Vì sao người Italy ăn nho đêm giao thừa

Ở Italy, người ta quan niệm nếu một người ăn hết 12 trái nho trong thời lượng ngân vang của 12 tiếng chuông, họ có thể gặp may mắn trong năm mới.

Là cái nôi của nền văn hóa châu Âu, nơi ưa chuộng những ngày lễ hội, Italy là một trong những đất nước thu hút sự chú ý nhiều nhất với những ngày hội tưng bừng, được tổ chức khắp các thành phố lớn để chào đón năm mới.

Và dĩ nhiên, đất nước này cũng có những món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp quan trọng.

Đón lễ hội theo phong cách Italy

Người Italy thường ăn mừng đêm giao thừa với món Cotechino con lenticchie truyền thống. Đây là sự kết hợp giữa xúc xích heo Cotechino hầm cùng đậu lăng. Khi trình bày ra đĩa, loại xúc xích được làm từ bì lợn, gân và thịt tươi sẽ được đặt trên một lớp đậu lăng. Món ăn được cho là mang lại may mắn bởi đậu lăng tượng trưng cho tiền bạc, phát đạt, sức khỏe và cả sự thịnh vượng.

Nhưng cũng có những thói quen khác liên quan đến đồ ăn mà người Italy yêu thích, ngay cả khi điều đó không có nguồn gốc từ đất nước này. Đó là truyền thống ăn 12 quả nho vào lúc nửa đêm, một cách cầu chúc tốt lành đến từ bán đảo Iberia cách đó không xa.

 Một trong những phong tục không thể thiếu trong đêm giao thừa của người Italy là ăn nho Ảnh: FOX 2.

Một trong những phong tục không thể thiếu trong đêm giao thừa của người Italy là ăn nho Ảnh: FOX 2.

Nghi thức này rất đơn giản, vào lúc nửa đêm, trong khi nâng ly rượu vang spumante của mình, người dân Italy ăn 12 quả nho, từng quả một vào thời khắc đếm ngược sang năm mới. Tuy nhiên, cần lưu ý giữ nhịp điệu thưởng thức phù hợp, mỗi quả nho trong một tiếng chuông.

Mỗi quả nho tượng trưng cho sự may mắn trong một tháng của năm sắp tới. Và nhiều người quan niệm vận may chỉ đến khi bạn ăn hết 12 quả nho trước khi đồng hồ điểm xong 12 tiếng chuông.

Ý nghĩa của quả nho

Khi nói đến biểu tượng, nho có nhiều điểm tương đồng với đậu lăng. Chúng cũng được cho là mang lại sự giàu có và sức khỏe.

Mối liên hệ giữa nho và sự thịnh vượng đã có từ xa xưa, vì nó được thể hiện rõ ràng qua sự hiện diện khắp nơi trong thời cổ đại ở các bữa tiệc Hoàng gia.

Nho cũng gắn liền với khả năng sinh sản và sự phong phú, những yếu tố quan trọng trong các xã hội.

Truyền thống ăn nho đêm giao thừa có từ khi nào?

Truyền thống ăn nho vào đêm giao thừa được các chuyên gia cho rằng có từ cuối thế kỷ XIX hoặc đầu thế kỷ XX, nguồn gốc chính xác của nó vẫn gây nhiều tranh cãi.

Nhiều người cho biết nghi lễ này xuất phát từ thủ đô Madrid của Tây Ban Nha và nó bắt nguồn từ lý do kinh tế.

Theo một truyền thuyết nổi tiếng, những người nông dân ở Alicante có vụ mùa bội thu năm 1909 nên họ đã nghĩ ra câu chuyện rằng ăn nho vào đêm giao thừa sẽ mang lại sự giàu có cho năm mới. Đây được xem như một thủ thuật sáng tạo để bán chạy lượng nông sản lớn.

 Có nhiều nguồn gốc ra đời của phong tục ăn 12 quả nho đêm giao thừa. Ảnh: Fox News.

Có nhiều nguồn gốc ra đời của phong tục ăn 12 quả nho đêm giao thừa. Ảnh: Fox News.

Quan trọng hơn cả, mọi người trên khắp đất nước đều thích ý nghĩa thú vị này và họ đã làm lại vào năm sau và năm sau nữa tạo nên một truyền thống quen thuộc.

Nochevieja, hay "đêm cũ", là từ chỉ ngày cuối cùng của năm trong tiếng Tây Ban Nha. Khi thời khắc này gần qua, hàng triệu người dân đất nước này tập trung trước TV hoặc quảng trường, cầm theo bát nho xanh với hy vọng sẽ gặp may vào năm mới.

Khi đó, máy quay của kênh truyền hình quốc gia sẽ tập trung vào tháp đồng hồ có từ thế kỷ 18 Real Casa de Correos ở thủ đô Madrid. Sau khi chuông vang lên tiếng thứ tư liên tiếp sẽ là một khoảng lặng nhỏ. Kế sau là chuỗi 12 tiếng chuông đại diện cho 12 tháng, mỗi tiếng cách nhau khoảng 2 giây. Người Tây Ban Nha phải ăn hết 12 quả nho trước khi tiếng chuông cuối cùng kết thúc.

 12 trái nho tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Ảnh: Housing Any Where.

12 trái nho tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Ảnh: Housing Any Where.

Tuy nhiên gần đây, một số người tin răng phong tục này bắt đầu sớm hơn, vào khoảng năm 1882. Khi thị trưởng Madrid cấm các nghi thức kỷ niệm Lễ Hiển Linh, dịp mà người địa phương vốn thường xuống đường phố thủ đô để cùng nhau uống rượu và ăn nho trong đêm mùng 5 và 6 tháng Giêng.

Nhưng người dân tại Madrid đã quyết định ăn mừng một tuần trước đó, vào thời khắc rung chuông chào năm mới.

 Người dân ăn mừng năm mới ở quảng trường Puerta del Sol, Madrid (Tây Ban Nha). Theo truyền thống, lễ uống rượu chỉ bắt đầu sau nửa đêm, khi mọi người ăn 12 quả nho để cầu may. Ảnh: Alvaro Hurtado.

Người dân ăn mừng năm mới ở quảng trường Puerta del Sol, Madrid (Tây Ban Nha). Theo truyền thống, lễ uống rượu chỉ bắt đầu sau nửa đêm, khi mọi người ăn 12 quả nho để cầu may. Ảnh: Alvaro Hurtado.

Có một lý do cuối cùng về truyền thống ăn nho đêm giao thừa, có lẽ ít được biết đến hơn, nhưng nó gắn liền trực tiếp nước Italy, chính xác hơn là vùng Marche.

 Khi đồng hồ vừa điểm đúng thời khắc giao thừa, người ta sẽ phải vội vàng ăn hết 12 trái nho trong nhịp chuông đồng hồ để cầu may mắn. Ảnh: Anasife/Dreamstime.

Khi đồng hồ vừa điểm đúng thời khắc giao thừa, người ta sẽ phải vội vàng ăn hết 12 trái nho trong nhịp chuông đồng hồ để cầu may mắn. Ảnh: Anasife/Dreamstime.

Ở khu vực này, thói quen ăn 12 quả nho vào đêm giao thừa luôn rất phổ biến, nhiều hơn so với những nơi còn lại trên "đất nước hình chiếc ủng".

Một số nhà sử học nói rằng, rất có thể, nó đã phát triển trong khu vực ngay từ giữa thế kỷ XVI. Khi vùng này là nơi hội tụ từ người Do Thái Sephardic ở Tây Ban Nha đến những người từ Rome, từ những người Hồi giáo đến từ đế chế Ottoman đến người dân địa phương.

Rõ ràng, trong bầu không khí đa văn hóa này, mối liên hệ cổ xưa giữa nho, sự dồi dào và may mắn đã trở nên phổ biến khiến Marche có lẽ là nơi mà truyền thống ăn 12 quả nho vào giao thừa thực sự được sinh ra.

Khánh Vân

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-nguoi-italy-an-nho-dem-giao-thua-post1455833.html