Vì sao loạt diễn viên Hàn lo sợ thất nghiệp?

Cả truyền hình lẫn điện ảnh Hàn Quốc đều đang đối mặt với khoảng thời gian trì trệ, khủng hoảng, dẫn đến nhiều diễn viên không có việc làm.

Phim ảnh Hàn Quốc đang trải qua cuộc khủng hoảng, không chỉ mảng truyền hình mà cả điện ảnh. Số lượng phim được đầu tư sản xuất hay phát sóng giảm sút, kéo theo tình trạng nhân viên lẫn diễn viên thất nghiệp, không có việc làm. Nhiều diễn viên thừa nhận tình trạng thiếu thốn kịch bản như hiện giờ là điều họ chưa từng thấy trong suốt nhiều năm làm nghề.

Nỗi lo thất nghiệp của diễn viên Hàn

Xports News đưa tin những ngôi sao hàng đầu, từng thống trị phim ảnh Hàn Quốc trong thời kỳ hoàng kim cũng đang rơi nước mắt trước tình hình thay đổi của ngành. Số lượng phim tại Hàn Quốc ngày càng giảm. Ngay cả những dự án được ấn định lịch sản xuất sau đó cũng khó phát sóng. Một trong những lý do là ảnh hưởng của làn sóng OTT, theo Xports News.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều ngôi sao hàng đầu Hàn Quốc thừa nhận họ không có việc làm.

Trong một video trên trang cá nhân, nam diễn viên Lee Jang Woo bày tỏ anh rất muốn đóng phim. Tuy nhiên, hiện tại, anh ở tình thế không có kịch bản để nhận. Do đó, nam diễn viên cho rằng bản thân cần giảm cân, chăm chỉ và sẵn sàng nhận mọi loại vai.

Nam diễn viên nói thêm thị trường phim nội địa Hàn Quốc đang xấu đi. Anh nhấn mạnh: "Hiện tại bối cảnh phim rất hỗn loạn". Lee Jang Woo còn chỉ ra các bộ phim truyền hình cuối tuần ngày càng sụt giảm rating (tỷ suất người xem).

Lee Jang Woo từng là gương mặt quen thuộc trên màn ảnh Hàn Quốc. Anh thậm chí có phim My Only One đạt rating 48,5%.

Lee Jang Woo, Kim Ha Neul và Han Ye Seul đều thừa nhận lượng kịch bản họ nhận được hiện rất ít ỏi. Ảnh: Hunus Entertainment, IOK Company, ZUM.

Trong một chương trình mới lên sóng của JTBC, nam diễn viên Kim Ji Seok cũng bày tỏ sự lo lắng và thất vọng khi không nhận được bất kỳ lời mời làm việc nào.

"Tình trạng này chưa từng xảy ra trước đây. Tôi cảm thấy hồi hộp và lo lắng vì không thể quay dù chỉ 1 dự án trong năm nay. Nghe nói các diễn viên khác đã quay 6-7 dự án vào năm ngoái nhưng tôi chỉ quay được 1. Tôi không quan tâm ngay cả khi chỉ nhận được vai phụ. Tôi chỉ muốn thực hiện một dự án và tiếp tục công việc diễn viên", anh nói.

Thất nghiệp là tình trạng chung của rất nhiều diễn viên, ngay cả những ngôi sao nổi tiếng như Han Ye Seul hay Kim Ha Neul.

“Tôi muốn tham gia một dự án nhưng không nhận được lời mời nào cả. Thành thật mà nói, tôi ngày càng lo lắng về con đường tương lai của mình. Tôi thậm chí đi học chăm sóc da để nhận chứng chỉ và có thể làm một công việc bán thời gian", Han Ye Seul cho biết gần gây.

Theo Maekyung, ngày 11/3, Kim Ha Neul tham gia chương trình của MC Shin Dong Yup. Tại đây, nữ diễn viên đoạt giải Rồng Xanh lần thứ 32 nhờ phim điện ảnh Blind cho biết trước đây cô nhận được nhiều lời mời đóng phim đến mức luôn phải từ chối với lý do muốn nghỉ ngơi. Nhưng giờ đây, số lời mời đóng phim dành cho cô giảm đi rất nhiều khiến Kim Ha Neul cảm thấy mỗi kịch bản đều rất quý giá.

Nữ diễn viên Oh Yoon Ah cũng nhấn mạnh quy mô của thị trường phim truyền hình đã giảm xuống còn một nửa so với thời kỳ đỉnh cao. Do đó, những bộ phim đã quay xong cũng rất khó tìm được khung giờ phát sóng.

Thời kỳ trì trệ kéo dài

Không chỉ mảng truyền hình, điện ảnh Hàn cũng đối mặt với tình trạng khủng hoảng suốt từ đầu năm 2022 đến nay.

Sisaweek đưa tin theo dữ liệu do Hội đồng phim Hàn Quốc công bố vào 28/2, tổng doanh thu trong tháng 1 là 74,7 tỷ won (khoảng 56,8 triệu USD) - giảm 39,8% (49,4 tỷ won) so với cùng tháng năm ngoái. Tổng số người xem trong tháng 1 là 7,75 triệu, giảm 31,1% (3,5 triệu) so với cùng tháng năm ngoái. Mùa xuân ở Seoul (vượt 10 triệu người xem) hay Noryang: Sea of Death là những điểm sáng hiếm hoi.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chưa có phim nào tiếp nối được thành công phòng vé của Mùa xuân ở Seoul. Thành tích của Noryang: Sea of Death khả quan nhưng vẫn thấp hơn dự kiến, truyền thông Hàn Quốc nhận định.

Negotiation do Lim Soon Rye đạo diễn với sự tham gia của Hwang Jung Min và Hyun Bin chỉ thu hút được 1,7 triệu người xem. Ảnh: News1.

Có tin đồn lan truyền trong giới làm phim Hàn Quốc rằng "số lượng phim được các nhà phân phối lớn đầu tư năm 2024 bị cắt giảm một nửa". Một nguồn tin nói với Ilyo: “Không có nhà đầu tư hay nhà phân phối nào sẵn sàng xem xét kỹ lưỡng các kịch bản gần đây. Họ không thể đầu tư trừ khi bạn là đạo diễn hoặc diễn viên nổi tiếng đảm bảo thành công về doanh thu phòng vé”.

Giám đốc điều hành CJ ENM Koo Chang Geun bác bỏ thông tin ngừng đầu tư cho phim ảnh nhưng ông thừa nhận việc cắt giảm là khó tránh khỏi.

Không chỉ phim chiếu rạp mà cả các OTT nội địa như Wave, TVING và Watcha cũng giảm đầu tư vào phim. Lý do là các công ty này liên tục phải đối mặt với khoản lỗ lớn. Một điều trớ trêu lúc này là OTT nước ngoài là niềm hy vọng cuối cùng của các nhà làm phim Hàn Quốc. Tuy nhiên, cả Netflix và Disney+ được cho là đã giảm bớt số lượng sản phẩm so với năm ngoái.

Từ năm 2022, các nhà làm phim bắt đầu cảm nhận được sự sa sút trong sản xuất phim. Từ đó trở đi, phim Hàn liên tục thất bại, lượng khán giả đến rạp giảm đi đáng kể, Ilyo đánh giá. Cứ thế, sự sụt giảm của phim Hàn tiếp tục kéo dài đến 2023. Chỉ có 7 phim vượt mức hòa vốn vào năm 2023.

Đặc biệt, trước khi The Roundup: No Way Out (Crime City 3) ra mắt và cứu cánh cho điện ảnh Hàn Quốc, không phim nào ở nước này đủ hòa vốn trong suốt nửa năm, kể từ The Owl ra mắt vào tháng 11/2022.

The Roundup: No Way Out là điểm sáng của phòng vé Hàn Quốc thời gian qua. Ảnh: Naver.

Số lượng phim được sản xuất giảm rõ rệt vào năm 2023. Isplus cho biết năm 2023, giới chuyên môn kỳ vọng phim chiếu rạp hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của Covid-19. Tuy nhiên, thực tế, lượng khán giả ra rạp xem phim năm 2023 giảm xuống dưới mức kỳ vọng. “2023 là năm khó khăn nhất kể từ khi tôi bước chân vào lĩnh vực sản xuất phim”, một chuyên gia nói với Ilyo.

Không chỉ những diễn viên được coi là ngôi sao đại diện cho Hàn Quốc như Song Kang Ho, Ha Jung Woo, Sol Kyeong Gu mà cả những đạo diễn nổi tiếng nhất như Choi Dong Hoon, Kim Yong Hwa, Kang Je Gyu và Kim Ji Woon cũng liên tục phải đối mặt với khó khăn. Những người làm việc trong ngành điện ảnh, bất kể lĩnh vực nào như sản xuất và tiếp thị, đều nói: “Mọi chuyện không còn như trước nữa”. Công thức phòng vé được sử dụng trước đại dịch Covid-19 đã bị phá vỡ và hành vi xem phim của khán giả cũng thay đổi.

Tại sao ngành công nghiệp điện ảnh và phim truyền hình, vốn đã giúp Hàn Quốc đứng vững như một “cường quốc nội dung” lại đang gặp khó khăn?.

Trả lời câu hỏi trên, một quan chức ngành điện ảnh giải đáp với Ilyo: “Tiền đầu tư đã giảm do ảnh hưởng của lãi suất cao. Ngoài ra, sau Covid-19, chỉ có vài phim thành công phòng vé còn hầu hết thất bại nặng nề”.

Ngoài ra, đạo diễn Kang Je Gyu nhận định tiêu chuẩn của khán giả ngày càng khắt khe trong khi giá vé xem phim tăng cao. Do đó, các đạo diễn cũng phải rất nghiêm khắc trong tiêu chuẩn chọn tác phẩm. Sự phát triển của các OTT nước ngoài cũng làm thay đổi thói quen xem phim của khán giả. Thay vì ra rạp, họ chọn ở nhà xem phim trên các nền tảng OTT để tiết kiệm chi phí, thời gian.

Ngành điện ảnh Hàn Quốc năm 2024 sẽ ra sao?.

Hầu hết nhà làm phim đều cho rằng việc phục hồi ngành phim ảnh sẽ khó khăn. Một chuyên gia cho biết với Ilyo: “Tôi không nghĩ nhân viên sản xuất phim sẽ dễ dàng tìm được việc làm vào năm 2024. Sự cạnh tranh việc làm đang trở nên khốc liệt hơn. Có vẻ ngành điện ảnh vẫn còn rất xa mới thấy lại ‘mùa xuân’”.

Theo tờ Khan, cuối tháng 2, chính phủ Hàn Quốc công bố Kế hoạch dự án đầu tư thường xuyên lần thứ nhất cho năm 2024. Tổng quy mô của quỹ được thành lập lần này là 65 tỷ won (49 triệu USD). Chính sách của chính phủ nhằm vực dậy ngành công nghiệp điện ảnh trong nước vốn đã trì trệ kể từ sau đại dịch.

Minh Hạo

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-loat-dien-vien-han-lo-so-that-nghiep-post1464738.html