Vì sao rùa xanh từ Malaysia sang Côn Đảo để đẻ trứng?

Một con vích (rùa xanh) nặng khoảng 90kg có đeo thẻ inox của Malaysia đã đến hòn Bảy Cạnh, huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và đẻ 108 trứng tại đây.

Ngày 24/4, Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết vừa phát hiện một con vích đẻ trứng tại hòn Bảy Cạnh. Đáng chú ý, con vích này đến từ Malaysia.

Trước đó vào khuya 22/4, trong lúc tuần tra quản lý, các cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo phát hiện con vích mẹ (còn gọi rùa xanh, tên khoa học Chelonia mydas) lên bãi hòn Bảy Cạnh làm tổ đẻ trứng.

Thẻ inox ở chi trước con vích thể hiện từ Malaysia đến.

Con vích nặng khoảng 90kg, sau khi làm tổ đã đẻ được 108 trứng. Qua kiểm tra, các cán bộ kiểm lâm ghi nhận ở chi trước con vích có đeo thẻ inox theo dõi số hiệu 4240, thể hiện từ Malaysia đến.

Tổ vích sau khi đẻ trứng.

Theo Vườn quốc gia Côn Đảo, gần 6 năm trước, nơi này từng ghi nhận một con vích đeo thẻ từ Indonesia đến hòn Bảy Cạnh đẻ 92 trứng. Hàng năm, Vườn quốc gia Côn Đảo đón hơn 2.000 lượt vích về làm tổ đẻ trứng. Đây là trường hợp đầu tiên ghi nhận vích mẹ đeo thẻ từ Malaysia.

Rùa xanh, tên thường gọi là vích (Chelonia mydas), là một trong 7 loài rùa biển, hiện còn xuất hiện và sinh sản tại Côn Đảo. Số lượng rùa biển về đẻ trứng tại Côn Đảo chiếm khoảng 90% số lượng rùa biển của Việt Nam. Hằng năm vào mùa sinh sản (từ tháng 4 đến tháng 9), rùa biển từ đại dương tìm về các bãi biển ở Côn Đảo để làm tổ.

Theo Vườn quốc gia Côn Đảo, huyện Côn Đảo là bãi đẻ chính của rùa biển - có khoảng 90% rùa Việt Nam chọn đây là nơi sinh sản. Thống kê cho thấy Vườn quốc gia Côn Đảo có thể đón tới 2.000 lượt rùa mẹ đẻ trứng trên cát mỗi năm. Vùng biển Côn Đảo hiện có bốn loài rùa biển gồm: Rùa xanh, đồi mồi, đồi mồi dứa và rùa quản đồng. Trong đó, quần thể rùa xanh lên các bãi biển ở Côn Đảo đẻ trứng có số lượng lớn.

Mùa sinh sản của rùa biển là khoảng tháng 4 đến tháng 10, cao điểm là tháng 7 đến tháng 9 hằng năm. hằng năm từ tháng 5 đến tháng 10 có khoảng 350-400 rùa mẹ về làm tổ đẻ trứng ở 14 bãi biển ở Côn Đảo. Côn Đảo cũng là vùng tìm thức ăn quan trọng của rùa biển.

Ngoài ra để tạo thành "ngôi nhà" của rùa biển, Vườn quốc gia Côn Đảo còn cho dọn dẹp sạch các bãi đẻ, tạo sinh cảnh để rùa biển lên đẻ trứng mà không bỏ đi nơi khác.

Hơn 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, có khoảng 150.000 rùa con được thả về đại dương từ Côn Đảo. Trong đó, 9 tháng của năm 2022, những kiểm lâm, nhân viên Vườn quốc gia Côn Đảo đã cứu hộ hơn 2.500 tổ rùa và thả về đại dương gần 130.000 rùa con.

Vườn quốc gia Côn Đảo được xác lập là một khu rừng cấm từ năm 1984. Đến năm 1993 trở thành vườn quốc gia - là một trong những khu rừng đặc dụng được thành lập khá sớm ở Việt Nam. Vùng biển Côn Đảo có 166 loài nằm trong "sách đỏ" của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), 6 loài trong "sách đỏ" Việt Nam.

Dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 24/4 | SKĐS

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-rua-xanh-tu-malaysia-sang-con-dao-de-de-trung-169240424113111535.htm