Vì sao hội hè của người Việt xưa thường có tiệc tùng?

Trong những tiệc tùng việc làng, dân làng gặp gỡ nhau có thể trình bày với nhau những điều thắc mắc để tạo niềm thông cảm giữa toàn dân.

Những tiệc tùng

Ta có câu “vô tửu bất thành lễ”, nghĩa là khi cúng chưa có rượu thì chưa thành lễ. Rượu thịt thường đi đôi.

Trong các lễ cúng ngoại trừ lễ cúng Phật và những lễ cúng chay, bao giờ cũng có rượu thịt. Thịt được gọi là con sinh trong những buổi lễ. Khi tế người xưa hay có tục dùng lễ tam sinh nghĩa là dùng ba sinh vật khác nhau.

Tam sinh có thể là trâu, bò và lợn hoặc lợn, dê và bò, hoặc chim, gà, vịt và cũng có thể là cá, lươn, tôm như ta thường bắt gặp trong những lễ cúng mở cửa mả tại miền Nam.

Rượu thịt dâng lễ xong, dân làng cùng hưởng, hoặc cùng ăn tại đình hoặc làm phân chia cho cả làng, thường một phần đồ lễ dùng làm tiệc tại đình để các người tham dự cùng ăn uống, còn một phần dùng làm phân chia cho sân đình trong làng.

Tiền sắm lễ do dân chúng đóng góp, nếu không cũng là trích ở quỹ làng, cả làng phải cùng được hưởng. Gia dĩ đối với dân quê, miếng phần việc làng rất quý. Tục ngữ có câu: “Miếng việc làng hơn sàng xó bếp”. Một miếng việc làng là một miếng thừa lộc thánh, ăn được may mắn.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Người ta thường bảo rằng: Xôi thịt việc làng ăn thơm ngon. Đây là miếng ăn thừa hưởng của thần linh.

Thực ra, có thể nói được chẳng mấy khi dân quê có một sàng thịt trong xó bếp. Câu tục ngữ trên cũng phần nào cố ý che đậy khía cạnh không đẹp của sự mong mỏi một miếng phần của làng, chỉ vì phần đây là xôi và thịt, hai thứ dân quê không phải mỗi lúc mỗi có. Phần việc làng chính là cái gì bổ khuyết cho sự thiếu sót trong vấn đề dinh dưỡng của dân thôn.

Trong những tiệc tùng việc làng, dân làng gặp gỡ nhau có thể trình bày với nhau những điều thắc mắc để tạo niềm thông cảm giữa toàn dân.

Dự tiệc làng, không phải bất cứ người dân nào bạ đâu ngồi cũng được. Tục lệ hương ẩm trong làng đã xếp đặt chỗ ngồi cho từng hạng người. Việc đặt chỗ ngồi cốt để duy trì tôn ti trật tự tại xã thôn, đúng theo tinh thần của Khổng giáo mà cái nguyên lý căn bản là sự bất bình đẳng giữa vạn vật.

Trật tự trong xã thôn có giữ được, an ninh mới được bảo đảm, nếp sống mới điều hòa, làng xóm mới thịnh vượng. Người dân quê luôn luôn sẵn sàng chấp nhận tôn ti trật tự của tục hương ẩm. Tôn ti trật tự không có nghĩa là phân chia giai cấp, ở đây mục đích chỉ nhằm vào sự sắp đặt trên dưới đúng với nhiệm vụ của mỗi người trong làng.

Vua Tự Đức năm thứ 14 đã có chỉ dụ ấn định rõ ngôi thứ và chỗ ngồi trong những buổi tiệc tùng theo tục lệ hương ẩm:

“Văn từ thất phẩm trở lên, ấm sinh, giám sinh và Tú tài xuất thân mà được bát cửu phẩm, Võ từ suất đội trở lên, khoa mục từ cử nhân trở lên thì ngồi gian giữa đình.

Hương lão 70 tuổi trở lên, Võ thất phẩm đội trưởng, văn bát cửu phẩm tá tạp(1), bát cửu phẩm, viện tử, thiên, bách hộ nạp quyên, miễn sai, miễn giao đều ngồi gian tả. Phẩm trật đồng nhau, thì ai hơn tuổi ngồi trên.

Lý trưởng, hương chức dân làng thì ngồi ở gian hữu, lấy tuổi làm thứ tự. Ở những làng theo lệ thiên tước thì ngôi thứ dựa theo thứ tự ở trong số hương ẩm”.

Định vị ngôi thứ đã rõ ràng bởi phép vua, tuy phép vua thường được linh động thay đổi theo lệ làng. Ngôi thứ đã có trong tiệc tùng hội hè đình đám, nên dân làng cứ chiếu theo chỗ mình mà ngồi.

Mỗi khi hội hè đình đám không phải chỉ có một lần tiệc, có thể có đôi ba bữa tiệc to nhỏ khác nhau. Mỗi buổi tế đều có đồ mặn, mà có lễ mặn là có tiệc tùng hoặc phần chia. Thường chỉ có một tiệc lớn và vài ba tiệc nhỏ. Tiệc lớn cả làng đều dự, tiệc nhỏ số người dự hạn chế hơn, có khi theo chức vị tuổi tác.

Tóm lại, có hội hè đình đám phải có tiệc tùng. Dân quê lấy tiệc tùng làm vui, và là một dịp để cả làng thông cảm với nhau dưới môi trường phụng sự thần linh.

***

Thời cuộc đã thay đổi cả nếp sống từ quê tới tỉnh. Ngày nay, tuy nhiều nơi vẫn còn tục lệ hội hè đình đám, nhưng dù sao ý nghĩa thiêng liêng xưa kia cũng đã mất dần. Nhắc lại hội hè đình đám ngày hôm nay ở đây, chúng tôi không dám có ý khuyến khích tất cả mọi người quay về cổ tục, nhưng tôi nghĩ đây chỉ là một cuộc tìm tòi để hiểu biết về văn hóa nước nhà.

Qua sự tìm tòi hiểu biết này chúng ta giữ lấy những cái hay, xếp riêng những điều ngày nay cho là dở, đem hòa hợp những cái hay với cuộc sống hiện tại để thích ứng với hoàn cảnh đương thời.

Toan Ánh/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-hoi-he-cua-nguoi-viet-xua-thuong-co-tiec-tung-post1460963.html