Vì sao V-League luôn là 'đất dữ' với HLV ngoại?

HLV Gong Oh-kyun khả năng cao bị sa thải chỉ sau 4 trận dẫn dắt Công an Hà Nội, HLV Kiatisak sa lầy ở HAGL là hai ví dụ mới nhất cho nhận định V-League là 'đất dữ' với các vị thuyền trưởng nước ngoài. Đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?

Mỗi người một cảnh éo le

Tại vòng 8 V-League 2023-2024, HAGL đã có thắng lợi đầu tiên từ đầu mùa khi đánh bại Hà Nội FC 2-0 trên sân nhà Pleiku.

HLV Gong Oh-kyun không tạo được dấu ấn khi dẫn dắt CLB Công an Hà Nội.

Đáng nói, đây là trận đấu Giám đốc kỹ thuật Vũ Tiến Thành sát cánh cùng HLV Kiatisak ở băng ghế huấn luyện. Dù ông Thành khẳng định chỉ đóng vai trò hỗ trợ nhưng khả năng cao tất cả là bước chuẩn bị một cuộc thay máu cho chiếc ghế thuyền trưởng của HAGL.

Yếu tố văn hóa cũng tác động lớn đến kết quả làm việc của HLV ngoại tại Việt Nam. Sở dĩ HLV Calisto thành công ở cả cấp CLB lẫn đội tuyển quốc gia là nhờ khả năng hòa đồng với văn hóa bản địa, hiểu và cùng học trò tạo thành khối thống nhất, biết học trò cần gì, qua đó đưa ra những quyết định phù hợp về mặt chuyên môn cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải

Không may mắn như Kiatisak, HLV Gong Oh-kyun thậm chí còn bị treo quyền chỉ đạo ở CLB Công an Hà Nội sau 4 trận liền chỉ hòa và thua. Trớ trêu, ngay sau đó đội bóng ngành công an lập tức tìm lại mạch thắng. Nếu không có gì bất ngờ, khả năng cao đầu tháng 1 tới, ông Gong sẽ phải nhường ghế lại cho HLV Mano Polking, cựu thuyền trưởng đội tuyển Thái Lan.

Thực tế, ông Gong nhận nhiều kỳ vọng khi nhận lời dẫn dắt nhà đương kim vô địch V-League. Nhà cầm quân Hàn Quốc từng gây ấn tượng mạnh khi dẫn dắt U23 Việt Nam với lối chơi phóng khoáng, hiệu quả, đúng với triết lý Công an Hà Nội theo đuổi. Nhưng phép cộng này lại không cho ra kết quả như tính toán ban đầu.

Tương tự, Kiatisak cũng là tên tuổi lớn trong làng bóng đá Đông Nam Á, từng tạo tiếng vang lớn cùng tuyển Thái Lan và giúp HAGL chơi hưng phấn ở mùa giải 2021. Đáng tiếc, do đại dịch Covid-19, giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam phải dừng lại. Cũng từ đây, HAGL lao dốc, nhất là khi nhiều trụ cột như Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường… ra đi.

HLV Gong và Kiatisak là ví dụ mới nhất cho việc V-League luôn là "đất dữ" với những vị thuyền trưởng ngoại quốc. HLV Polking, người được nhắm thay ông Gong cũng từng tủi hổ rời CLB TP.HCM. Trước đó, chính đội bóng này cũng chia tay một chiến lược gia tên tuổi là ông Chung Hae-seong. Đầu mùa giải 2023-2024, Hà Nội FC chấm dứt hợp đồng với HLV người Serbia Bandovic…

Đương nhiên, vẫn có những HLV ngoại thể hiện tốt ở V-League như HLV Popov đang dẫn dắt Thanh Hóa. Dưới bàn tay vị thuyền trưởng người Bulgari, đội bóng xứ Thanh sở hữu lối chơi cực khó chịu, giàu năng lượng và tinh thần chiến đấu. Nhưng nhìn tổng thể, rõ ràng có quá ít HLV ngoại thành công tại giải đấu số 1 Việt Nam.

Trong quá khứ, chỉ HLV Henrique Calisto vô địch V-League cùng Đồng Tâm Long An, HLV Arjhan Srong-ngamsub đưa HAGL lên ngôi. Đặt giữa bối cảnh V-League có ngót nghét 20 năm chuyên nghiệp, con số này quá khiêm tốn. Ngược lại, rất nhiều HLV ngoại đến rồi rời Việt Nam với hành trang là khoản tiền đền bù vì chấm dứt hợp đồng sớm.

Tại cả đôi bên

Theo bình luận viên Vũ Quang Huy, sở dĩ nhiều HLV nước ngoài không thể hiện được khả năng tại V-League xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do tập tính chơi bóng của cầu thủ Việt Nam.

HLV Kiatisak mới có trận thắng đầu tiên từ đầu mùa tại vòng 8 V-League 2023-2024 khi HAGL đánh bại Hà Nội 2-0.

"HLV ngoại làm việc ở Việt Nam thì chỉ có tài năng thôi là không đủ, bởi môi trường vốn nhiều đặc thù. Đa phần cầu thủ thích chơi theo sở trường, ngại thay đổi. Trong khi đó, các HLV ngoại thường mang tư tưởng mới, hiện đại. Khi không tìm được tiếng nói chung, thất bại là điều dễ hiểu.

Cũng cần nhấn mạnh vai trò của giám đốc kỹ thuật của các đội bóng. Vị trí này quan trọng, là cầu nối giữa HLV trưởng và cầu thủ nhưng đa phần lại chỉ tồn tại cho có, bỏ mặc HLV tự xoay xở, hỗ trợ ít, phản biện không nên nếu HLV hợp duyên thì làm tốt, bằng không đều bị mắc kẹt giữa triết lý của mình và sự phối hợp của cầu thủ", ông Huy phân tích.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải thì cho rằng, vấn đề hoàn toàn không nằm ở cầu thủ, cũng không hoàn toàn là lỗi của HLV, cốt lõi là do hầu hết các đội bóng V-League đều không có chiến lược, kế hoạch rõ ràng khi mời thầy ngoại.

"Tại sao Thanh Hóa lại chơi tốt dưới thời ông Popov? Vì họ chuẩn bị bài bản, có sự thống nhất cao giữa lãnh đạo đội bóng và HLV trưởng nên mọi thứ vận hành trơn tru. Cầu thủ nếu không đáp ứng được yêu cầu chiến thuật, thể lực thì sẽ bị loại chứ không có chuyện anh thích đá thế nào cũng được.

Ngược lại, HLV Gong tới Hà Nội mà gần như không có sự chuẩn bị nào về mặt chuyên môn, không hiểu cầu thủ trong tay, tạo ra nhiều xáo trộn nên thất bại. Đa phần những HLV ngoại phải ra đi cũng đều rơi vào cảnh tương tự, không sẵn sàng nên truyền đạt ý tưởng chơi chưa tới hoặc đội bóng thiếu chiến lược cụ thể, thiếu nhân sự tốt, tìm người kiểu gặp chăng hay chớ", ông Hải phân tích.

Bình luận viên Quang Huy nhấn mạnh, việc không có những HLV ngoại giỏi là thiệt thòi cho V-League và các đội bóng: "Khi chỉ quanh quẩn với HLV nội thì các đội bóng khó nâng tầm, cứ mãi lẹt đẹt như hiện tại, chẳng thể vươn ra châu lục. Để giải quyết thực trạng kén HLV ngoại, các đội bóng cần thắt chặt khâu tổ chức, chuyên nghiệp hơn để HLV ngoại không lạc nhịp".

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải thì nêu quan điểm, bản thân các đội bóng tìm HLV cần xác định rõ mục đích, tìm hiểu kỹ về HLV trước khi ký hợp đồng và cần có kế hoạch tổng thể, đặt niềm tin vào người lựa chọn.

"Có những HLV ngoại giỏi nhưng họ không đủ thời gian để truyền đạt triết lý của mình cho cầu thủ thì đã bị sa thải. Nếu cứ làm việc kiểu ăn xổi như thế này, các đội bóng vô tình sẽ tự xây rào cản trên con đường phát triển", ông Hải nói

HLV đánh bại Argentina ở World Cup từng mất việc ở V-League

Tại World Cup 2022, đội tuyển Ả Rập Xê Út gây tiếng vang lớn khi đánh bại Argentina ở vòng bảng với tỷ số 2-1. Đây cũng là trận thua duy nhất của Lionel Messi cùng đồng đội trong hành trình lên ngôi vô địch.

HLV Herve Renard, người dẫn dắt Ả Rập Xê Út tạo nên chiến tích lừng lẫy này từng làm việc cho CLB Nam Định ở mùa giải 2004 nhưng phải ra đi chỉ sau 4 tháng. Cuộc chia tay này được cho rằng bắt nguồn từ những mâu thuẫn nội bộ, còn ông Renard thì nói "đã có một vài rắc rối xảy ra".

An Khuê

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-v-league-luon-la-dat-du-voi-hlv-ngoai-192231229122221604.htm