Vì sao số vụ bạo lực trẻ em nghiêm trọng nhiều năm không giảm?

Trong Phiên giải trình về nội dung 'Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em' các đại biểu chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng vụ việc bạo lực trẻ em.

Tại Phiên giải trình về nội dung “Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em” diễn ra sáng nay do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, phối hợp với Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức, các đại biểu chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến xung đột trong gia đình và ứng xử của người lớn hậu ly hôn, đặc biệt đạo đức xã hội xuống cấp ở một bộ phận người dân làm gia tăng vụ việc bạo lực trẻ em. Đồng thời các giải pháp nhằm phòng, chống bạo lực trẻ em cũng được nêu ra tại phiên giải trình.

Người thân và cư dân chung cư Sài Gòn Pearl thắp nến tưởng niệm bé V.A (Ảnh: T.Q)

Người thân và cư dân chung cư Sài Gòn Pearl thắp nến tưởng niệm bé V.A (Ảnh: T.Q)

“Vụ mẹ kế đánh chết con chồng mới 8 tuổi”; “Vụ người tình của mẹ bắn 9 chiếc đinh vào sọ của cháu gái 4 tuổi sau nhiều lần đánh đập, đầu độc không thành”, “Vụ cha ném con nhỏ xuống sông”… và nhiều vụ xâm hại, bạo lực trẻ em thương tâm xảy ra thời gian qua. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn còn ở mức cao và cho thấy những việc biện pháp đã và đang thực hiện chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn là chưa đủ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị: “Những vụ bạo lực trẻ em nhiều năm không những không giảm về số lượng mà con tăng nặng tính chất, mức độ vi phạm. Nguyên nhân của tình trạng này là gì? Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ Công an và các cơ quan liên quan có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này”.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận những bất cập từ thực tiễn là do Luật về trẻ em chưa được hướng dẫn, triển khai kịp thời. Đáng chú ý không ít địa phương chưa quan tâm đầy đủ công tác chăm sóc trẻ em.

“Mấy vụ việc vừa qua là điển hình đạo đức xã hội đã xuống cấp. Tôi cho là xung đột gia đình và ứng xử của người lớn hậu li hôn. Tất cả các vụ việc vừa qua đều bất đột từ xung đột gia đình mà không tìm cách xử lý được dẫn đến hành động bất bình thường”, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây tổn thất nặng nề, ảnh hưởng việc hạn chế đi lại, kèm với áp lực kinh tế tăng lên, dẫn đến “nghịch lý gia đình”. Nhiều vụ bạo hành lại do chính những người làm cha, làm mẹ, người thân, người ruột thịt trong gia đình gây ra.

Thân thể bé A. có rất nhiều thương tích.

Thân thể bé A. có rất nhiều thương tích.

Giải trình thêm về giải pháp phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã trình của Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội kỳ họp thứ 3, thông qua vào kỳ họp thứ 4. Luật này sau khi được thông qua sẽ là những điều kiện tốt nhất trong việc tăng cường công tác phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có việc phòng chống bạo lực cho trẻ em nói riêng trong luật này”.

Về giải pháp tổng thể chăm sóc trẻ em, trong đó có bạo lực gia đình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tập trung thực hiện một cách nghiêm minh cụ thể hóa tốt nhất Nghị quyết 121, quy định rất rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp và của Ủy ban chăm sóc trẻ em. Ngay đầu năm chúng tôi yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố báo cáo toàn bộ tình hình đầu tư, ngân sách quản lý nhà nước, ngân sách cho công tác trẻ em năm 2022. Trên cơ sở đó những địa phương bố trí không đảm bảo, sẽ tiến hành kiểm tra và có giải pháp thích ứng”.

Với trách nhiệm của người đứng đầu, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về trẻ em, tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật liên quan đến trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ, không phải chỉ những luật trong ngành và Chính phủ đề xuất, mà tất cả những luật, những văn bản pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tạo ra khung khổ pháp lý, trên cơ sở đảm bảo quyền của trẻ em, cũng như các cam kết quốc tế. Việc thứ hai, hướng dẫn các địa phương phổ biến kiến thức, kỹ năng, chăm sóc trẻ em. Việc thứ ba, nữa đẩy mạnh xã hội hóa, chăm sóc trẻ em từ các nguồn lực xã hội”.

Bế mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị thời gian tới chú trọng việc hoàn thiện các quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em trong việc sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn giải quyết các vụ việc ly hôn khi quyết định quyền nuôi con phải xem xét quyền lợi mọi mặt của con, trong đó chú trọng khả năng bảo vệ trẻ khỏi bị nguy cơ xâm hại, bạo lực. Đồng thời tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực học đường trong các nhà trường sau đại dịch Covid-19./.

Lại Hoa/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-so-vu-bao-luc-tre-em-nghiem-trong-nhieu-nam-khong-giam-post925771.vov