Vì sao TP HCM chưa hút khách đến chữa bệnh như các nước ASEAN?

Ngành y tế TP TP HCM đã tìm hiểu kinh nghiệm của 3 quốc gia ASEAN là Thái Lan, Singapore và Malaysia. Đây là 3 nước dẫn đầu trong khu vực về thu hút khách du lịch đến khám chữa bệnh.

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đã chia sẻ thông tin trên tại hội nghị đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP HCM ngày 17-6.

Theo ông Thượng, Thái Lan, Singrapore, Malaysia là 3 nước thu hút đông khách du lịch y tế. Trong đó, Thái Lan là điểm đến du lịch y tế lớn nhất thế giới với 8 lý do. Cụ thể gồm: Giá dịch vụ thấp; Chính phủ xem du lịch y tế là chính sách quan trọng trong cải tạo nguồn thu; chú trọng đào tạo nhân lực chuyên sâu; ngành du lịch cung ứng dịch vụ chuẩn 5 sao cho khách quốc tế; kết hợp hiệu quả y học hiện đại và cổ truyền; dịch vụ điều trị cả gói; thủ tục nhập cảnh đơn giản; nhiều điểm du lịch hấp dẫn.

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM chia sẻ thông tin tại hội nghị

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM chia sẻ thông tin tại hội nghị

Còn tại Singapore chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng tiên tiến bao gồm bệnh viện, phòng khám; nâng cao chất lượng giáo dục nhân lực chất lượng cao; có nhiều trung tâm nghiên cứu thu hút nhiều nhà khoa học; không ngừng đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng điều trị

Với Malaysia, dù nằm trong top 3 nhưng nhiều năm qua vẫn không thể vượt Thái Lan và Singapore về du lịch y tế. Nguyên nhân được cho là không cạnh tranh bằng hai quốc gia còn lại, chi phí còn cao, gặp khó khăn về tổ chức cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh, thủ tục cho khách quốc tế phức tạp.

Từ thực tiễn trên, ngành y tế TP HCM đã rút ra bài học kinh nghiệm cho chính mình, đồng thời xác định điểm giống và khác biệt để phát triển y tế hướng đến là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực.

Theo PGS Thượng, TP HCM cần chú trọng đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và kỹ thuật y tế chuyên sâu, du lịch y tế kết hợp y học hiện đại và cổ truyền, đẩy mạnh chuyển đổi số, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sáng tạo, thu hút nhà đầu tư y tế thế giới. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính và giá dịch vụ y tế phải cạnh tranh.

Ngoài ra, PGS Tăng Chí Thượng cũng nêu một số hạn chế chủ quan cần điều chỉnh để rút ngắn lộ trình phát triển thành trung tâm y tế ASEAN như: ngôn ngữ giao tiếp của nhân viên y tế các bệnh viện công lập còn hạn chế với người bệnh nước ngoài; chưa phát huy thế mạnh mô hình viện trường trong quảng bá làm thế giới thiếu thông tin về sự phát triển của y tế TP. Cùng với đó, lãnh đạo các bệnh viện đầu ngành chưa chú trọng tham gia đánh giá chuẩn quốc tế và xếp hạng bệnh viện hàng đầu trên thế giới…

Cũng tại hội nghị ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định TP HCM, dẫn đầu cả nước trong phát triển chuyên môn kỹ thuật y tế. Trong đó, TP có 125 bệnh viện với gần 39.000 giường, đạt tỷ lệ 42 giường/vạn dân. Hiện nay, người dân TP đang có điều kiện chăm sóc y tế tốt hàng đầu cả nước.

Theo ông Thuấn, TP cần tiếp tục đầu tư phát triển các cơ sở y tế hiện đại, tương xứng nhằm hạn chế việc người dân đi nước ngoài chữa bệnh, giữ lại một khoản chi đáng kể cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, TP cần có cơ chế chính sách riêng, có thể dưới hình thức thí điểm, đặc biệt là về cơ chế tài chính, cơ chế giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Ông Thuấn cũng cho biết Bộ Y tế đang xây dựng thông tư về giá dịch vụ và cần xin ý kiến các bộ ngành và Chính phủ trước khi ban hành. Trong thời gian chờ thông tư, TP cần chủ động có chính sách phù hợp.

Tin, ảnh: Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/vi-sao-tp-hcm-chua-hut-khach-den-chua-benh-nhu-cac-nuoc-asean-20230617161311925.htm