến, ông đều có bài viết được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam. Nhờ vậy mà ông đã xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị mang tính thời sự báo chí và giàu chất văn chương như Quê hương, Đường vào Sài Gòn, Trong rừng sâu chiến khu Đ, Đường vào Phnôm Pênh, từng được giải thưởng cao nhất của văn học quân đội.

Tâm sự với chúng tôi, thiếu tướng - nhà văn Bùi Cát Vũ nói rằng: “Mỗi tác phẩm được đến với độc giả, thính giả đối với tôi là một tấm huân chương chiến công thầm lặng. Khi đứng trước những sự kiện lịch sử lớn lao của nhân dân, của bản thân mình, tôi nghĩ rằng đến cây gỗ mục cũng phải rung động huống chi tôi là con người, mà lại là người biết viết, ham viết nữa! Cái máu ấy nó đeo đẳng tôi từ thuở nhỏ. Mà những cái hay, cái đẹp của con người, của đất nước, của tình đồng đội, nếu không viết thì không ai biết và cũng chẳng để lại được gì cho đời sau”.

Từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi rời quê hương Trà Vinh lên Sài Gòn đi phát hành báo Dân Chúng, Bùi Cát Vũ đã tập viết báo viết văn. Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ngắn Phía sau ánh đèn điện viết năm mới 15 tuổi, được nhà báo Trần Thanh Mại góp ý sửa chữa đổi tựa thành Gió bụi Sài Gòn và đăng trên báo Dân Chúng. Từ nguồn cảm hứng ấy, về sau khi đã về hưu, ông cảm thấy rất cần sách văn học cho thiếu nhi nên đã viết một cuốn truyện cũng lấy tên là Gió bụi Sài Gòn và được Giải thưởng Cuộc thi Văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Trẻ, rồi lại được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993.

Thực chất Gió bụi Sài Gòn là một cuốn tự truyện viết về tuổi thơ gian khó với những ngày tháng lang thang bán báo, viết báo viết văn của Bùi Cát Vũ ở Sài Gòn. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Trà Vinh, sớm mồ côi cha, ba anh em ông được người mẹ làm thuê cuốc mướn nuôi nấng ăn học. Học xong ở trường làng, ông thi tiểu học đỗ đầu tỉnh, được học bổng năm đồng tiền Đông Dương mỗi tháng. Do quên khai sinh, nên đứa em kế khai cùng tuổi với ông, như anh em sinh đôi, nhưng kỳ thực thì nhỏ hơn một tuổi. Và người em cũng thi đậu cùng lớp với ông nhưng không có học bổng. Hai anh em ở trọ trong một ngôi chùa, quét lá, tụng kinh gõ mõ để có cơm ăn học. Còn tiền học bổng năm đồng để dành sắm quần áo, sách vở, bút mục. Học hết ba năm, lãnh bằng sơ học Pháp - Việt, ông thi vào trường trung học ở Mỹ Tho, được học bổng toàn phần…

Từ đây, Bùi Cát Vũ vừa học tập vừa làm thêm để tự kiếm sống, trải qua nhiều nghề khác nhau. Trước khi tập làm báo ở Sài Gòn, ông lang thang khắp nơi, không nhà không cửa, ngủ gầm cầu, vỉa hè, làm phụ hồ, bán báo... Ông cho biết dù chỉ tham gia làm báo một thời gian ngắn nhưng nó rất quan trọng đối với cuộc đời mình. “Tôi được sống và viết lách chung với những bậc thầy như Nguyễn Văn Nguyễn, Trần Thanh Mại. Tôi học được ở các vị ấy rất nhiều, từ cách lấy tin tức, đến viết phóng sự, truyện ngắn... Rồi khi tờ báo Dân Chúng bị đóng cửa, vào tù, tôi được tiếp xúc với nhiều bậc trí thức lớn nữa như: Nguyễn An Ninh, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu... Mặc dù có những quan điểm khác nhau, nhưng đó là những trí thức yêu nước chân chính, biết được nỗi nhục mất nước và tìm kiếm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc”.

Bị bắt bỏ tù cùng với các đồng nghiệp của tờ báo yêu nước Dân Chúng, Bùi Cát Vũ nhờ sự bênh vực của luật sư Trịnh Đình Thảo và trạng sư Loye người Pháp chuyên cãi không tiền cho những người làm cách mạng, ông được tại ngoại hầu tra, buộc về quê quán quản thúc chờ ngày xử án. Sau đó, thông qua nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn, nhà cách mạng Dương Quang Đông đã liên lạc với Bùi Cát Vũ cùng hoạt động bí mật. Đó là thời điểm sau Nam Kỳ khởi nghĩa. Đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Dương Quang Đông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Sóc Trăng, Nguyễn Duy Khâm làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh, còn Bùi Cát Vũ làm Giám đốc Cộng hòa vệ binh. Quân Pháp nổ súng tái chiếm Nam Bộ, ông lại lên Sài Gòn, Biên Hòa bắt liên lạc với chiến khu Đ của tướng Nguyễn Bình và Huỳnh Văn Nghệ, tham gia chỉ huy các lực lượng vũ trang suốt các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và giúp nước bạn Campuchia.

Bùi Cát Vũ sinh năm 1924 ở xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Thời chống Pháp, ông sát cánh cùng Huỳnh Văn Nghệ trực tiếp chỉ huy trận La Ngà lừng danh lịch sử; rồi là Tư lệnh Pháo binh, Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 thời chống Mỹ cùng với tướng Hoàng Cầm chỉ huy trận quyết chiến Xuân Lộc mở toang “cánh cửa thép” cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tham gia chỉ huy Quân đoàn 4 sang giúp nước bạn Campuchia rồi trở về nước nhận nhiệm vụ Phó Tư lệnh Quân khu 7. Ông được đồng đội quý mến đặt cho các biệt danh “Võ Tòng chiến khu Đ” hay “Trùm đại bác Đông Dương”.

Là tướng chiến trường, tiến sĩ khoa học quân sự, Bùi Cát Vũ đồng thời còn là nhà báo, nhà văn với nhiều tác phẩm giá trị đứng lâu bền trong lòng bạn đọc. Vào tháng 3/2002, thiếu tướng, nhà văn Bùi Cát Vũ qua đời tại TP Hồ Chí Minh, để lại một sự nghiệp nhiều dấu ấn đáng trân trọng về khoa học, nghệ thuật quân sự và sáng tác văn học. Tên ông xứng đáng đặt cho các con đường và trường học tại những nơi mà ông từng gắn bó, cống hiến để giáo dục thế hệ sau.

PHAN HOÀNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/89/222966/vi-tuong-xuat-than-nha-bao--bui-cat-vu.html