Vì sao phi công Ukraine phải cho tiêm kích MiG-29 bay sát mặt đất?

Việc cho tiêm kích MiG-29 bay sát mặt đất sẽ giúp tránh được sự phát hiện của radar từ các hệ thống phòng không khóa bắn, tuy nhiên việc bay thấp cũng cực kỳ nguy hiểm.

Không quân Ukraine ngày 30/11 đăng tải trên mạng xã hội X đoạn video cho thấy một tiêm kích MiG-29 của nước này bay cực thấp, gần mặt đất trước khi "leo dốc" trở lại lên bầu trời.

Giới phân tích cho biết phi công Ukraine thường phải sử dụng chiến thuật bay tầm thấp để tránh bị radar phát hiện và dẫn tới khả năng bị tên lửa đất đối không đuổi theo sau. Tuy nhiên việc bay thấp như vậy có thể đem lại lợi thế nhất định nhưng cũng có nhiều rủi ro.

Cựu phi công hải quân Mỹ Guy Snodgrass cho biết: “Khi bay ở độ cao rất thấp, máy bay sẽ khó bị radar hay các hệ thống khác phát hiện. Nếu radar có phát hiện, góc phóng tên lửa phòng không cũng sẽ hẹp hơn nhiều so với khi máy bay ở độ cao lớn hơn”.

Tiêm kích MiG-29 Ukraine bay cực thấp

Tuy nhiên cựu phi công Snodgrass cũng cảnh báo rằng, việc bay thấp có thể không quá khó nhưng đòi hỏi một số kỹ năng nhất định: “Bay thấp hơn không hẳn là khó hơn, mặc dù nó tốn nhiều công sức hơn và đòi hỏi sự tập trung cao hơn. Phần lớn thời gian được dành để tập trung vào việc tránh địa hình, điều này làm giảm thời gian thực hiện các nhiệm vụ cấp cao hơn như quét radar, trao đổi qua radio hoặc để điều hướng”.

Ở độ cao cao hơn, phi công có nhiều thời gian hơn để phản ứng và có thể dễ dàng tránh việc vô tình đâm máy bay của họ xuống đất.

“Tốc độ là sự sống, còn độ cao là bảo hiểm nhân thọ. Đó là một sự đánh đổi. Bay ở độ cao thấp hơn khiến đối phương khó phát hiện và giao chiến với máy bay hơn, nhưng nó cũng có khả năng khiến máy bay có nguy cơ gặp sự cố cao hơn”, phi công Snodgrass nói thêm.

Tiêm kích MiG-29

MiG-29 là loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 do Nga thiết kế, chế tạo cho vai trò chiếm ưu thế trên không. Được phát triển vào thập niên 1970 bởi Phòng thiết kế Mikoyan, nó bắt đầu đi vào hoạt động trong Không quân Xô viết vào năm 1983 để đối đầu với những loại máy bay tiêm kích của Hoa Kỳ như F-16 Fighting Falcon, và F/A-18 Hornet.

Tới nay, đã có khoảng 1.600 chiếc được sản xuất, 900 trong số đó để xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Theo Business Insider, Military Today

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-phi-cong-ukraine-phai-cho-tiem-kich-mig-29-bay-sat-mat-dat-post559866.antd