Vì sao mọi người hay nói 'ngày tư ngày tết'

'Ngày tư ngày tết' là cụm từ để chỉ dịp những ngày đầu năm âm lịch. Trong đó, chữ 'tư' nghĩa là năm, mùa.

“Ngày tư ngày tết” là biến thể của từ tổ đẳng lập “tư tết”, danh từ dùng để nói về những ngày đầu năm âm lịch, dịp nghỉ ngơi để ăn Tết. Từ tổ đẳng lập là một từ được hình thành bởi từ cùng hoặc gần nghĩa. Chẳng hạn như chợ búa, bến bãi, tàu bè…

Theo nhà nghiên cứu An Chi, “tư” nghĩa là năm, là mùa. Các quyển từ điển Hán Việt lớn như Hán Việt từ điển giản yếu hay Hán Việt tự điển cũng ghi nhận trường nghĩa tương tự.

Vì “tư” có cùng trường nghĩa với “tết” nên được ghép thành “tư tết” (hoặc “tết tư”). Dần dần, người ta xen chữ "ngày" vào mà nói thành "ngày tư ngày tết".

“Ngày tư ngày tết” là một thành ngữ hay xuất hiện trong sinh hoạt, đời sống. Chẳng hạn, “ngày tư ngày tết, mọi người luôn chúc nhau điều tốt đẹp”.

Tuấn An - Hina

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-moi-nguoi-hay-noi-ngay-tu-ngay-tet-post1453410.html