Vì sao nhiều huấn luyện viên ngoại quan tâm tới đội tuyển Việt Nam?

Nhiều huấn luyện viên ngoại, trong đó có những nhà cầm quân tên tuổi được cho là quan tâm tới chiếc ghế nóng ở đội tuyển Việt Nam.

Sau khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và ông Philippe Troussier đạt thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, "ghế nóng" ở đội tuyển Việt Nam vẫn đang để trống. Trong tuần này, ông Troussier trở về Pháp, khép lại hành trình hơn 1 năm với nhiều nỗi buồn và thất vọng.

Đội tuyển Việt Nam vẫn được đánh giá cao ở chiều sâu lực lượng.

Thời gian qua, xuất hiện nhiều thông tin về các ứng viên gửi hồ sơ ứng tuyển tới VFF làm “thuyền trưởng” đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này VFF chưa lên tiếng về bất cứ trường hợp nào.

Cụ thể, hai nhà cầm quân Kim Do-hoon và Kim Sang-kik (Hàn Quốc) thông qua người đại diện được cho là đã gửi bản lý lịch tới VFF. Ngoài ra, theo một số nguồn tin, ông Roberto Donanoni (cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển Italy) cũng đang quan tâm tới vị trí thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam.

Trước đó, ông Mano Polking - cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển Thái Lan cũng bày tỏ mong muốn được dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Chiến lược gia người Đức khẳng định được chuyên môn với 2 lần giúp "Voi chiến" vô địch AFF Cup và từng dẫn dắt câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh ở V-League.

Dĩ nhiên từ việc gửi hồ sơ, mong muốn của các nhà cầm quân ngoại tới những cuộc tiếp xúc và đàm phán hợp đồng là một câu chuyện còn rất xa. Để tìm được người phù hợp, lần này VFF thẩm định một cách kỹ lưỡng các ứng viên thông qua nhiều tiêu chí như sự uy tín, chuyên môn, hiểu về văn hóa Việt Nam...

Ở chiều ngược lại, việc các huấn luyện viên nước ngoài dành sự quan tâm đặc biệt bất chấp việc đội tuyển Việt Nam vừa trải qua những giải đấu không thành công, cho thấy sức hút rất lớn từ chiếc "ghế nóng" này.

Bình luận viên Vũ Quang Huy cho biết, dù đội tuyển Việt Nam liên tục nhận những thất bại dưới thời ông Troussier nhưng lực lượng vẫn được đánh giá chất lượng, với dàn cựu binh kết hợp với một số nhân tố trẻ. Nếu “thuyền trưởng” có một lối chơi hợp lý, phát huy được sức mạnh của đội tuyển Việt Nam, bao gồm cả chuyên môn và tinh thần chiến đấu, có thể sẽ đạt được những thành tích tốt trong thời gian tới.

Việc tân huấn luyện viên trưởng tới Việt Nam ở thời điểm này cũng khá giống với tình cảnh ông Park Hang-seo tiếp quản "ghế nóng" của người tiền nhiệm Nguyễn Hữu Thắng năm 2017. Khi đó, bóng đá Việt Nam gây thất vọng nhưng sau đó đi lên mạnh mẽ và có một chương cực thành công kéo dài trong 4-5 năm.

Về áp lực thành tích, huấn luyện viên mới chủ yếu chuẩn bị lực lượng cho sân chơi ASEAN Cup (trước đây là AFF Cup) vào cuối năm, khi mặt trận chính là vòng loại World Cup 2026 gần như đã hết cơ hội đi tiếp.

Tại ASEAN Cup 2024, đội tuyển Việt Nam vẫn là một đội bóng mạnh của khu vực, khả năng được xếp hạt giống số 1 sau khi vào chung kết ở kỳ AFF Cup 2022. Nếu thi đấu tốt và đạt kết quả cao ở sân chơi này, tân huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam sẽ ghi được điểm và lấy lại được niềm tin nơi người hâm mộ.

Cuối cùng, ghế “thuyền trưởng” đội tuyển Việt Nam được quan tâm bởi nguồn cung huấn luyện viên trên thế giới rất nhiều. Không ít nhà cầm quân tên tuổi từng dẫn dắt những đội tuyển lớn dự World Cup đang trong cảnh rảnh việc. Nếu thành công cùng đội tuyển Việt Nam, các huấn luyện viên này sẽ nhận được mức đãi ngộ cao, sự yêu mến và nhiều quyền lợi khác như thời ông Park Hang-seo.

Bài và ảnh: VIỆT AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/vi-sao-nhieu-huan-luyen-vien-ngoai-quan-tam-toi-doi-tuyen-viet-nam-770983