Vì sao ngân hàng lớn nhất nước Mỹ bị Tòa án Nga ra lệnh tịch thu 440 triệu USD?

Một tòa án Nga đã ra lệnh tịch thu 439,5 triệu USD của Ngân hàng JPMorgan Chase (Mỹ), một tuần sau khi công ty cho vay VTB do Điện Kremlin điều hành tiến hành hành động pháp lý chống lại ngân hàng lớn nhất của Mỹ để thu lại số tiền bị mắc kẹt dưới chế độ trừng phạt của Washington.

Động thái này nêu bật một số công ty phương Tây đang phải gánh chịu hậu quả từ các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow. Đó cũng là bằng chứng về những khó khăn mà các nhà cho vay phương Tây đang gặp phải khi cố gắng thực hiện cam kết đóng cửa các hoạt động ở Nga kể từ khi chiến dịch quân sự Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022.

Lệnh tịch thu, được công bố trong sổ đăng ký của tòa án Nga, nhắm vào các khoản tiền trong tài khoản của JPMorgan và cổ phiếu trong các công ty con ở Nga của họ, theo phán quyết do tòa án trọng tài ở St Petersburg ban hành. Tài sản này đã bị chính quyền phong tỏa sau lệnh trừng phạt của phương Tây.

Lệnh tịch thu, được công bố trong sổ đăng ký của tòa án Nga, nhắm vào các khoản tiền trong tài khoản và cổ phiếu của JPMorgan tại các công ty con ở Nga. Ảnh: Mike Segar/Reuters.

Tranh chấp tập trung vào số tiền 439 triệu USD mà VTB giữ trong tài khoản JPMorgan ở Mỹ. Khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngân hàng do Điện Kremlin điều hành, JPMorgan đã phải chuyển tiền sang một tài khoản ký quỹ riêng. Theo chế độ trừng phạt của xứ cờ hoa, cả VTB và JPMorgan đều không thể tiếp cận nguồn tiền.

Đáp lại, VTB tuần trước đã đệ đơn kiện tập đoàn có trụ sở tại New York để yêu cầu chính quyền Nga phong tỏa số tiền tương đương ở Nga, đồng thời cảnh báo rằng JPMorgan đang tìm cách rời khỏi Nga và sẽ từ chối trả bất kỳ khoản bồi thường nào.

Ngày hôm sau, JPMorgan đã đệ đơn kiện người cho vay Nga lên tòa án Mỹ để ngăn chặn việc tịch thu tài sản của mình, lập luận rằng họ không có cách nào để đòi lại số tiền bị mắc kẹt của VTB tại quốc gia này để bù đắp những tổn thất tiềm ẩn từ vụ kiện của Nga.

JPMorgan và VTB từ chối bình luận về phán quyết này.

Khi JPMorgan và Goldman Sachs tuyên bố ý định đóng cửa hoạt động kinh doanh ở Nga, vốn chỉ chiếm một phần nhỏ trong hoạt động trên toàn thế giới của họ, các chuyên gia đã cảnh báo rằng bất kỳ sự rút lui nào cũng có thể mất hơn một năm mới hoàn thành.

Các ngân hàng phương Tây khác, bao gồm Citigroup, UniCredit của Ý và Raiffeisen Bank International của Áo, vẫn đang hoạt động ở Nga.

Kể từ khi có sắc lệnh được ban hành vào năm 2022, việc rời khỏi Nga cần phải được chính Tổng thống Vladimir Putin bật đèn xanh. Bảy ngân hàng - trong số 45 ngân hàng đang hoạt động trong nước - đã được tổng thống chấp thuận, bao gồm Ngân hàng Mercedes-Benz, Ikano, J&T và Intesa.

Đầu năm 2022, Nga cũng cấm cổ đông từ “các quốc gia không thân thiện”, trong đó có Mỹ, rút cổ tức.

Mùa hè năm ngoái, một tòa án ở Nga đã phong tỏa tài sản trị giá khoảng 36 triệu USD thuộc sở hữu của Goldman sau vụ kiện của ngân hàng nhà nước Otkritie. Vài tháng sau, tòa án ra phán quyết rằng ngân hàng đầu tư Phố Wall phải trả số tiền này cho Otkritie.

Vào tháng 3 năm 2023, một tòa án khác của Nga đã tịch thu tài sản trị giá 204 triệu USD của Volkswagen ở Nga trong khi chờ đơn kiện của đối tác cũ là Gaz Group, thuộc sở hữu của nhà tài phiệt bị trừng phạt Oleg Deripaska. Tài sản sau đó đã được dỡ bỏ phong tỏa khi VW nhận được sự cho phép của chính quyền Nga để bán hoạt động kinh doanh tại Nga của mình cho Avilon, một trong những đại lý ô tô lớn nhất nước này.

Khánh Vy (Theo FT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-sao-ngan-hang-lon-nhat-nuoc-my-bi-toa-an-nga-ra-lenh-tich-thu-440-trieu-usd-post293156.html