Vì sao Nga cẩu 'quái thú' Pantsir-S1 lên tháp phòng thủ?

Nhằm bảo vệ cho các mục tiêu quan trọng trước các đòn tập kích từ UAV tự sát, quân đội Nga đã bố trí tổ hợp pháo - tên lửa Pantsir-S1 biệt danh 'quái thú' lên các tháp phòng không ở thủ đô Moscow.

Kênh truyền hình nhà nước Nga Rossiya-24 tuần trước đăng hình ảnh tổ hợp phòng không Pantsir-S1 được triển khai tới các khu vực xung quanh thủ đô Moscow nhằm đối phó với UAV tự sát.

Một số tổ hợp Pantsir-S1 được đặt trên tháp cao, tương đồng với tháp Flak (Flakturm), tên gọi của hệ thống tháp phòng thủ mà Đức từng xây dựng trong Thế chiến II.

Tháp Flak là công trình kiến trúc bằng bê tông khổng lồ có chiều cao khoảng 70 mét, tương đương một tòa nhà cao 21 tầng, được trang bị hàng chục vũ khí phòng không, trong đó pháo 128 mm, để có thể bao quát không phận và tăng tầm bắn.

Các tháp phòng không của Nga không cao như tháp Flak. Một số cao tương đương tòa nhà ba tầng, trong khi số khác thì còn thấp hơn.

Các tổ hợp Pantsir S-1 dường như được đưa lên nóc tháp phòng không bằng cần cẩu hoặc máy bay trực thăng hạng nặng.

Pantsir-S1 có thể phát hiện và đối phó tên lửa, rocket, trực thăng cũng như các loại máy bay không người lái (UAV) mà Ukraine thường dùng để trinh sát hoặc tấn công tự sát.

Nga phát triển pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 từ những năm 1990 nhằm thay thế tổ hợp Tunguska M1.

Pantsir-S1 hoặc tác chiến độc lập, hoặc phối hợp cùng hệ thống S-400 chuyên đánh tầm cao nhằm tạo ra chiếc lá chắn thép bảo vệ lực lượng Nga cũng như đồng minh.

Sức mạnh từ hệ thống phòng không Pantsir-S1 chính là sự kết hợp giữa pháo và tên lửa đem lại một lưới lửa dày đặc tầm thấp bảo vệ chắc chắn căn cứ trước sức tấn công của đối phương.

Hệ thống sử dụng radar bắt bám mục tiêu và theo dõi hai băng sóng 1RS2-1 có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly 32-36km, theo dõi cách 24-28km với mục tiêu diện tích phản xạ radar 2m2.

Radar 1RS2-1 là thành phần đầu của hệ thống điều khiển hỏa lực, phần còn lại là kênh quang - điện với khí tài ảnh nhiệt và hồng ngoại.

Với hai kênh dẫn đường này cho phép Pantsir-S1 tấn công hai mục tiêu cùng lúc.

Pantsir S1 lắp đặt 12 ống phóng chứa tên lửa đất đối không 57E6 hoặc 57E6-E với tầm bắn tối đa 20km, độ cao bắn hạ 15km.

Ngoài ra còn có hai pháo tự động 2A38M cỡ 30mm có tốc độ bắn 2.500 phát/khẩu/phút, tầm bắn hiệu quả từ 20m tới 4km, độ cao từ 10m tới 3km.

Màn đạn dày đặc do pháo 30mm của hệ thống Pantsir-S1 bắn ra có thể nhanh chóng xé nát mục tiêu ngay trên không.

Với việc kết hợp cả pháo bắn tốc độ cao và tên lửa phòng không đánh chặn có khả năng diệt mục tiêu từ khoảng cách 20 km, trần bay 15 km.

Pantsir-S1 chính là mối đe dọa hàng đầu cho các mục tiêu bay hiện nay.

Trải qua quá trình thực chiến tại Syria và Đông Âu, Pantsir-S1 dù có hiệu quả trong những tình huống nhất định, song nó vẫn bộc lộ một số hạn chế.

Nga được cho là đã có những sửa đổi cần thiết để tổ hợp này phát huy hiệu quả trong chiến trường hiện tại.

Giám đốc bộ phận vũ khí thông thường, đạn dược và hóa học đặc biệt của Rostec, ông Bekhkhan Ozdoyer ngày 13/7/2023 nói rằng, hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir-S1 được nâng cấp của Nga có khả năng bảo vệ 100% trước các rocket của hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất.

"Các hệ thống Pantsir-S1 được nâng cấp hiệu quả tác chiến dựa trên kinh nghiệm từ chiến dịch quân sự đặc biệt, ở phiên bản mới có hiệu quả đánh chặn 100% với rocket HIMARS do Mỹ sản xuất", ông Ozdoyev cho biết.

"Bất cứ loại vũ khí nào cũng được hiện đại hóa và cải tiến sau khi được đưa vào thực chiến. Đây là một quá trình liên tục. Ví dụ, sau khi đối phương sử dụng hệ thống HIMARS, các chuyên gia đằng sau Pantsir-S1 đã cải tiến vũ khí để đánh chặn các tên lửa này", ông Ozdoyev nói thêm.

"Chúng ta có thể thấy ví dụ khi các cuộc tấn công bằng HIMARS của đối phương đã bị ngăn chặn. Đã có trường hợp tất cả 12 tên lửa phóng từ hệ thống phóng loạt HIMARS đều bị bắn hạ", ông Ozdoyev nhấn mạnh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-nga-cau-quai-thu-pantsir-s1-len-thap-phong-thu-post551579.antd