Vì sao ngày Thần Tài ở Việt Nam là mùng 10, còn nhiều nước châu Á khác là mùng 5?

Ngày mùng 10 tháng Giêng (âm lịch) ở nước ta được gọi là ngày vía Thần Tài và người dân có phong tục mua vàng để cầu tài lộc. Nhưng ở nhiều nước châu Á khác, ngày Thần Tài lại là ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch. Tại sao có sự khác biệt này?

Theo văn hóa phương Đông từ xưa, vào đầu năm mới, nhiều gia đình có những hoạt động liên quan đến Thần Tài - là vị thần mang lại sự may mắn, sung túc cho con người. Những hoạt động này bắt nguồn từ Trung Quốc, sau cũng được thực hiện ở các nước châu Á khác.

Ở Trung Quốc, người ta bắn pháo hoa, tổ chức các sự kiện văn hóa nhộn nhịp vào ngày mùng 5 tháng Giêng (âm lịch), bởi đây được coi là ngày sinh của Thần Tài, theo kênh CGTN của Trung Quốc. Ngoài ra, những vùng khác nhau của Trung Quốc hoặc các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia có thể chào đón Thần Tài vào ngày mùng 1 hoặc mùng 4 tháng Giêng (âm lịch).

Người dân ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) vui vẻ khi gặp diễn viên đóng vai Thần Tài vào ngày Thần Tài năm nay. Ảnh: CFP/ CGTN.

Người dân ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) vui vẻ khi gặp diễn viên đóng vai Thần Tài vào ngày Thần Tài năm nay. Ảnh: CFP/ CGTN.

Còn theo chuyện được kể ở Việt Nam thì ngày mùng 10 tháng Giêng (âm lịch) là ngày Thần Tài bay về trời sau khi ở dưới trần gian một số ngày (do bị ngã xuống trần). Để tưởng nhớ Thần Tài, người Việt chọn ngày này làm ngày vía Thần Tài, coi là thời điểm tốt để cầu mong vận may, tài lộc.

Theo truyền thống từ xưa thì vào ngày Thần Tài, các gia đình cần dọn nhà cửa gọn gàng, mặc trang phục mới mẻ vì Thần Tài thích sự sạch sẽ. Ngoài ra, mỗi người cần giữ thái độ tích cực, tránh tranh cãi vì theo văn hóa phương Đông thì sự hòa hợp sẽ mang đến sự sung túc. Các gia đình nên bật đèn sáng (hoặc mở cửa cho nhiều ánh sáng vào nhà) vì điều này tượng trưng cho khởi đầu tươi sáng và cũng để Thần Tài nhìn rõ đường vào nhà.

Người Singapore chụp ảnh với người đóng vai Thần Tài. Ảnh: Bigtop SG.

Người Singapore chụp ảnh với người đóng vai Thần Tài. Ảnh: Bigtop SG.

Tuy nhiên, những câu chuyện từ xa xưa không đề cập đến việc tích trữ vàng trong ngày Thần Tài. Dù vậy, suốt nhiều năm nay, người dân Việt Nam mình thích mua vàng vào ngày mùng 10 tháng Giêng (âm lịch) để cầu tài lộc, may mắn. Gần đây, việc mua vàng vào ngày Thần Tài cũng được giới trẻ Trung Quốc ưa thích, chủ yếu để đầu tư, theo trang Global Times. Ngoài ra, họ mua những món đồ như bánh kẹo bọc giấy bóng màu vàng, đổi hình nền điện thoại thành hình Thần Tài với hy vọng tăng may mắn.

Nhiều người thích mua vàng cầu may vào ngày vía Thần Tài. Ảnh: VCG.

Nhiều người thích mua vàng cầu may vào ngày vía Thần Tài. Ảnh: VCG.

Một số nhà nghiên cứu thì cho rằng vào ngày vía Thần Tài không nhất thiết phải mua vàng, vì việc này chủ yếu được đẩy mạnh bởi các công ty kinh doanh nhằm thu hút nhiều khách hàng vào đầu năm. Nếu người dân thích mua để tạo tâm lý lạc quan thì cũng được nhưng chỉ nên mua vừa phải, và cần mua bằng tiền của mình chứ không phải tiền đi vay, như vậy mới là cầu may mắn, hơn nữa cũng tránh được rủi ro nếu sau đó giá vàng giảm.

Thục Hân

Theo nhiều nguồn tin

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/vi-sao-ngay-than-tai-o-viet-nam-la-mung-10-con-nhieu-nuoc-chau-a-khac-la-mung-5-post1612933.tpo