Vì sao Việt Nam khó trợ giá xăng như Malaysia?

Giá xăng nhập khẩu hiện vẫn đứng mức cao nên giá xăng trong nước khó có cơ hội giảm giá trong kỳ điều chỉnh 21-6.

Nhờ vào trợ giá với số tiền tỉ USD và không tính thuế phí đã giúp giá xăng trong nước của Malaysia ổn định ở mức 11.000 - 13.000 đồng/lít suốt thời gian dài bất chấp giá dầu thô toàn cầu tăng cao.

Trong khi đó, với 44% thuế phí có trong xăng và áp lực giá xăng nhập khẩu liên tục tăng cao đã đưa giá xăng Việt Nam leo cao một cách kỷ lục là 32.370 đồng/ lít (xăng A95).

Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT VIệt Nam cho biết, không chỉ Malaysia mà một số quốc gia khác cũng có trợ cấp về tiêu dùng xăng dầu như Indonesia, Ghana và một số quốc gia có nguồn tài nguyên này.

Các nước phương Tây có câu thành ngữ “Không có bữa trưa nào là miễn phí cả”, điều này cũng tương tự với chính sách trợ giá xăng dầu.

Chính sách này không phải là miễn phí hoàn toàn đối với nền kinh tế. Việc trợ giá xăng dầu có thể làm cho người dân cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn trong tức thì.

Tuy nhiên, người dân hoặc con cái của họ sẽ là người phải gánh chịu hậu quả trong tương lai. Hậu quả trong dài hạn thì thường khó thấy hơn lợi ích ngắn hạn.

"Nhà nước dùng tiền ở đầu để trợ giá? Đương nhiên là Ngân sách Nhà nước. Hãy xem ngân sách nhà nước là một miếng bánh. Nếu Nhà nước cắt một miếng bánh to để trợ giá xăng dầu thì thị phần cho những chi tiêu còn lại như giáo dục, y tế, quốc phòng sẽ bị thu hẹp lại.

Nếu Ngân sách không đủ thì nhà nước phải đi vay để trợ giá. Ai là người sẽ trả nợ vay? Chính là người dân trong tương lai – con cái của chúng ta bây giờ", Tiến sĩ Bùi Duy Tùng đặt vấn đề.

Ông Tùng cũng cho hay, trong một nghiên cứu mới nhất, các nhà kinh tế học Malaysia chỉ ra rằng chính sách trợ giá xăng dầu tại quốc gia này đang tạo một gánh nặng lên chính sách tài khóa tại đây.

"Thâm hụt tài khóa tại Malaysia sẽ trở nên không bền vững (có nguy cơ vỡ nợ) nếu chính phủ tăng các khoản nợ vay để trợ giá xăng dầu. Nghiên cứu cũng khuyến nghị chính phủ Malaysia nên loại bỏ chính sách trợ giá để ổn định kinh tế vĩ mô", ông Tùng nói.

Tuy Việt Nam khó trợ giá kiểu Malaysia nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam hoàn toàn miễn giảm các loại thuế, phí với xăng dầu.

Ví dụ, Nhà nước nên xem xét giảm thêm thuế bảo vệ môi trường trong thời điểm này để hỗ trợ người dân. Tiếp theo, loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho việc sử dụng xăng dầu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem xét miễn, giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại phí để hạ nhiệt giá xăng dầu.

Theo Bộ Công thương, vào ngày 15-6, giá xăng A95 nhập khẩu từ Singapore đạt mức 158,11 USD/thùng. Vào tuần sau ngày 21-6, giá xăng trong nước sẽ bước vào kỳ điều chỉnh mới. Với mức giá xăng nhập khẩu còn quá cao cũng như chưa có quyết định giảm thuế phí, khả năng giá xăng trong nước sẽ xuyên thủng mốc 33.000 đồng/lít.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-viet-nam-kho-tro-gia-xang-nhu-malaysia-post685161.html