Vì tình nên phải đi trăng về mờ

Sống trên đời, không ai muốn rơi vào tình trạng một mình một bóng. Tẻ nhạt lắm. Buồn tẻ lắm. Phải có đôi. Không thể đơn chiếc. Từ thời xửa thời xưa, từ cái thời ông Sơn Tinh - Thủy Tinh cùng mê đắm cô Mỵ Nương đã thế.

Lúc ấy, "Nhưng có một nàng mà hai rể/ Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều" (Nguyễn Nhược Pháp). Nói như ngôn ngữ thời @ ắt là "hơi bị nhiều". Vua Hùng nói đúng, trong trường hợp này chỉ cần một, chọn lấy một. Câu chuyện này, còn dài, xin không thể tiếp, chỉ biết rằng, sự đời éo le ghê, có khi tưởng là không, lại có; có khi tưởng có, lại bù trấc! Thì đây, có ngày dọn lòng bằng cách đọc sách. Đọc vẩn vơ. Đọc giết thời gian. Đọc từ những quyển sách cũ rích cũ rơ, cũ mềm, in đã lâu. Kìa, kìa, cô Hai mình ơi, nào ngờ bắt được đoạn ca dao này cực hay. Lâu nay, chưa thấy phổ biến nhiều. Hay lắm. Cha chả là hay.

Con vịt nó kêu "cặp cặp"

Nó kêu không hồi không chặp

Nó kêu khắp cả dòng sông

Nó kêu đào hoa giang thượng tương chiếu hồng

Kêu trai chưa vợ, gái chưa chồng thành đôi

Đành rằng nước chảy bèo trôi

Tuy rằng nó kêu "cặp" nhưng mồ côi một mình.

Cặp là đôi, là hai, "Hai vật, hai cá thể đi đôi với nhau thành một thể thống nhất: Cặp mắt, cặp môi", theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999). Trong tiếng Việt, có những con vật thường được gộp chung thành cặp như gà vịt, chó mèo, gấu ó, cóc nhái, chim chuột… Vậy, nghe lời thở than ấy của con vịt, rằng, tưởng đã có đôi có cặp nhưng ngờ đâu vẫn lẻ, vẫn "mồ côi một mình" thì con gà kêu làm sao?

Con gà nó kêu "chiếc chiếc"

Nó kêu như tha như thiết

Nó kêu riết cả năm canh

Nó kêu giang đầu lưu thủy bất vị thanh

Trời kia sao khéo để duyên lành nhởn nhơ

May mô hội ngộ tình cờ

Tuy rằng nó kêu "chiếc" nhưng bây chừ thành đôi.

Ảnh: L.G

Ảnh: L.G

Trái nghĩa với cặp/ đôi không chỉ lẻ, còn là chiếc. Có một điều thú vị, khi trai và gái, nữ và nam, âm và dương đi tìm nhau, ít khi họ hò hẹn ban ngày ban mặt, thường là lúc nhọ nhem tối trời, cũng có thể bấy giờ trăng đã lên, gió đã mát, thanh vắng yên tĩnh, có thể mới thuận lợi trao duyên, gặp gỡ. Thế thì, trộm nghĩ, cái thời trai trẻ hoa mộng, bay bướm ấy, ai lại không từng thân thiết, có cảm tình với bóng trăng? Vâng, ạ. Ai đó kìa, có phải là chính mình đấy không? Bấy giờ, đã khuya. Dù câu chuyện vẫn nồng. Tình vẫn ấm. Lại bịn rịn chia tay. Nàng ứ chịu, tỏ vẻ nghi ngờ:

Nhứt nhựt bất kiến như tam thu hề

Tới thăm em, sao vội ra về

Hay là lập kiểng, trồng huê nơi nào?

Ai đã cất lên tiếng nói da diết, tha thiết như năn nỉ, như ỉ ôi thật lòng, thật bụng:

Nhứt nhựt bất kiến như tam thu hề

Thăm em một chút, anh lộn trở về

Kẻo mà trăng lặn, tứ bề núi non

Nghe thương quá. Ai lại không thương thời tuổi trẻ của mình? Trong sáng lắm. Đáng yêu lắm. Lúc ấy, ai lại không có lúc thốt lên:

Ai mua trăng tôi bán trăng cho

Không bán đoàn viên, ước hẹn hò

Câu thơ của Hàn Mặc Tử quá nổi tiếng, không cần giải thích gì thêm. Dừng lại một chút, cô Hai nhá, dám nói rằng, ai cũng biết rằng, đôi lúc thơ văn cổ điển lại dùng nhiều từ Hán - Việt cũng nhằm chỉ trăng, chẳng hạn, gương Nga, Hằng Nga, chị Hằng, ả Hằng, chị nguyệt, mặt nguyệt, cung thiềm, cung quảng, cung quế... Ca dao có câu:

Bắt thang lên đến cung mây

Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời?

Cung mây cũng là trăng/ mặt trăng. Với từ trăng ngỡ dễ hiểu nhưng tưởng là tưởng thế, lắm lúc ta cũng ngắc ngứ. Chẳng hạn khi đọc câu thơ của Học Lạc (1842-1915):

Hóa ở An Nam, lứ khách trú

Trăng trói lăng xăng nhau một lũ

"Hóa": tôi (do từ Hán - Việt "ngã") cũng viết quá/ ngóa; "lứ": anh (do từ Hán-Việt "nễ") giọng Triều Châu. Trăng trói là cái gì mới được chứ? Chính là kẻ đó mang trăng và bị trói. Ông Paulus Của (1895) giải thích: "Trăng: Ván khoét cổ áo, hai tấm ráp lại, thành cái lỗ để đóng chơn kẻ có tội". Thiết nghĩ, không những đóng chơn/ chân mà còn dùng đút vào cổ phạm nhân nữa, hết đường cựa quậy. Hiểu rộng ra là kẻ đó bị bó buộc, hành hạ. Nói cách khác, trăng trói là "đồ để mà buộc trói, giam cầm kẻ có tội", không những thế, “Đại Nam quấc âm tự vị” còn cho biết thêm đôi từ khác cùng nghĩa, nay hoàn toàn mất dấu vết: dện trăng, ních trăng.

Thậm chí, ngày nay, chẳng mấy ai sử dụng trăng trói nữa, nếu cần, dùng gông cổ, cùm chân vẫn thông dụng, dễ hiểu hơn. Chẳng hạn, lúc tại nhà chị Dậu, lão Chánh hộ vểnh bộ mặt hách dịch hăm he Lý cựu: "Ừ đấy! Quyền tôi được thế! Quan sức cho tôi "hiệp dữ Lý trưởng" thôi đốc vụ thuế năm nay, người nào gai ngạnh tức là "hãn trở thuế sự", tôi gông cổ lại cho mà xem!".

Trong tiếng Việt có sự phân biệt "bên khinh bên trọng" khi nói về mặt trăng - mặt trời chăng? Với trời/ mặt trời nghiễm nhiên được gọi bằng "ông" cực kỳ kính nể, trong khi đó mặt trăng chỉ… xếp xuống hạng "con"! Chẳng hạn, về thời điểm đầu - giữa - cuối trong một tháng có cách gọi đầu con trăng - giữa con trăng - cuối con trăng; hết một tháng gọi mãn con trăng; hoặc gọi một năm là mười hai con trăng.

Tôi xa mình chưa mấy con trăng

Nhà hư cột gẫy nhện giăng tứ bề

Nói thì nói thế, đùa thế thôi, "con trăng" ấy, nếu cần thì cũng được gọi bằng… ông, chẳng hạn, có câu đồng dao: "Ông trẳng, ông trăng/ Xuống chơi ông chánh/ Ông chánh cho mõ/ Xuống chơi nồi chõ/ Nồi chõ cho vung…". Nào riêng gì con trẻ, ngay cả người lớn cũng lễ phép: "Ông trăng mà lấy bà trời/ Tháng năm đi cưới, tháng mười nộp cheo". À, thì ra… giới tính của trời/ mặt trời khó xác định thiệt, lúc gọi ông khi gọi bà, thật ngộ! Ngày trước, nhà thơ Tản Đà viết:

Bờ Hồ những gió cùng giăng

Những giăng cùng gió lăng nhăng sự đời

Ta hiểu rằng, giăng cũng là cách phát âm về trăng. Giữa GI và TR đôi lúc hoán đổi cho nhau nhau, chẳng ai phàn nàn gì, "Bắt thang lên hỏi ông giời/ Vì ai giăng gió cho người gió giăng" v.v… Nếu đứng riêng biệt, "giăng" là gì? “Đại từ điển tiếng Việt” giải thích: "1. Làm cho căng thẳng ra theo bề dài hoặc theo mọi hướng trên bề mặt: giăng dây; con nhện giăng tơ, giăng bẫy. 2. Bủa ra khắp nơi như giăng lưới: mưa giăng kín bầu trời".

Từ giăng ấy, theo “Việt ngữ chính tả tự vị” (NXB Thanh Tân - 1959) của nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ, còn có nhiều cách nói cùng nghĩa: găng/ căng/ giăng < trương (tr.185). Thậm chí ở mục "căng" ông cũng cho rằng: căng/ giăng/ chăng/ chằng/ giương < trương (tr. 35). Thế thì một khi nói, chẳng hạn, "Nhà hàng X vừa giăng/ căng/ trương bảng hiệu" thì nghĩa cũng không khác. Hoặc ca dao này, có hai cách ghi nhận:

Buồn trông con nhện chăng tơ / giăng tơ

Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?

Lại có câu:

Ngó lên sao mọc như giăng

Thấy em có nghĩa mấy trăng cũng chờ

Chờ đến cỡ nào? Ca dao Nam Bộ có câu: "Chờ em cho mãn kiếp chờ/ Chờ cho rau muống vượt bờ trổ bông". Sự chờ đợi trong khoảng thời gian xa cách ấy, đến nay, tôi chưa tìm được cách nói nào ghê gớm hơn, ấn tượng hơn, chỉ nghe/ đọc một lần là nhớ, đã như tạc trong óc, đã hằn vết theo năm tháng. Sở dĩ như thế lại còn do một từ, vâng, chỉ một từ cực kỳ đắc địa, đố ai có thể thay đổi bằng từ khác. Đố đấy. A, lớn lối rồi nghen. Khiêm tốn một chút xem nào. Dạ. Câu ca dao này như thế này:

Xa em đã mấy thu tròn

Nhớ em, anh khóc đã mòn con ngươi

Thế nào cô Hai? Tâm phục khẩu phục rồi chứ gì? Tất nhiên. Nào ai dám thay đổi từ "mòn" ấy. Mà, đã khóc ắt nước mắt/ giọt châu/ giọt lệ rơi/ nhỏ/ rớt/ lăn là lẽ thường tình. Nó nhỏ xuống đâu? Thiệt tài tình, lắt léo khi người nông dân chân lấm tay bùn ở miền Nam nước Việt cho biết:

Hột châu nhỏ xuống kẹt rào

Thò tay em lượm, phụ mẫu chào, em buông

Nghe ra hóm hỉnh, lém lỉnh ra phết. Rút kinh nghiệm vừa lớn tiếng, xin hỏi nhỏ, ai có thể thay thế từ "kẹt" này không? "Kẹt: 1. Khe hở, kẽ hở: Kẹt ván, dòm qua kẹt vách; 2. Hóc, xó, góc: Kẹt tủ, núp trong kẹt; 3. Bị, lúng túng, nhiều trắc trở khó khăn: Kẹt quá, không biết trả lời ra làm sao, kẹt tiền" - theo “Từ điển phương ngữ Nam Bộ” (NXB TP. Hồ Chí Minh - 1994) do Nguyễn Văn Ái chủ biên. Kẹt trong câu nói ác liệt trên thuộc nghĩa 1.

Trở lại với từ trăng, ai cũng nhớ đến câu "Có trăng quên đèn" nhằm chê trách những ai vong tình, bội nghĩa; "Có mới nới cũ", "Có bát sứ tình phụ bát đàn", "Có lê quên lựu" là không thủy chung sau trước. Đèn thì sáng, tất nhiên trăng cũng sáng.

Vì chuôm nên cá béng đăng

Vì tình nên phải đi trăng về mờ

Với từ "mờ" và "trăng", tự bản thân nó cho thấy sự đối ngược giữa lúc đi/ khi về. Tuy nhiên, nếu ta chỉ hiểu đơn giản như vậy ắt nó cũng như mọi câu vần vè khác, không có gì đáng bàn. Sự độc đáo ở đây trái ngược với sáng (trăng), không hẳn trăng (mờ) mà mỗi một từ "mờ" đã kín đáo gợi cho ta biết lúc về, chủ thể đã diễn ra một "quan hệ" chung chạ nào đó. Dám quả quyết vì sự việc xảy ra rành rành với từ "mờ" đa nghĩa, chứ không còn úp úp mở mở gì nữa.

Đồng nghĩa với trăng sáng là trăng tỏ, trái nghĩa với trăng mờ: "Trăng mờ tốt lúa nỏ, trăng tỏ tốt lúa sâu" - là kinh nghiệm ngàn đời về trồng lúa của người Việt: Lúa nỏ là lúa cấy ở ruộng cao, lúa sâu tức lúa chiêm cấy ở ruộng trũng.

Trăng mờ còn tỏ hơn sao

Núi tuy rằng lở còn cao hơn gò

Nếu cần vẫn có cách nói khác:

Trăng lu vì bởi đám mây

Đôi ta cách trở bởi dây tơ hồng

Lu là mờ/ lu mờ, không tỏ, không rõ. Mà mờ cũng chẳng khác gì lờ mờ, không sáng tỏ, nói tắt là lờ:

Trăng lên khuất núi con trăng lờ

Tiếng em ở chợ sao khờ bán buôn?

Đọc Truyện Kiều, ta gặp câu thơ:

Trăng già độc địa làm sao

Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên

Trăng già ấy, ca dao cũng có câu:

Trăng bao nhiêu tuổi trăng già

Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?

Ai cũng thừa nhận rằng, "non" trong "núi non" là sự chơi chữ, đối lập với "già" của "trăng già" ở vế trước. Có phải trăng già trong cả hai câu này cùng nghĩa? Không hề, câu thơ Kiều dùng để chỉ nguyệt lão do điển tích ông già ngồi dưới trăng lấy tơ xe duyên vợ chồng, còn gọi ông tơ. Mà ông tơ xe duyên đôi lúc cũng ba chớp ba nháng, ba xí ba tú, ca dao Nam bộ có câu thiệt hay:

Quất ông Tơ kêu cái trót, ổng nhẩy tót lên ngọn bần

Bảo ổng xe mối chỉ ba bốn lần, ổng hổng chịu xe

Đáng đời chưa? Còn trăng già ở câu ca dao là nói đến trăng rằm, trăng mười sáu, đầy đặn.

Lê Minh Quốc

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/vi-tinh-nen-phai-di-trang-ve-mo-i665122/