Vì sao trẻ càng nhỏ mắc cúm càng nguy hiểm?

Thời tiết mưa nắng thất thường thuận lợi cho virus cúm phát triển. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị cúm tấn công và gặp biến chứng nặng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, thậm chí tử vong.

Vì sao trẻ càng nhỏ mắc cúm càng nguy hiểm?

Vì sao trẻ có thể tử vong khi mắc cúm?

Thời gian gần đây, các bệnh viện trên cả nước ghi nhận bệnh nhân khám và điều trị các bệnh lý hô hấp như cúm, viêm phổi, viêm phế quản… tăng và tỷ lệ nhập viện cao tập trung ở nhóm có nguy cơ như trẻ em, người già, người có bệnh lý mãn tính.

Điển hình khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, những ngày này tỷ lệ trẻ mắc các bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn và bệnh cúm… tăng cao không chỉ ở đối tượng trẻ nhỏ mà cả những trẻ lớn, trẻ học đường. Nhiều trẻ có tình trạng nặng phải điều trị kéo dài.

BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm, TP. HCM cho biết thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ ẩm thấp như hiện nay tạo điều kiện cho virus cúm phát triển, gây suy giảm hệ miễn dịch, do đó dễ bị cúm tấn công hơn.

Theo BS Khanh, bệnh cúm mùa có thể gây dịch theo vùng hoặc diện rộng, gây viêm đường hô hấp với các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng… Bệnh có thể tự khỏi sau 4-7 ngày. Tuy nhiên, khi mắc cúm, trẻ nhỏ hoặc trẻ có những bệnh mãn tính dễ diễn biến nặng, gặp nhiều biến chứng và có thể tử vong.

Lý giải vì sao trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi dễ biến chứng và phải nhập viện điều trị khi mắc cúm, BS Khanh cho biết hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, nếu mắc cúm trong thời gian này dễ diễn tiến nặng hơn. Virus cúm, giống như SARS-CoV-2, sẽ tấn công vào phổi trước tiên, gây xơ phổi[1] hoặc làm tổn thương tế bào niêm mạc đường hô hấp dưới. Các trường hợp trẻ tử vong do cúm thường xuất hiện các tình trạng như viêm phổi, viêm thanh quản, viêm cơ tim, tổn thương não. Cơ chế tử vong liên quan đến phản ứng viêm quá mức của cơ thể và biến chứng của rối loạn chuyển hóa do mắc cúm nhưng không được phát hiện kịp thời.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy trẻ có bệnh ở tim, phổi, thận, suy giảm miễn dịch và béo phì khi mắc cúm dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, trẻ càng nhỏ càng khó phát hiện các dấu hiệu nặng, dẫn đến chậm trễ khi điều trị. Đối với trẻ sinh non, các tế bào biểu mô ở đường hô hấp chưa đủ sức chống lại mầm bệnh, nguy cơ mắc cúm và biến chứng càng nghiêm trọng hơn.

Trẻ khám bệnh hô hấp tại khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Ảnh: Mộc Thảo

Cúm có thể diễn tiến cấp tính thành viêm phổi, suy hô hấp, hoặc khởi phát các bệnh tiềm tàng như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Khi diễn tiến ác tính, cúm gây viêm não, viêm cơ tim, suy đa cơ quan, dẫn đến những gánh nặng bệnh tật lâu dài như viêm khớp, các bệnh lý tim mạch, khiến trẻ trở nên khờ khạo, kém phát triển về thần kinh và vận động.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), từ năm 2010, khoảng 7.000 - 28.000[2] trẻ dưới 5 tuổi nhập viện vì cúm mỗi năm, trong đó khoảng 130 - 1.200 trẻ dưới 18 tuổi tử vong. Hai nhóm gặp nguy hiểm nhất khi mắc cúm là trẻ có các bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường, bệnh hô hấp, rối loạn não bộ hoặc hệ thần kinh và trẻ dưới 5 tuổi.

Nghiên cứu vào năm 2020 tại Pháp trên 28.507 trường hợp trẻ dưới 2 tuổi, trẻ dưới 6 tháng tuổi, nhập viện do cúm chiếm tỷ lệ cao nhất với 45,4%.

Biện pháp phòng cúm hiệu quả nhất

Các chuyên gia cảnh báo, bệnh cúm sẽ có xu hướng diễn biến phức tạp vào mùa đông bởi lúc này nhiệt độ thường xuống thấp là điều kiện thuận lợi virus cúm phát triển. Để phòng bệnh, trẻ cần đảm bảo chế độ ăn uống phù hợp, thường xuyên vận động, không nên để môi trường ngủ quá lạnh hoặc quá nóng. Đặc biệt, tiêm đầy đủ vắc xin, đúng lịch để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Trẻ dưới 6 tháng chưa đến tuổi tiêm phòng cúm tiếp xúc với người nhà đang mang mầm bệnh thì rất dễ bị lây nhiễm. Đối với trẻ lớn, trường học là nơi có thể lây lan bệnh cúm khó kiểm soát. Trẻ nhiễm virus cúm từ bạn bè, thầy cô, sau đó về lây cho ông bà, cha mẹ và mầm bệnh từ đó lây lan khắp nơi trong công sở, bệnh viện... hình thành quần thể cúm rộng hơn, nghiêm trọng hơn.

Trẻ em tiêm vắc xin cúm tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: Mộc Thảo

"Việc tất cả mọi người tiêm vắc xin cúm không chỉ có ý nghĩa bảo vệ bản thân mà còn rất quan trọng trong việc bảo vệ những em bé còn non nớt chưa được chủng ngừa hoặc chưa đủ điều kiện tiêm chủng", BS Khanh khuyến cáo.

Theo BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, chỉ với 1 hoặc 2 mũi vắc xin, trẻ đã tránh được ít nhất 75%[3] nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm có thể phải nhập viện điều trị dài ngày hoặc để lại di chứng do tổn thương não; giảm nguy cơ tử vong hơn 31% so với những trẻ không tiêm chủng; giảm chi phí y tế, đảm bảo sức khỏe để học tập và phát triển. Đồng thời, tiêm vắc xin giúp bảo vệ chéo với người lớn tuổi, giúp giảm 3-4 lần[4] bệnh giống cúm; giảm 2,6 lần viêm phổi; giảm 2,5 lần hen phế quản; giảm 1,7 lần viêm phế quản mãn tính.

"Trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi tiêm 2 mũi vắc xin cúm; trẻ từ 9 tuổi và người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi và tiêm nhắc hàng năm có thể bảo vệ khỏi bệnh cúm và các biến chứng nguy hiểm", BS Chính chia sẻ.

Hiện nay, Hệ thống tiêm chủng VNVC có đầy đủ các vắc xin cúm phòng 4 chủng virus cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Victoria, B/Yamagata, tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Trong đó, vắc xin tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt virus với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm… Vắc xin đặc biệt phù hợp với trẻ nhỏ, giúp trẻ ít quấy khóc, bỏ bú sau tiêm và hạn chế cảm giác sợ hãi khi tiêm chủng.

Nguồn:

National Center for Immunization and Respiratory Diseases

Centers for Disease Control and Prevention, National Center for Immunization and Respiratory Diseases (NCIRD)

Sharma BB, Singh V. Flu and pulmonary fibrosis. Lung India. 2013 Apr. PubMed Central

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Tuyết Huỳnh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vi-sao-tre-cang-nho-mac-cum-cang-nguy-hiem-20231023225903572.htm