Vì sao Tiền Giang đưa nước mặn vào vùng 'ngọt hóa' ?

Từ ngày 3/4, UBND tỉnh Tiền Giang có chủ trương lấy nước mặn từ sông Tiền vào vùng 'ngọt hóa Gò Công', đây là một nghịch lý nhằm để giải quyết một số vấn đề đặt ra.

Hiện nay, nước sông Tiền tại cống Xuân Hòa (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) nhiễm mặn hơn 3,3 gam/lít, nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang có văn bản số 1906 yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu han Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang tổ chức vận hành lấy gạn nước tại cống Xuân Hòa. Theo đó từ chiều ngày 3/4 cống Xuân Hòa lấy gạn với độ mặn lấy vào dưới 2 gam/lít; mực nước trên các kênh trục chính vùng “ngọt hóa Gò Công” duy trì nhỏ hơn -0,30 mét.

Do lấy nước mặn vào kênh Xuân Hòa nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề nghị UBND các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thông tin rộng rãi trên đài truyền thanh xã để người dân biết không sử dụng nguồn nước này bơm tưới cho cây trồng, nhất là những loại cây trồng nhạy cảm với độ mặn; đồng thời thường xuyên phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang nắm tình hình vận hành công trình, độ mặn lấy qua cống Xuân Hòa để chỉ đạo cho Ủy ban nhân dân các xã, phường thông tin cho người dân biết.

Nước trong kênh mương thủy lợi vùng "Ngọt hóa Gò Công) của tỉnh Tiền Giang đã cạn đáy, nguy cơ sạt lở đất, ô nhiễm môi trường

Theo ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang việc lấy nước có độ mặn vào kênh Xuân Hòa trong cao điểm khô hạn là để nâng cao mực nước trên các kênh trục chính, kênh sườn trong vùng Dự án “ngọt hóa Gò Công” nhằm hạ nền nhiệt do nắng nóng gây ra, đồng thời hạn chế phèn, mặn nội tại trong đất phát sinh và mặn phía ngoài sông thẩm thấu vào vùng dự án gây ảnh hưởng đến chất lượng nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Mặt khác, lấy nước vào kênh Xuân Hòa nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng sạt lở bờ kênh, rạch có thể xảy khi mực nước nội đồng ngày càng cạn kiệt. Hiện tại, mỗi ngày, cống Xuân Hòa lấy vô từ 900 mét khối đến 1 triệu mét khối nước mặn dưới 1,5 gam/lít.

Kênh Xuân Hòa đang cấp bổ nước mặn để hạn chế sạt lở, ô nhiễm bên trong

Ông Đỗ Thành Sơn nói: “Vùng dự án “ngọt hóa Gò Công” hiện tại nước đồng trước khi lấy nước vào đã nhiễm mặn -1,3m rồi, hơn nữa nước mặn nội đồng phát sinh do trong đất phèn chảy ra thẩm thấu bên ngoài vào trên 2gam/ lít và ô nhiễm, các tuyến đê còn đến trên 5 gam/lít. Lấy nước vào để cải thiện môi trường, giữ ém mấy tầng phèn, hạn chế sạt lở, thậm chí nước 2 gam/lít vẫn tưới được cho cây thanh long, cỏ rất tốt. Hôm qua lấy được 5 giờ với khoảng 1,2 triệu mét khối, bắt đầu nước lấy giảm dần do nước trong nội đồng cao lên nên nước lấy gạn ít lại”.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-tien-giang-dua-nuoc-man-vao-vung-ngot-hoa-post1087193.vov