Vì sao 'Lá chắn thần' Iron Dome của Israel dễ dàng sụp đổ?

Được mệnh danh là 'Lá chắn thần' nhưng hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome của Israel vẫn còn nhiều điểm yếu không thể khắc phục được.

Trong cuộc tấn công lớn vào Israel, bắt đầu vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, các chiến binh Hamas đã có thể dễ dàng xuyên thủng hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa “Vòm sắt” (Iron Dome) được hết lời ca ngợi ở Tel Aviv, bằng các cuộc tấn công ồ ạt kiểu bão hòa (DdoS).

Israel đối đầu với cuộc tấn công lớn nhất hàng thập kỷ

Cuộc tấn công tên lửa hôm 07/10 là một “thành công bất thường” của lực lượng Hamas vào lãnh thổ nhà nước Do Thái, trong suốt nhiều thập kỷ đối đầu giữa các tên lửa “sản phẩm thủ công” trong các xưởng đặt trong tầng hầm và các hệ thống đánh chặn “đỉnh cao công nghệ” của Israel và thế giới.

Cho đến thời điểm hiện tại, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và giới chuyên gia quân sự nước này cũng đang mổ xẻ nguyên nhân làm thế nào mà hệ thống phòng không quốc gia lại sụp đổ nhanh chóng như vậy.

Nguyên nhân của nó có cả khách quan và chủ quan.

Theo bài viết, kể từ khi thành lập vào những năm 80 của thế kỷ trước cho đến cuộc “Chiến tranh Lebanon 2006” hay “Chiến tranh Israel-Hezbollah” năm 2006, nhóm dân quân Shiite thân Iran là Hezbollah đã đúc rút được một kinh nghiệm xương máu trong đối đầu với Israel.

Theo đó, cách gây ra nhiều vấn đề nhất cho các hệ thống phòng thủ của Israel, kể cả các hệ thống “Vòm sắt” (Iron Dome), là các cuộc tấn công ồ ạt bằng rocket phóng loạt (MLRS) thuộc nhiều loại khác nhau, từ loại 107 mm Type 63 của Trung Quốc đến loại 122 mm BM-21 Grad của Liên Xô.

Tất cả những loại rocket này đều rẻ tiền và có thể dễ dàng sản xuất hoặc thu mua từ thị trường vũ khí chợ đen.

Hamas được cho là có kho dự trữ hàng vạn quả tên lửa và rocket để tấn công Israel

Chẳng bao lâu sau, kinh nghiệm này đã được các chiến binh của nhóm vũ trang Hamas của Palestine áp dụng, họ đã thành thạo việc lắp ráp hàng loạt các rocket có tên là “Qassam” từ các bộ phận được cung cấp theo nhiều cách khác nhau và đặt chúng lên các bệ phóng thô sơ.

Không cần phải nói về độ chính xác, bởi Qassam thuộc loại rocket không điều khiển, nhưng chúng rất nhỏ gọn và có tính di động cao, có thể tấn công từ bất cứ khu vực nào và đặc biệt là dễ sản xuất với số lượng lớn.

Iron Dome bất lực trước cuộc tấn công của hàng ngàn tên lửa

Do sở hữu nhiều rocket tự lắp ráp nên nhóm vũ trang Palestine có thể phóng ồ ạt tới hàng ngàn quả sang lãnh thổ Israel.

Theo các tuyên bố của Hamas, họ đã bắn hơn 5000 quả tên lửa Qassams và các loại khác vào lãnh thổ của nhà nước Do Thái và Tel Aviv cũng đã phải thừa nhận có khoảng 5.500 quả tên lửa và máy bay không người lái kamikaze Zouari đã tấn công sang Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023.

Theo một số báo cáo, cuộc tấn công đầu tiên và khủng khiếp nhất của Hamas kéo dài khoảng nửa giờ, trong đó hơn 4.000 tên lửa và máy bay không người lái của nhóm vũ trang Palestine đã phóng sang miền nam Israel.

Các cuộc tấn công bão hòa bằng hàng trăm, hàng nghìn quả tên lửa hoặc rocket có thể làm quá tải và tê liệt tất cả những hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Và Iron Dome với tên lửa đánh chặn Tamir cũng không thể làm được gì khác hơn.

Tên lửa đánh chặn Tamir có giá đắt gấp 50 lần tên lửa Qassam của Hamas

Theo nhiều ước tính khác nhau, IDF có từ 10 đến 13 hệ thống phòng không Iron Dome. Mỗi hệ thống bao gồm một radar, một trạm chỉ huy và 3-4 bệ phóng.

Mỗi bệ phóng mang theo 20 quả tên lửa phòng không Tamir.

Nghĩa là trong cơn mưa rocket của Hamas phóng sang Israel, mỗi đợt sẽ có từ 60 đến 80 tên lửa đánh chặn Tamir được đồng loạt phóng lên bầu trời từ mỗi hệ thống “Vòm Sắt”. Nhưng điều đó cũng chỉ như muối bỏ bể mà thôi.

Kể cả 13 hệ thống “Vòm Sắt” của Israel có đồng loạt phóng tên lửa và tỷ lệ đánh chặn giả sử có đạt 100% cũng chỉ đánh chặn được gần 800 quả tên lửa - con số quá nhỏ bé so với 4000 tên lửa và máy bay không người lái tấn công vào lãnh thổ Israel trong đợt tấn công đầu tiên.

Còn nhiều vấn đề khác khiến Israel bất lực

Một vấn đề nan giải khác khiến Israel không thể kịp phản ứng với đòn tấn công kiểu bão hòa theo nhiều đợt là tốc độ nạp đạn của các bệ phóng tên lửa thô sơ của Hamas cũng nhanh hơn rất nhiều so với các hệ thống tên lửa hiện đại của Israel.

Các chiến binh Hamas có thể trang bị cho MLRS thô sơ của họ những tên lửa mới chỉ trong vài phút, nhưng với Iron Dome thì có thể phải mất hơn một giờ. Và nếu đợt tấn công thứ hai diễn ra sau 15 phút thì IDF thực sự bất lực không thể bảo vệ được lãnh thổ của đất nước.

Về tính năng kỹ thuật, Iron Dome được thiết kế đặc biệt để chống lại tên lửa bay theo quỹ đạo đạn đạo trên cao, nên việc đánh chặn các mục tiêu phóng cực gần, trần bay thấp và có khả năng cơ động gây ra vấn đề khó khăn cho nó.

Các hệ thống Iron Dome của Israel chủ yếu được triển khai nhằm vào dải Gaza

Ngoài ra, tên lửa phòng không Tamir có tốc độ tương đối thấp, chỉ khoảng 700 m/s, đó là lý do tại sao chúng không phải lúc nào cũng có thể hạ mục tiêu bằng một cú đánh chặn trực tiếp và các mảnh vỡ cũng không có khả năng gây sát thương cho một quả rocket nếu bắn kiểu truy đuổi.

Hơn nữa, mỗi quả tên lửa Tamir của “Vòm Sắt” có giá 30-40 nghìn USD, trong khi một quả rocket không điều khiển của Hamas chỉ trị giá chưa đầy 800 USD. Tỷ lệ chi phí/hiệu quả đánh chặn là quá đắt đỏ, khiến Mỹ phải ngay lập tức viện trợ cho Israel hàng tỷ USD.

Ngoài ra, điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Israel là lá chắn phòng thủ tên lửa của IDF chủ yếu hướng vào Dải Gaza và Syria, nhưng nếu cuộc tấn công được thực hiện bằng UAV từ biển, phóng từ tàu cao tốc vào lục địa, IDF sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tóm lại, những điểm yếu trên đã khiến người Israel đã phải trải qua cơn ác mộng thực sự vào ngày 7/10/2023.

Những mối đe dọa mới từ tên lửa của Hamas không chỉ gây tê liệt cho các hệ thống Iron Dome đặt ở khắp đất nước, mà còn gây căng thẳng cho tổ hợp công nghiệp-quân sự của Israel và đặc biệt là làm hỗn loạn các hệ thống cảnh báo tên lửa của nước này.

Đó cũng chính là nguyên nhân khiến Mỹ phải giăng 2 nhóm tấn công tàu sân bay, 1 cụm tàu đổ bộ tấn công, cùng với 10 tuần dương hạm và khu trục hạm tới Địa Trung Hải và Biển Đỏ để bảo vệ Israel trước các cuộc tấn công từ hướng biển, cả ở phía bắc lẫn phía nam.

Nguyễn Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-la-chan-than-iron-dome-cua-israel-de-dang-sup-do-post658790.html