Vì sao nhiều người phóng tay mua sắm online khi giãn cách xã hội

Sau thời gian giãn cách xã hội tại nhà, không ít người gặp phải các vấn đề tài chính khi lỡ mua sắm qua mạng quá đà.

Sau thời gian giãn cách xã hội tại nhà, không ít người gặp phải các vấn đề tài chính khi lỡ mua sắm qua mạng quá đà.

Hơn một năm đại dịch bùng phát, nhiều quốc gia áp dụng lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội khiến thói quen tiêu dùng của nhiều người dân cũng thay đổi.

Không còn những lần trực tiếp đến trung tâm thương mại, cửa hàng, chỉ cần một cú click chuột, việc tiếp theo người dùng cần làm chỉ nhà ngồi nhà và đợi hàng giao đến tận cửa.

Mua một cái khăn quàng cổ vào giữa tháng 6 vì đang được giảm giá mạnh; một bộ dụng cụ làm bánh màu hồng vì đáng yêu chứ chẳng biết làm; thêm cái thảm tập yoga vì giống một người nổi tiếng dùng hay cái cây cho mèo leo trèo chiếm một góc lớn căn phòng vì lỡ mua cỡ quá to.

Trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những bài đăng ca thán, hối hận vì đã mua sắm quá trớn, nhất là thông qua các trang thương mại điện tử.

Lý do

CNBC nhận định thao tác dễ dàng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người tiêu dùng online chi tiêu mất kiểm soát. Chưa kể, các sàn thương mại điện tử thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mãi, mã giảm giá hay dịch vụ miễn phí vận chuyển đánh vào tâm lý khách hàng.

Sylvie Tongco, phó chủ tịch phụ trách truyền thông của nền tảng về marketing Selligent, cho rằng mọi người dành thời gian mua sắm trên mạng còn bởi vì cảm thấy nhàm chán.

"Khoảng thời gian giãn cách đối với tôi thật nhạt nhẽo. Tôi bắt đầu mua mọi thứ online, dù cần thiết hay không, chỉ để tận hưởng cảm giác thích thú khi nhấn nút đặt hàng và hồi hộp khi khui nó ra vài ngày sau đó", Emrana Khatun (Anh) nói với The Guardian.

Còn theo Lars Perner, nghiên cứu về tiếp thị tại Đại học Nam California (Mỹ), mua sắm online vô tội vạ là cách để không ít người đối phó với nỗi cô đơn khi ở nhà.

Ngoài ra, khi có nhiều thời gian ở nhà lên mạng hơn, không ít người bị cuốn theo các trào lưu mua sắm, nấu ăn hay thử thách đang hot rồi vô thức chi tiền mua món đồ sẽ không sử dụng lâu dài.

Không chỉ vậy, việc mua hàng online còn là cách nhiều người vơi bớt cảm giác tội lỗi khi chi tiêu, so với việc cầm tiền mặt hay thanh toán ở cửa hàng như trước đây.

Tiết chế

Mua hàng online là cách hữu hiệu để hạn chế việc đi lại, tụ tập trong đại dịch đồng thời vẫn đáp ứng được việc mua các mặt hàng cần thiết. Tuy nhiên nếu không biết cân đối, bạn hoàn toàn có thể gặp phải các vấn đề tài chính nghiêm trọng.

Vì vậy, hãy lập một kế hoạch chi tiêutiết kiệm dựa trên hoàn cảnh và mục tiêu của bạn, luôn theo dõi các khoản chi thông qua một số ứng dụng trên điện thoại để đảm bảo bạn không vượt quá số tiền được phép.

Bên cạnh đó, cố gắng tránh mua sắm vào buổi tối muộn khi bạn đang mệt mỏi và chỉ muốn tìm kiếm điều gì đó để giải tỏa. Lúc này, bạn sẽ không còn đủ tỉnh táo để cân nhắc sự cần thiết của món đồ hay có sự so sánh giá cả giữa các bên.

Theo Kimberly Palmer, chuyên gia tài chính cá nhân tại NerdWallet, một mẹo khác để hạn chế bốc đồng khi mua sắm online là không lưu tự động các loại thẻ thanh toán, mật khẩu tài khoản. Như vậy, khoảng thời gian phải nhập lại mật khẩu mỗi lần mua sắm sẽ giúp bạn bình tĩnh lại hơn.

Ngoài ra, khi ngẫu hứng muốn mua một món đồ nào đó không quá cần thiết, hãy bỏ vào giỏ hàng thay vì mua luôn. Hãy chọn thời điểm rảnh rỗi, tỉnh táo trong ngày để xem xét lại giỏ hàng, đánh giá lại một lần nữa xem thứ nào mình thật sự cần.

Mai An

Đồ họa: Sandy Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-phong-tay-mua-sam-online-khi-gian-cach-xa-hoi-post1228562.html