Vì sao Trung Quốc kín tiếng về chuyến thăm Nam Á của Ngoại trưởng Vương Nghị

Ngoại trưởng Vương Nghị đã có chuyến thăm bất ngờ một số quốc gia Nam Á trong tuần này với những điểm dừng chân không được thông báo trước ở Ấn Độ, Afghanistan và Nepal.

Ngoại trưởng Nepal Narayan Khadka và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Kathmandu ngày 26/3. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Nepal Narayan Khadka và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Kathmandu ngày 26/3. Ảnh: AP

Các nhà quan sát đánh giá bản chất của những chuyến thăm không báo trước là bất thường. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết điểm dừng chân đầu tiên của Ngoại trưởng Vương Nghị là tại Pakistan ngày 21/3. Ông Vương Nghị từng gọi Pakistan là “ngôi nhà thứ hai”.

Sau khi dự sự kiện cuộc họp các ngoại trưởng của trên 50 quốc gia đông dân số theo đạo Hồi với vai trò “khách mời đặc biệt”, ông Vương Nghị đã bay đến Kabul (Afghanistan) ngày 24/3 trong một chuyến thăm bất ngờ.

Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Trung Quốc kể từ khi lực lượng Taliban nắm quyền lãnh đạo Afghanistan vào tháng 8. Trong chuyến thăm này, ông Vương Nghị đã nhiều lần lặp lại ủng hộ của Trung Quốc đối với chính quyền đương nhiệm ở Afghanistan.

Tiếp đó, Ngoại trưởng Vương Nghị đến Ấn Độ. Cả Bắc Kinh và New Delhi đều không công bố về chuyến thăm Ấn Độ của ông Vương Nghị trước khi nhà ngoại giao này đặt chân đến quốc gia láng giềng chiều 24/3.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar sau cuộc gặp với người đồng cấp Vương Nghị ngày 25/3 xác nhận rằng chuyến thăm không được báo trước bắt nguồn từ đề nghị của phía Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ xác nhận về chuyến thăm vào tối 25/3 sau khi cuộc gặp giữa ông Subrahmanyam Jaishankar và ông Vương Nghị kết thúc.

Sau đó, Ngoại trưởng Vương Nghị đến Nepal vào chiều 25/3, chuyến thăm này cũng không được thông báo trước bởi Bắc Kinh.

Nhà phân tích Gu Su tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cho rằng hoàn cảnh xoay quanh chuyến thăm Nam Á của Ngoại trưởng Vương Nghị lần này là không bình thường.

Ông Gu Su cho biết hiếm khi Bắc Kinh giữ kín về các chuyến thăm cấp cao. Theo ông Gu Su, Trung Quốc đang cần đảm bảo rằng hình ảnh trên trường quốc tế của nước này sẽ không bị ảnh hưởng thêm vì xung đột Nga-Ukraine hiện nay. Ông Gu Su bổ sung: “Đây là công việc khó khăn và Bắc Kinh rõ ràng chưa chắc chắn về kết quả đồng thời lo ngại về khả năng xảy ra rủi ro. Do vậy, Trung Quốc lựa chọn không thông báo trước về chuyến thăm của ông Vương Nghị”.

Trong sự kiện này, cả Trung Quốc và Ấn Độ cùng lên tiếng kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức và quay trở về đối thoại, ngoại giao” đối với vấn đề Ukraine.

Chuyến thăm kéo dài 1 ngày của ông Vương Nghị là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc đến Ấn Độ sau khi xảy ra xích mích ở biên giới hai nước cách đây 2 năm. Ngày 15/6/2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ tại thung lũng Galwan ở Ladakh khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đổ trách nhiệm cho nhau trong cuộc xung đột này. Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài 3.862km. Cả hai bên nhiều lần cáo buộc nhau xâm phạm lãnh thổ. Bắc Kinh và New Delhi đã tìm cách giảm căng thẳng tại biên giới nhưng không có nhiều dấu hiệu tiến triển.

Ngày 25/3, Ngoại trưởng Vương Nghị nói: “Không nên để vấn đề biên giới định hình và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ”.

Bắc Kinh dường như tập trung hơn vào việc nhận được sự ủng hộ của New Delhi đối với hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế đang nổi lên (BRIC) do Trung Quốc tổ chức vào cuối năm nay, với việc Ngoại trưởng Vương Nghị mời cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval thăm Trung Quốc để xúc tiến các cuộc đàm phán phần lớn bị đình trệ về vấn đề biên giới.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/vi-sao-trung-quoc-kin-tieng-ve-chuyen-tham-nam-a-cua-ngoai-truong-vuong-nghi-20220327162607182.htm