Vì sao thợ thủ công 3 năm mới may xong long bào cho hoàng đế?

Long bào của hoàng đế Trung Quốc thể hiện quyền uy của người đứng đầu đất nước. Do là trang phục đặc biệt chỉ dành cho nhà vua nên thông thường, thợ thủ công mất 3 năm mới hoàn thành một bộ long bào.

Hoàng đế Trung Quốc thời phong kiến được xem là bậc chí tôn, chân mệnh thiên tử. Là người nắm trong tay quyền lực và tài lực lớn nhất đất nước, mọi đồ dùng của nhà vua đều là thứ tốt nhất, quý giá nhất. Trong số này, long bào của hoàng đế được xem là trang phục tôn quý nhất trong thiên hạ và là biểu tượng cho quyền uy của bậc đế vương.

"Long" có nghĩa là rồng và "bào" là quần áo. Sở dĩ gọi như vậy là người Trung Quốc thời phong kiến quan niệm, rồng là biểu tượng của hoàng đế. Do vậy, long bào của nhà vua thêu họa tiết hình rồng.

Trên long bào của hoàng đế, thợ thủ công thêu 9 con rồng. Trong đó, 2 con rồng ở hai vai, 1 con rồng ở sau lưng, 1 con rồng phủ lấy phần ngực áo, 1 con rồng phủ lấy phần tà áo và 4 con rồng nhỏ được thêu ở phần dưới vạt áo.

Ngoài 9 con rồng trên, long bào của hoàng đế còn được thêu những hình rồng nhỏ ở cổ áo, eo và cổ tay áo. Nhiều đường uốn lượn dưới long bào được gọi là “chân nước”. Trên chân nước thêu rất nhiều gợn sóng cuồn cuộn, báu vật đá dựng đứng gọi là “hải thủy giang nhai”, không chỉ tượng trưng cho may mắn bất tận mà còn hàm nghĩa “thống nhất giang sơn”, “mãi mãi thái bình”.

Thêm nữa, long bào có những hoa văn khác như văn phụng, văn mẫu đơn phú quý, văn ngọc tỉ, ở quanh văn rồng còn có văn mây ngũ sắc, văn dơi đỏ, văn thập nhị chương (nhật, nguyệt, tinh thần, sơn, long, hoa trùng, tông di, tảo, hỏa, phấn mễ, phủ, phất) tượng trưng cho điềm lành. Mây ngũ sắc tượng trưng cho may mắn và văn dơi màu đỏ là tượng trưng cho “phúc lớn”. Đó là những hoa văn trang trí không thể thiếu trên long bào.

Do là trang phục đặc biệt dành riêng cho hoàng đế nên người xưa mất khoảng 3 năm để hoàn thành một bộ long bào. Triều đình có bộ phận chuyên trách may long bào cho nhà vua.

Sau khi được hoàng đế và các đại thần phê duyệt kiểu mẫu và đường nếp cho long bào, thợ làm lụa, thợ thủ công mới bắt tay vào các khâu để hoàn thành bộ trang phục này.

Theo các nhà nghiên cứu, chỉ riêng khâu thêu hoa văn hình rồng và các họa tiết trên long bào đã cần đến 500 thợ thủ công, thợ thêu có tay nghề giỏi nhất làm việc liên tục trong 3 năm.

Vải dùng để may long bào thường là màu vàng và có chất lượng tốt nhất như lụa, tơ, gấm… Chỉ để may long bào cũng là loại tốt nhất, gồm chỉ vàng và chỉ bạc.

Sau khi may xong, hoàng đế sẽ mặc long bào trong những đại lễ quan trọng của quốc gia bao gồm: lễ sắc phong lên ngôi, lễ tế đàn Nam Giao (lễ tế trời), lễ tế đàn Xã Tắc (lễ tế đất), lễ tế Tông Miếu (lễ tế tổ tiên), lễ tiếp các sứ thần…

Mời độc giả xem video: Mối tình kỳ lạ của Hoàng đế Trung Quốc với cung nữ hơn 17 tuổi.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/vi-sao-tho-thu-cong-3-nam-moi-may-xong-long-bao-cho-hoang-de-1948389.html