Vì sao Super League khó thành hiện thực ngay cả khi được phép?

Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) tuyên bố FIFA và UEFA không có quyền ngăn cản việc tạo ra một giải đấu ly khai. Nhưng ngay cả vậy, rất ít khả năng Super League sẽ thành hiện thực bởi các đội bóng lớn ở châu Âu, ngoại trừ Real và Barca, không dám mạo hiểm vứt bỏ những gì đang có.

Ý tưởng phục hồi European Super League đã được nhen nhóm trở lại sau phán quyết có lợi từ Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ). A22, công ty quản lý thể thao đại diện cho Super League, thậm chí còn nhanh nhảu đưa ra đề xuất mới về hệ thống giải đấu gồm ba hạng, với Star League và Gold League, mỗi giải bao gồm 16 đội, cùng 32 đội chơi tại Blue League. Ngoài ra, các trận Super League còn được phát sóng miễn phí.

Thế nhưng ngoại trừ sự vui mừng của Chủ tịch Real Florentino Perez, và chắc chắn cả Joan Laporta, Chủ tịch Barca vẫn luôn mong chờ Super League như chiếc phao cứu sinh cho tình hình tài chính tồi tệ của CLB, không có sự ủng hộ nào khác đến từ các CLB lớn ở châu Âu.

Hai năm trước khi Super League được giới thiệu, làn sóng phản đối ngập tràn châu Âu. Những cuộc biểu tình đã được tổ chức rầm rộ, cộng thêm sự công kích và đe dọa của cơ quan quản lý, ban tổ chức các giải đấu trong nước, thậm chí cả Chính phủ, 6 CLB Anh, gồm MU, Man City, Arsenal, Liverpool, Chelsea và Tottenham, đồng loạt rút lui. Tiếp theo đến lượt Inter và AC Milan, rồi Atletico. Tới tháng 6 năm nay, Juventus cũng tuyên bố rời khỏi dự án.

6 CLB Anh nhanh chóng rút lui khỏi Super League sau sự phản đối của người hâm mộ.

6 CLB Anh nhanh chóng rút lui khỏi Super League sau sự phản đối của người hâm mộ.

Đến sau cùng chỉ còn Barca, đội lâm vào khủng hoảng tài chính trầm trọng, và Real, đội muốn nhiều tiền hơn, đồng thời khẳng định sự vĩ đại của một đội bóng tiên phong. Câu hỏi đặt ra là, sau phán quyết của ECJ, liệu có CLB nào sẵn sàng tham gia cùng họ?

Ngay trong ngày 21/12, MU đưa ra tuyên bố không tái gia nhập Super League. "Quan điểm của chúng tôi không thay đổi. MU hoàn toàn cam kết tham gia các giải đấu của UEFA, tích cực hợp tác với UEFA, Premier League và các CLB khác thông qua ECA (Hiệp hội các Câu lạc bộ châu Âu) để thúc đẩy sự phát triển liên tục của bóng đá châu Âu", tuyên bố của MU viết. Nối theo sau là Man City, Chelsea, Tottenham với thông báo tương tự.

Tại Đức, Bayern cũng nói không với siêu giải đấu. GĐĐH Bayern Jan-Christian Dreesen cho biết, "phán quyết của ECJ không thay đổi quan điểm của Bayern, đội bóng coi Bundesliga là nền tảng và tôn trọng hệ sinh thái bóng đá châu Âu", và "Bayern có trách nhiệm củng cố và hỗ trợ, không phải làm suy yếu giải đấu trong nước và hệ thống giải châu Âu".

Người hâm mộ MU từng biểu tình chống lại giới chủ sau quyết định tham gia Super League.

Người hâm mộ MU từng biểu tình chống lại giới chủ sau quyết định tham gia Super League.

Atletico đồng ý kiến. "Chúng tôi ủng hộ việc bảo vệ đại gia đình bóng đá châu Âu, bảo tồn các giải đấu trong nước và đảm bảo suất tham dự các giải đấu châu Âu thông qua thành tích trên sân mỗi mùa giải", đại diện đội bóng thành Madrid, hàng xóm của Real tuyên bố.

Ý tưởng tạo nên một giải đấu gồm toàn những CLB hàng đầu thi đấu với nhau khá hấp dẫn, nhưng nó đi ngược với sự toàn vẹn của hệ thống bóng đá toàn châu Âu. Những CLB có thành tích tốt trong nước không chắc được tham dự Super League, trong khi các đội kém hơn, vẫn mặc nhiên có suất nhờ danh tiếng quá khứ. Vì vậy, điều này cũng đi ngược với bản chất công bằng của thể thao, triệt tiêu ham muốn phấn đấu.

Với các CLB Anh, Super League không chắc mang lại nhiều lợi ích hơn về kinh tế. Mới đây Premier League vừa ký hợp đồng bản quyền truyền hình nội địa trị giá 6,7 tỉ bảng Anh, cao hơn thỏa thuận trước đó và mang lại sự vững chắc về mặt tài chính cho các CLB tham dự. Họ không nhất thiết phải đánh đổi mọi thứ để đi theo tiếng gọi của Perez.

Hiện Florentino Perez và Joan Laporta là hai nhân vật kiên quyết biến Super League thành hiện thực.

Hiện Florentino Perez và Joan Laporta là hai nhân vật kiên quyết biến Super League thành hiện thực.

Thật ra muốn cũng không được. Sau sự kiện Super League, các thiết chế mới ở Premier League được thiết lập nhằm ngăn chặn CLB Anh tham gia giải đấu ly khai. Dự luật Quản trị Bóng đá mới sắp được Chính phủ Anh thông qua cũng sẵn sàng loại bỏ bất cứ đội bóng nào bước ra khỏi ranh giới.

Hơn nữa, sau trải nghiệm tồi tệ cách đây 2 năm trước khi vấp phải sự công kích kịch liệt từ nhiều phía, dẫn đến nguy cơ bị người hâm mộ tẩy chay, nhà tài trợ quay lưng và các bản hợp đồng thương mại bị hủy bỏ, không CLB nào muốn lặp lại sai lầm.

Tất nhiên, trừ hai đội bóng đã bảo vệ Super League bằng cả tính mạng, Real và Barca.

Thanh Hải

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-super-league-kho-thanh-hien-thuc-ngay-ca-khi-duoc-phep-post1598001.tpo