Vì sao SSI bị 'xả hàng' trong ngày tổ chức đại hội cổ đông 2024?

Thông thường cổ phiếu sẽ tăng nóng trong ngày tổ chức ĐHCĐ nhờ các thông tin tốt được HĐQT doanh nghiệp chia sẻ. Thế nhưng, ĐHCĐ thường niên năm 2024 của SSI mang lại nỗi buồn cho nhiều cổ đông.

Kế hoạch lợi nhuận khủng

Phiên hôm nay 25-4, bên nắm giữ đã bán ra gần 10,6 triệu cổ phiếu SSI, tương đương 373 tỷ đồng. Áp lực xả hàng từ bên nắm giữ khiến SSI giảm 0,8% xuống còn 35.350 đồng.

Với nhiều cổ đông, việc SSI bị bán mạnh trong ngày tổ chức ĐHCĐ thường niên là hết sức bất ngờ. Bởi trước đó, HĐQT của SSI công bố các nội dung trình ĐHCĐ với rất nhiều thông tin tốt. Chẳng hạn, SSI đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt 8.112 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.398 tỷ đồng. Nếu đi đúng kế hoạch, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của SSI.

Chia sẻ tại ĐHCĐ đại diện SSI, cho biết kế hoạch năm 2024 được xây dựng trên dự báo dòng vốn nhà đầu tư cá nhân và nước ngoài đều thuận lợi cho TTCK trong năm 2024. Giá trị hợp lý cho của VN Index cuối năm 2024 là 1.300 điểm với thanh khoản thị trường dao động khoảng 18.000-20.000 tỷ đồng/phiên.

Ngoài kế hoạch kinh doanh, tại ĐHCĐ lần này, HĐQT SSI tiếp tục xin cổ đông thông qua việc thực hiện các kế hoạch phát hành cổ phần. Theo đó, SSI tiếp tục thực hiện phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ tối đa hơn 104 triệu cổ phần, phương án phát hành cổ phiếu ESOP năm 2023 tối đa 10 triệu cổ phần và chào bán thêm 453 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn.

Vẫn bị nhà đầu tư bán tháo

Câu trả lời đầu tiên là xu hướng chung của thị trường. Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán đều bị bán mạnh, nên phần lớn đều kết phiên ở mức giá dưới tham chiếu. Nhưng vì sao SSI không thể “ngược dòng” với các thông tin tốt được công bố tại ĐHCĐ.

Theo chia sẻ của một nhà đầu tư có kinh nghiệm, tất cả những thông tin được SSI công bố hôm nay đều không có gì mới, bởi các tờ trình đã được tung lên trước đó. Ngược lại, nhiều cổ đông biết thêm nhiều thông tin không được minh bạch từ phía HĐQT. Đơn cử là việc em trai Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng là ông Nguyễn Hồng Nam đang nắm giữ vị trí Tổng giám đốc.

Dù ông Nguyễn Duy Hưng giải thích SSI không vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp mới (có hiệu lực từ năm 2021) vì ông Nam được bổ nhiệm từ 2019, không cần phải hồi tố theo luật mới, nhưng nhiều cổ đông vẫn vẫn tỏ ra bất bình, bởi việc 2 anh em cùng điều hành một công ty đại chúng trong thời gian quá dài sẽ dễ dẫn đến tiêu cực.

Trở lại với kế hoạch kinh doanh của SSI. Nhiều cổ đông cho rằng HĐQT quá tự tin về mục tiêu năm 2024 khi thị phần của SSI ngày càng thụt lùi trước sự tăng trưởng của các đối thủ. Đặc biệt, mục tiêu lợi nhuận của SSI dựa trên bối cảnh thị trường thuận lợi, vốn chảy mạnh vào thị trường, nhưng thực tế hiện tại thì hoàn toàn ngược lại, khi dòng tiền đang suy giảm và VN Index liên tục bị "đạp".

Sau sự cố VNDirect, HĐQT của SSI cũng nhận được câu hỏi chất vấn từ cổ đông về cách ứng phó của doanh nghiệp. Dù đại diện SSI khẳng định đã có phương án ứng phó, nhưng nhiều cổ đông vẫn không yên tâm. Bởi trước đây, SSI cũng thường xuyên nằm trong danh sách các công ty chứng khoán bị lỗi hệ thống.

Đầu năm 2024, một công ty chứng khoán công bố báo cáo phân tích mã SSI với nhận định cho rằng mức giá SSI không còn hấp dẫn (thị giá SSI thời điểm đó tương đương mức giá hiện tại). Theo công ty chứng khoán này, SSI đối mặt với các rủi ro đầu tư như: tỷ trọng đóng góp của hoạt động tự doanh ở mức quá cao, tồn kho trái phiếu tăng cao khiến rủi ro về mặt thanh khoản tăng lên.

Hải Hồ

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/vi-sao-ssi-bi-xa-hang-trong-ngay-to-chuc-dai-hoi-co-dong-2024-post113603.html