Vì sao nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới đang có nguy cơ 'rớt' chuẩn?

Lai Châu là tỉnh biên giới khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân, đến hết năm 2022, địa phương đã có 39/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, qua rà soát các tiêu chí theo Quyết định số 1285 mà tỉnh này mới ban hành, thì nhiều xã đã được công nhận đạt chuẩn đang có nguy cơ 'rớt' chuẩn.

Pha Mu là 1 trong 4 xã ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu có lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024 và được lựa chọn là xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Tuy nhiên cho đến nay, địa phương mới đạt 10/19 tiêu chí; trong đó, các tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí khó như: thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, y tế, giao thông, thủy lợi, giáo dục…

Ông Lò Văn Piềng, Trưởng bản Chít, xã Pha Mu cho biết, để không “lỡ hẹn” ngày về đích, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã đang nỗ lực hết mình để sớm hoàn thành các tiêu chí đề ra.

“Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con biết về hiến đất, hiến ngày công để xây dựng nông thôn mới. Thứ hai là tuyên truyền cho bà con để xây dựng mô hình để xóa đói giảm nghèo, như mô hình trồng cây đu đủ, mô hình nuôi ong của bản để xóa đói giảm nghèo, phục vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã”, ông Lò Văn Piềng nói.

Các sản phẩm nông nghiệp được xây dựng thành các sản phẩm OCOP để tăng giá trị, giúp người dân nâng cao thu nhập

Các sản phẩm nông nghiệp được xây dựng thành các sản phẩm OCOP để tăng giá trị, giúp người dân nâng cao thu nhập

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thời gian qua, huyện Than uyên đã vận động nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị. Từ các sản phẩm nông nghiệp do bà con sản xuất, địa phương đã xây dựng nhiều sản phẩm OCOP như: chanh leo, chè, mắc ca, quế... Hiệu quả các mô hình kinh tế đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người lên 42 triệu đồng/năm vào năm 2022 và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 32%.

Để đảm bảo lộ trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền các địa phương đang rà soát các tiêu chí và lấy ý kiến người dân cho sát với tình hình thực tế

Để đảm bảo lộ trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền các địa phương đang rà soát các tiêu chí và lấy ý kiến người dân cho sát với tình hình thực tế

Ông Hoàng Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Pha Mu, huyện Than Uyên cho biết: Qua thông kê, giai đoạn 2022 - 2025, nhu cầu kinh phí để địa phương đảm bảo lộ trình cán đích nông thôn mới nâng cao vào khoảng 47 tỷ đồng. Vì vậy, xã sẽ tiếp tục rà soát để đánh giá, đối chiếu các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới của tỉnh để từng bước khắc phục và thực hiện.

“Xã đã tập trung vào các giải pháp để hoàn thành tiêu chí về giảm nghèo đa chiều và tiêu chí về thu nhập. Để thực hiện được nội dung này, xã luôn đồng hành cùng với bà con nhân dân trong các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, như mô hình trồng cỏ để chăn nuôi gia súc, mô hình trồng quế, trồng chè. Đặc biệt là xã đã tư vấn cho bà con xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm đối với một bộ phận thanh niên đang trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã”, ông Hoàng Phi Hùng cho hay.

Hàng chục mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân

Hàng chục mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân

Tương tự Pha Mu, xã Hua Nà, huyện Than Uyên dù đã về đích nông thôn mới năm 2016, nhưng chiểu theo bộ tiêu chí tỉnh mới ban hành cuối năm 2022 thì đang gặp khó trong việc giữ chuẩn, bởi các tiêu chí theo quy định mới đều quá cao so với mức sống của người dân ở đây. Cụ thể, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế giảm mạnh xuống còn hơn 50% do xã đã ra khỏi khu vực III, trong khi tỷ lệ hộ nghèo đánh giá theo tiêu chí đa chiều thì tăng thêm hơn 16%...

Bà Lê Thị Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hua Nà, huyện Than Uyên cho biết: “Tiêu chí về giao thông được chúng tôi rà soát tất cả các tuyến đường đã xuống cấp so với thời điểm công bố đạt chuẩn. Ngoài ra, một số tuyến kênh mương thủy lợi chúng tôi cũng có chủ trương đầu tư giai đoạn 2023 - 2025. Đối với việc thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo với nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân, đến nay chúng tôi cũng tập trung vận động bà con nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa các cây con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Ngoài ra cũng quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết chuỗi”.

Giữ chuẩn nông thôn mới là thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền các cấp ở Lai Châu

Giữ chuẩn nông thôn mới là thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền các cấp ở Lai Châu

Theo rà soát của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Than Uyên, hiện cả 7 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2015 – 2020 đều đã "rớt" chuẩn một số tiêu chí; việc thực hiện theo bộ tiêu chí mới của tỉnh đang gây khó khăn, thách thức đối với huyện và nhiều xã đang phấn đấu đạt chuẩn.

Cụ thể, kết quả rà soát các tiêu chí theo Quyết định số 1285 năm 2022 của UBND tỉnh Lai Châu cho thấy, toàn huyện mới chỉ đạt bình quân 8,36 tiêu chí/xã; trong đó có 2 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 8 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí; riêng xã Khoen On đạt dưới 5 tiêu chí. Như vậy, mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong nhiệm kỳ này khá khó khăn.

Nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Than Uyên, Lai Châu

Nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Than Uyên, Lai Châu

Ông Lò Văn Hương, Bí thư Huyện ủy Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: “Để khắc phục những khó khăn, về phía huyện, chúng tôi đã chỉ đạo rà soát tất cả các tiêu chí đối với những xã đã đạt chuẩn và những xã chưa đạt chuẩn. Sau đó chúng tôi tiến hành chỉ đạo rà soát toàn bộ các nguồn, trong đó một số nguồn hiện nay đang triển khai có thể chúng tôi tính toán lại để phân bổ ưu tiên cho việc thực hiện các tiêu chí. Tương tự như vậy đối với cấp huyện, chúng tôi cũng đang rà soát và cố gắng cơ cấu các nguồn lực, nhất là các nguồn từ ngân sách nhà nước, để đảm bảo triển khai thực hiện các nội dung”.

Được biết, bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Lai Châu gồm 19 tiêu chí, 57 tiêu chí thành phần, nhiều hơn 8 tiêu chí thành phần so với giai đoạn 2016 - 2020. Các tiêu chí được nâng cao hơn so với bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 là thu nhập, nhà ở, hộ nghèo, giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm… Để thực hiện được những tiêu chí này, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Vì vậy, ngoài nỗ lực của các huyện, rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ tỉnh và các bộ, ngành Trung ương.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-nhieu-xa-dat-chuan-nong-thon-moi-dang-co-nguy-co-rot-chuan-post1050557.vov